Cho con cơ hội tự 'sửa lưng'

08/10/2017 - 09:52

PNO - Sáng cuối tuần, con gái tôi dậy sớm, gọi em dậy, rồi chị em phân công nhau dọn dẹp phòng ngủ, phòng học.

Sáng cuối tuần, con gái tôi dậy sớm, gọi em dậy, rồi chị em phân công nhau dọn dẹp phòng ngủ, phòng học. Lâu nay, vợ chồng tôi gần như giao luôn hai phòng trên lầu cho con tự quản, lâu lâu lên xem thì nhắc nhở các con sắp xếp đồ đạc ngăn nắp. 

Nghe chị em trao đổi với nhau mà thấy vui: “Mấy cuốn sách này để đâu hả chị?”, “lát nữa chị nhớ quét trong góc này nha!”, “chị nhớ bỏ rác đó nha”, “em lựa trong ống viết, cây nào xài được thì để lại, không thì bỏ đi”… Bữa sáng các con chỉ ăn vội mấy cái bánh ngọt, rồi lục đục đến gần trưa…

Cho con co hoi tu 'sua lung'
 

Đến giờ cơm, tôi đùa: “Các con định cho trời mưa ngập lụt hay sao mà tự dọn phòng vậy?”. Bé em nhanh nhảu: “Chị Hai nói ngày mai có mấy anh chị đến học nhóm, nên kêu con dọn dẹp, chứ không bạn chị chê chị ở dơ!”. 

Thì ra động lực để con gái tôi siêng năng là do có bạn đến nhà, sợ xấu mặt. Nhớ trước đó, tôi từng nghe con gái nói với mẹ là phòng của bạn nào đó bừa bộn như… chuồng heo.

Vợ tôi nghe vậy thì nhắc: “Con biết chê người ta thì cũng biết tự nhìn lại mình, tự “sửa lưng” nha!”. Sau bữa đó, con tôi cũng chủ động sắp xếp lại quần áo, bàn học, lau cầu thang, dọn nhà vệ sinh… Nhưng những bữa sau, nếu không nhắc nhở, các con lại quên. 

Từ việc tự giác dọn phòng của con tôi thấy, con cái đang trong tuổi lớn (8-15 tuổi) thường chưa định hình rõ ràng những việc nên làm, phải làm, mà thường theo sự gợi ý, sắp xếp, thậm chí bắt buộc của cha mẹ. Có khi, vì không ưng ý mà trẻ phản ứng với cha mẹ, dẫn đến những ngộ nhận rằng cha mẹ không thương hoặc trẻ phải miễn cưỡng thực hiện chứ  không hề nghĩ đó là điều cần làm. 

Cho con co hoi tu 'sua lung'
 

Nếu không có sự dung hòa, điều chỉnh hợp lý giữa cha mẹ và trẻ thì dễ dẫn đến mâu thuẫn, chẳng hạn, trẻ luôn cảm thấy bị áp đặt, không được thể hiện chính kiến của mình, cho rằng mất tự do… Tuy nhiên, nếu trẻ luôn răm rắp nghe lời hoặc sẵn sàng “bật lại” cha mẹ thì cần có sự quan tâm phù hợp.

Bởi với trẻ luôn vâng lời, có thể trẻ không có ý kiến riêng mà quá lệ thuộc vào người lớn, ít nhiều thể hiện sự thiếu độc lập. Vì vậy, cha mẹ cũng đừng vội vui là “con tôi rất biết nghe lời”.

Khi trẻ “ham cãi”, rõ ràng giữa cha mẹ và con cái có khoảng cách trong suy nghĩ, có thể do cách biệt tuổi tác, môi trường sống hoặc do cha mẹ ít chú ý đến những quan tâm thực sự của trẻ, và cũng không loại trừ trẻ chịu sự tác động từ bên ngoài mà trở nên ngỗ ngược. 

Tôi và vợ nhắc nhau cố gắng tôn trọng sự tự điều chỉnh của con, trong sở thích, ứng xử, thái độ, hành vi… Khi thấy con thay đổi thì đừng vội châm chọc, phê phán hay “dập tắt”, mà nên tìm hiểu, lắng nghe con để biết rõ vì sao con có sự thay đổi đó.

Trong trường hợp sự tự điều chỉnh cơ bản là tích cực, như học tập hoặc rút kinh nghiệm từ bạn, sự chuyển biến ý thức nhờ xem một cuốn sách, một bộ phim… thì khuyến khích con, đồng thời định hướng thêm để sự điều chỉnh đó thực sự đi đúng hướng, có kết quả tích cực.

Nếu sự tự điều chỉnh theo hướng tiêu cực, như bị bạn bè rủ rê, phản ứng thái quá để làm cho cha mẹ chú ý… thì cần làm rõ nguyên nhân vì sao như thế, lắng nghe chia sẻ của con để có biện pháp uốn nắn phù hợp.

Xét cho cùng, sự tự điều chỉnh tích cực trong lối sống, trong nhận thức, trong hành vi… của mỗi người là rất quan trọng, bởi điều đó cho thấy bản thân đã tiếp thu được điều gì đó từ cuộc sống, từ trong sách vở, từ nhà trường, từ người nào đó… Chúng tôi đã thống nhất phải tôn trọng và tạo điều kiện để con tự điều chỉnh, thay vì chỉ chăm chăm điều chỉnh con. 

Ngô Đồng Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI