Châu Phi đang dần kiểm soát được đại dịch COVID-19

13/02/2022 - 07:30

PNO - Bà Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi cho biết các quốc gia của lục địa này đang trong quá trình kiểm soát SARS-CoV-2 và các biến thể mới nổi của nó trong năm nay.

Châu Phi dần kiểm soát được đại dịch

Các quốc gia châu Phi đã phải đối mặt với một số thách thức kể từ khi đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên vào tháng 2/2020, bao gồm tác động của việc đóng cửa đối với nền kinh tế và sinh kế cũng như sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin.

Châu lục này cũng có tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong tương đối khiêm tốn, với số lượng phục hồi cao hơn so với các trường hợp được báo cáo trên toàn cầu, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi).

Người dân xếp hàng chờ đăng ký vắc xin AstraZeneca Covid-19 tại Bệnh viện Mbagathi ở Nairobi, Kenya,
Người dân xếp hàng chờ đăng ký tiêm vắc xin AstraZeneca tại Bệnh viện Mbagathi ở Nairobi, Kenya, tháng 7/2021

"Trong hai năm qua, châu Phi đã phát triển hơn, nhanh hơn và phản ứng tốt hơn với mỗi ca đột biến mới của SARS-CoV-2. Miễn là chúng tôi vẫn cảnh giác và chúng tôi hành động mạnh mẽ, đặc biệt là tiêm chủng, châu lục này đang trên đà kiểm soát đại dịch” - Tiến sĩ Matshidiso Moeti cho biết.

Châu Phi đã báo cáo ​​gần 11 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 3% tổng số trường hợp trên toàn cầu) và khoảng 242.000 ca tử vong liên quan đến virus (chiếm 4,2% trường hợp tử vong ghi nhận trên toàn cầu) tính đến ngày 10/2. Ngoài ra, lục địa này vẫn còn kém các khu vực khác trên thế giới về mức độ phổ biến vì chỉ có 11% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ.

Giai đoạn mới của đại dịch

Châu Phi đã phải trải qua 4 đợt virus có khả năng lây truyền cao, với mỗi đợt bùng dịch đều đưa số ca nhiễm đạt đỉnh hoặc tổng số ca mắc mới nhiều hơn đợt trước. So với 3 đợt đầu, đợt bùng phát biến thể Omicron chỉ kết thúc trong sáu tuần và lần đầu tiên sự gia tăng đột biến số ca nhiễm mới không dẫn đến sự gia tăng tương xứng về số ca nhập viện và tử vong.

Tuy nhiên, Tiến si Moeti thừa nhận rằng tỷ lệ nhiễm virus ở châu Phi có thể cao hơn nhiều so với những con số đã biết. Bà nói thêm khi lục địa này chuyển sang một giai đoạn mới của đại dịch, châu Phi phải tăng cường hệ thống y tế của mình để có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc quản lý các đợt bùng phát dịch trong tương lai.

Văn phòng WHO châu Phi cho biết họ đang dẫn đầu một sáng kiến ​​tại 15 quốc gia nhằm tăng cường xét nghiệm và cung cấp các công cụ ngăn ngừa lây nhiễm như khẩu trang và gel rửa tay.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào năm ngoái, ước tính có khoảng 40 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo cùng cực do đại dịch ở châu Phi và các biện pháp hạn chế như phong tỏa đã khiến châu lục này mất đi hàng tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội.

Thu Hương (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI