"Phổ cập điện thoại" trong trường: Chỉ thấy hại!

24/09/2020 - 15:51

PNO - Tôi có 2 đứa con đang học bậc phổ thông trung học ở một trường tư thục. Ngay từ lúc làm thủ tục nhập học cho con, phụ huynh chúng tôi đã được đọc quy định: "Không cho con em mang điện thoại vào lớp học”.

Mỗi đầu năm học, trong các buổi họp phụ huynh, giáo viên đều nhắc lại quy định này. Trẻ cố tình mang điện thoại vào lớp sẽ bị tịch thu. Tôi cũng như nhiều phụ huynh khác đã quen với việc con đi học không cần đem điện thoại và không thấy gì bất tiện.

Mọi vấn đề về học hành, thay đổi giờ đưa đón do thay đổi lịch học tập hoặc sinh hoạt... giáo viên đều trực tiếp liên lạc với phụ huynh bằng nhiều hình thức: gọi điện thoại trực tiếp, nhắn tin Zalo, Viber…

Khi cần liên lạc với cha mẹ, học sinh có thể thông qua giáo viên quản nhiệm hoặc mượn điện thoại của giáo viên đứng lớp. Ngược lại, nếu có việc gì cần liên lạc với con, cha mẹ cũng có thể gọi trực tiếp cho giáo viên.

Học sinh đến trường không phải để giao tiếp' với điện thoại thông minh
Học sinh đến trường không phải để "giao tiếp' với điện thoại thông minh. Ảnh minh họa

Tôi cho rằng cách làm này tiện hơn rất nhiều so với việc cho con mang điện thoại theo chỉ để liên lạc. Thứ nhất, sẽ rất phiền toái khi con đang học mà phải nhận cuộc gọi từ cha mẹ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến con mà còn ảnh hưởng đến cả lớp học và giáo viên đang đứng lớp. Còn trong trường hợp cần liên lạc với con gấp, nhưng con lại tập trung học, không cầm máy và để chế độ yên lặng thì phụ huynh cũng không thỏa mãn nhu cầu. Thứ hai, nhiều trẻ được cha mẹ cho sử dụng điện thoại đắt tiền, nếu xảy ra mất mát, sẽ phiền toái với rất nhiều người, thậm chí, có thể làm tổn thương người khác.

Tôi nghĩ, không nên cho học sinh mang điện thoại tới trường, dù chỉ mở ra sau giờ học cho cha mẹ tiện liên lạc việc đón đưa. Nhưng tất nhiên, để làm được điều này cần có sự đồng lòng và nhiệt tình của giáo viên. Tôi may mắn vì ở ngôi trường tư con tôi đang theo học, giáo viên rất sẵn lòng làm “cầu nối” cho phụ huynh và học sinh trong suốt thời gian con tôi ở trường.

Ở góc độ xem điện thoại là phương tiện học tập, giúp trẻ tiếp cận với công nghệ, với internet… tôi hoàn toàn không đồng tình với các ý kiến cho rằng thời đại 4.0 phải biết học tập qua điện thoại. Ở trường con tôi đã có phòng máy tính và phân bố giờ học hợp lý theo từng môn học cho học sinh. Thường thì hệ thống máy tính đã được kết nối với internet này sẽ được nhà trường kiểm soát và chặn những trang web độc hại, hoàn toàn chỉ phục vụ học tập.

Nếu được thoải mái đem điện thoại vào lớp, lý do là để tiếp cận phương pháp học hiện đại, nhưng học sinh sẽ sử dụng nó để tiếp cận khi nào? Liệu nhà trường và giáo viên có kiểm soát nổi việc học trò có đang truy cập đúng trang web yêu cầu?

Việc học tập trên điện thoại ngay tại trường học, theo tôi là phương pháp... phản giáo dục. Khi các nước phát triển đang cố gắng kéo người trẻ ra xa những chiếc smartphone, bởi ở đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ hại cho sự phát triển tinh thần, cảm xúc lẫn sức khỏe… thì chúng ta lại "phổ cập điện thoại" trong học đường!

Sẽ phải tính hết các tình huống nguy hại nếu trẻ được dùng điện thoại trong lớp. Ảnh minh họa
Sẽ phải tính hết các tình huống nguy hại nếu trẻ được dùng điện thoại trong lớp. Ảnh minh họa

Con tôi không được mang điện thoại vào trường, nhưng cháu thành thạo việc tìm kiếm, xử lý và tổng hợp thông tin từ internet, thực hiện những bài thuyết trình bằng powerpoint gồm hình ảnh, các clip đi kèm… Và kỹ năng này hoàn toàn không phải nhờ sử dụng điện thoại, mà ở phương pháp giảng dạy của giáo viên và nhà trường.

Không phải không có lý do để người ta đặt câu hỏi: phải chăng đây là bước đi đầu để một hãng smartphone nào đó tiếp cận và bán hàng cho phụ huynh? Thử hình dung một ngày nào đó, cận cảnh 1 lớp học sẽ là những khuôn mặt “cắm’ vào điện thoại. Thầy trò giao tiếp với nhau qua các nền tảng trực tuyến dù tất cả đang ngồi chung trong 1 phòng.

Và con một hệ lụy khác, những chiếc smartphone vô tình trở thành phương tiện phân biệt giàu nghèo giữa những đứa trẻ - điều không bao giờ nên có ở môi trường học đường.

Hoa Nguyễn (Q10, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI