Cho nước uống cầu con ở "ấp sinh đôi”: Rất sẵn lòng nhưng đừng kỳ vọng

26/09/2020 - 12:03

PNO - "Ai muốn xin nước thì tôi cho chứ không khuyến khích, cũng không tạo cho người ta niềm tin và kỳ vọng rằng uống nước về sẽ có con", một người dân ở "ấp sinh đôi" nói.

Những năm 1995-2000, ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai nở rộ hiện tượng sinh đôi. Trong chầu lai rai, một ông vui miệng nói sao ấp mình sinh đôi quá nhiều, mấy ông nhậu chung ngẫm thấy đúng nên tán đồng và phát hiện thú vị này lan rộng.

Theo trưởng ấp, thời điểm 2002, vì thấy lạ nên địa phương đã tiến hành khảo sát và kết quả cũng khẳng định tỷ lệ vượt trội về số lượng cặp song sinh ở ấp Hưng Hiệp. Toàn xã Hưng Lộc gồm bốn ấp có tổng cộng 70 cặp song sinh, thì riêng ấp Hưng Hiệp đã chiếm đến bốn mươi mấy cặp. Báo chí đăng tải, người người truyền tai, những cặp vợ chồng hiếm muộn khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài đã tìm đến “ấp mắn đẻ” này để xin nước uống, hy vọng khai thông đường con cái của mình.

Người viết bài đến đây để tìm hiểu xem sau hai mươi mấy năm, vùng này hiện còn thu hút khách thập phương đến cầu con hay không. Vừa đặt chân đến xã Hưng Lộc, hỏi đường về ấp Hưng Hiệp, một bác chỉ hướng đi tiếp và hỏi ngay: “Có mua can đựng chưa? Để mất công vô đó rồi phải trở ra mua à”.

Cặp “công chúa” Bảo An - Bảo Anh ra đời sau sáu năm cả nhà mong đợi
Cặp “công chúa” Bảo An - Bảo Anh ra đời sau sáu năm cả nhà mong đợi

Vui nhưng cũng hơi phiền

Tìm đến nhà ông trưởng ấp tên Lê Văn Báu, ông từ chỗ trại bò cách nhà mấy cây số đang trên đường về. Vợ ông biết khách muốn hỏi thăm chuyện sinh đôi, đã đon đả mở cổng mời vào. “Nhà tui nuôi bò còn đẻ đôi chứ nói gì người. Bò đẻ đôi hiếm lắm. Lúc bò con lọt lòng, thấy sao ở trỏng còn một túi, tui nghi còn nữa. Ổng chọc tui là có bà đẻ nữa chứ bò nào mà sinh đôi. Vậy mà thiệt mới lạ đời” - bà dí dỏm mở đầu câu chuyện.

Gia đình bà Báu đông chị em nhưng ít người lập gia đình, nên bề con cháu cũng thưa thớt. Ông bà lại chỉ sinh được một con nên giữa năm 2018, có được cặp cháu ngoại Bảo An - Bảo Anh, cả nhà mừng không tả xiết. Hành trình nuôi cặp song sinh vô cùng vất vả, tốn kém do bé non ngày tháng, nhẹ cân (chỉ khoảng 1,5 ký/bé), có bé còn chưa biết bú ngay, hai bé thường “rủ nhau” bệnh... nhưng bà không hề quản ngại. Rồi hai bé lớn lên từng ngày, khỏe mạnh, thông minh, đáng yêu.

Đầu ngõ bỗng rộn ràng tiếng nói cười, thì ra là hai cô “công chúa” sang chơi nhà bà con, được ẵm về trả. Không khí yên tĩnh, trầm lắng ban nãy bỗng tưng bừng, náo nhiệt vì hai cô nàng hiếu động chạy giỡn. Bà ngoại ôm cháu đả đớt: “Dù có đống vàng cũng không đổi được hai cục cưng này đâu”. 

Cặp “công chúa” sinh ra trong mùa rộ trở lại của hiện tượng sinh đôi ở ấp, bởi sau mùa rộ những năm 1995-2000 thì hiện tượng có giảm nhiệt đôi chút. Cùng lứa Bảo An - Bảo Anh, có đến mấy cặp song sinh cách vài căn nhà. Cách vài trăm mét, ở cùng hẻm, có cả cặp mới sinh, chưa xuất viện và những cặp song sinh đang chờ đủ ngày đủ tháng chào đời. Trường mầm non và các nhóm trẻ trong ấp mỗi sáng dập dìu những cha mẹ dắt tay “hai giọt nước” đến gửi. Tuy gần đây, ấp chưa khảo sát lại, nhưng tỷ lệ song sinh cao là điều dễ thấy.

Hỏi về hiệu quả của việc uống nước giúp tăng khả năng thụ thai, vợ chồng ông Báu đều không khẳng định, vì chính con gái và rể ông bà uống nguồn nước này mà cũng chậm con (cưới nhau sáu năm mới có được Bảo An - Bảo Anh). Vợ chồng cũng từng ngược xuôi đi khám hiếm muộn, uống thuốc y học cổ truyền... Trong ấp cũng có cặp vợ chồng mong con nhưng chờ mãi đến nay lớn tuổi rồi mà chưa được “trời cho”. 

Ông Báu tươi cười chia sẻ: “Nhiều khi “hạp phong thủy” thế nào nên nhiều cặp vợ chồng ở đây sinh đôi, có cả sinh ba. Người dân các nơi thấy vậy đổ về xin cái lộc, cái hên, rồi có thể vì tâm trạng tốt mà tăng cường sức khỏe và dễ thụ thai hơn hay sao đó. Trước giờ đã có rất nhiều đoàn y, bác sĩ, nhà khoa học đến khảo sát nguồn nước, nhưng không tìm được cơ sở khoa học nào liên quan đến việc dễ đậu thai, sinh con”.

Theo ông Báu, việc những gia đình hiếm muộn các nơi đổ về đây để tận mắt nhìn các cặp sinh đôi lớn lên và xin nước uống cầu con, đem lại cho người dân trong ấp niềm vui nhưng đôi khi cũng phiền phức. Nhất là họ còn nhờ trưởng ấp dắt vào tận nhà khi bà đẻ còn nằm ổ. Em bé song sinh thường non ngày tháng, yếu ớt dễ bị nhiễm bệnh. Có khách vì quá ham em bé, xin được bồng bế “lấy vía”, chủ nhà từ chối thì ngại mà chấp nhận thì rước cái lo, nhất là khi có dịch COVID-19.

Dù tuổi thơ thiếu thốn, phải uống sữa pha nước cơm nhưng hai bé trai song sinh của vợ chồng anh Trần Đình Danh vẫn mạnh khỏe, tươi vui (ảnh lưu niệm 20 năm trước)
Dù tuổi thơ thiếu thốn, phải uống sữa pha nước cơm nhưng hai bé trai song sinh của vợ chồng anh Trần Đình Danh vẫn mạnh khỏe, tươi vui (ảnh lưu niệm 20 năm trước)

Nước “giếng thần” không chữa được bệnh vô sinh

Nhà được xin nước nhiều nhất ấp có lẽ là nhà của ông Trần Đình Danh do ông ở gần đường lớn. Ông từng là trưởng ấp và vợ chồng ông có cặp song sinh trai (1997), các nhà xung quanh ông cũng đa số đều có cặp song sinh.

Vợ chồng ông sẵn sàng cho nước vì quan niệm nước là của tự nhiên, của trời đất ban cho, giếng vơi rồi giếng lại đầy, không cho thì giếng cũng chẳng đầy hơn. Ông dặn các con khi cha mẹ vắng nhà, ai xin nước cứ cho, không cần đợi cha mẹ về vì sợ khách đến từ phương xa lỡ đường, không quay về kịp.

Và cũng như mọi nhà dân trong ấp, ông Danh không bao giờ nhận tiền dù khách quyết tâm trả. Có người hỏi vì sao ông không bán can để khách mua đựng nước, ông xua tay. Ông chỉ cho, không muốn mang tiếng lợi dụng niềm tin để kiếm tiền.

Gia đình ông không thể nhớ nổi mình đã cho bao nhiêu người, càng không thể nhớ tên tuổi, quê quán. Đó là người đàn bà trung niên lấp ló ở cổng, không dám bước vào vì ngại “chủ nhà biết có sẵn lòng không”.

Đó là cặp vợ chồng công nhân không có xe máy, phải mượn xe vượt đường trường tới đây để tìm một cơ hội làm cha mẹ. Đó là một cô giáo ở phía Bắc tham gia một nhóm hiếm con, đã đại diện thuê một chiếc xe tải chở 100 thùng nước về chia cho mọi người.

Đó là người anh ở Biên Hòa tỉ mẩn gói từng chai nước nhỏ như món quà sinh nhật gửi cho em gái tận Hà Nội (vì gửi nguyên can nước sợ bị đơn vị vận chuyển tráo đi, uống nhầm nguy hại cho cơ thể).

Đó là người đàn bà từ Tiền Giang đi xe khách lên để xin nước cho con, bị xe ôm hù “xa lắm, bà không đi nổi đâu, đưa tiền đây tui lấy nước cho”. Hay hai mẹ con từ Bình Dương dắt nhau đến hai lần, lần thứ ba chỉ còn người mẹ đến vì con... mới cấn bầu.

Cũng không nhớ hết bao người đã báo tin vui cho ông Danh kèm theo lời cảm ơn nghèn nghẹn. Nhiều người mời vợ chồng ông đến dự đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật cháu bé với tư cách người ơn đã giúp gia đình gieo trồng mầm xanh. Cũng có gia đình bồng bế, dắt díu cháu bé đến nhà ông Danh để “khoe thành quả”. 

Tuy có nhận được lời phản hồi tốt từ khách các nơi từng xin nước, nhưng ông Danh không tin nước nhà mình nói riêng và ấp này nói chung có tác dụng kích hoạt đường con cái như một số bài báo và trang mạng đồn thổi, thần thánh hóa.

“Không có giếng thần trị bệnh hiếm muộn vô sinh, cũng như không có những hình thức khấn con, tất cả phải được nghiên cứu khoa học xác minh. Nhiều người đến xin nước một thời gian rồi lặn luôn, có thể họ không có chuyển biến tích cực nào trong việc mang thai nên nản. Mạch nước ở đây quả thật rất trong lành, ngọt mát. Ai muốn xin nước thì tôi cho chứ không khuyến khích, cũng không tạo cho người ta niềm tin và kỳ vọng rằng uống nước về sẽ có con. Vì nếu cứ mong mỏi, người hiếm muộn sẽ dành quá nhiều thời gian, công sức cho việc “lấy nước về uống”, không xoay hướng khác phù hợp và hiệu quả thực sự. Từ đó đánh mất cơ hội khám chữa bệnh của mình”, ông Danh nói.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI