Cảnh sát Myanmar cáo buộc nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi sở hữu thiết bị liên lạc trái phép

03/02/2021 - 21:24

PNO - Theo hãng tin Reuters, cảnh sát Myanmar đệ đơn cáo buộc nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc và sẽ giam giữ bà cho đến ngày 15/2.

Quân đội Myanmar lên nắm quyền sau cuộc đảo chính hôm 1/2, bắt giữ nhà lãnh đạo đoạt giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi và cắt đứt quá trình dân chủ hóa của đất nước. Cuộc tiếp quản cưỡng ép đã bị Mỹ và các nước phương Tây khác lên án.

Bên cạnh đó, hãng tin AFP cũng dẫn nguồn tài liệu cảnh sát, tiết lộ một đội binh lính từ văn phòng tổng tư lệnh đã khám xét nơi ở của bà Aung San Suu Kyi lúc 6g30 sáng 1/2. Họ đã tìm thấy ít nhất 10 bộ đàm và các thiết bị liên lạc khác.

Các thiết bị này được coi là bằng chứng để "cáo buộc bà Aung San Suu Kyi về hành vi nhập khẩu và sử dụng các thiết bị liên lạc không được phép".

Nhiều người dân Myanmar tỏ ra bất bình vì hành động đảo chính của quân đội
Nhiều người dân Myanmar tỏ ra bất bình vì hành động đảo chính của quân đội

Văn bản yêu cầu tạm giam bà Aung San Suu Kyi "để thẩm vấn nhân chứng, tìm kiếm chứng cứ và chỉ định luật sư".

Một tài liệu riêng khác cho thấy cảnh sát đã đệ đơn buộc tội Tổng thống bị lật đổ Win Myint vì các vi phạm theo Luật Quản lý Thiên tai.

Tài liệu cho biết ông Win Myint, vợ và con gái đã tham gia vào một sự kiện vận động tranh cử vào tháng 9/2020 vốn thu hút hàng trăm người – vi phạm các hạn chế COVID-19. Reuters không thể liên với cảnh sát, chính phủ hoặc tòa án Myanmar để yêu cầu đưa ra bình luận.

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi trước đó đưa ra một thông cáo cho biết văn phòng của họ đã bị đột kích ở một số khu vực, và kêu gọi nhà chức trách ngừng ngay hành vi mà họ gọi là trái pháp luật sau chiến thắng của đảng trong cuộc bầu cử ngày 8/11.

Kyi Toe - nhân viên phụ trách báo chí của NLD viết trên trang Facebook của đảng: "Chúng tôi có thông tin đáng tin cậy rằng tòa án Dakhinathiri đã đưa ra phán quyết tạm giam 14 ngày - từ ngày 1/2 đến ngày 15/2 đối với bà Aung San Suu Kyi, do cáo buộc vi phạm luật xuất nhập khẩu".

Trong mắt người dân, nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi là một anh hùng dân tộc đã đấu tranh không ngừng vì quyền dân chủ của đất nước
Trong mắt người dân, nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi là một anh hùng dân tộc đã đấu tranh không ngừng vì quyền dân chủ của đất nước

Bà Aung San Suu Kyi và các nhân vật cấp cao khác của đảng cầm quyền đã bị bắt giữ trong một cuộc đột kích vào sáng sớm ngày 1/2.

Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền với lý do cuộc bầu cử ngày 8/11 đã bị gian lận, dù đảng NLD đã giành chiến thắng áp đảo, và Ủy ban bầu cử nói rằng cuộc bỏ phiếu hoàn toàn công bằng.

Min Aung Hlaing tự bổ nhiệm mình là người đứng đầu Nội các mới gồm các tướng lĩnh cũ và hiện tại, biện minh cho cuộc đảo chính của mình là kết quả "không thể tránh khỏi" của việc các nhà lãnh đạo dân sự không chú ý đến các cáo buộc gian lận của quân đội.

Quân đội đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và cho biết họ sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới, sau khi điều tra các cáo buộc về “những bất thường trong cử tri”.

Bà Aung San Suu Kyi đã phải chịu đựng khoảng 15 năm quản thúc tại gia từ năm 1989 đến năm 2010 khi bà lãnh đạo phong trào dân chủ của đất nước. Bà vẫn cực kỳ nổi tiếng ở quê nhà bất chấp danh tiếng quốc tế bị tổn hại sau cuộc chạy trốn khỏi Myanmar của những người tị nạn Rohingya theo đạo Hồi vào năm 2017.

Linh La (theo Reuters, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI