Cạn nghĩ

24/03/2015 - 11:35

PNO - PN - Chị em tôi tha phương, ba má ở quê. Ngày ba mất, mấy chị em lo xong tang ma, cùng bàn bạc xem ai sẽ về ở với má. Chị Hai tôi ly hôn đã lâu, một mình làm thuê nuôi hai con ăn học ở Sài Gòn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Người về ở với má đương nhiên không phải là chị. Anh Ba - người khá giả nhất nhà - làm trưởng công an ở một huyện cách nhà hơn 50km. Chị dâu thì có hai sạp hàng lớn, bán vải và quần áo. Anh nói: “Vợ chồng anh bận làm ăn, không về được đâu”. Vợ chồng anh Tư đang làm công nhân ở Sài Gòn, không khấm khá nhưng cũng đủ ăn. Anh nói: “Vợ chồng tui mà về đây là đói nhăn răng”. Tôi là út, lấy chồng ở Sài Gòn. Chồng tôi làm thợ sửa giày, tôi bán quần áo ở vỉa hè, đương nhiên không thể “đâm đầu về xứ khỉ ho cò gáy, chỉ có nước cạp đất mà ăn”…

Mấy chị em đùn tới đẩy lui, ai cũng có lý do. Ngồi nghe mấy chị em nạnh hẹ, má tôi xua tay, cản: “Thôi thôi! Ba bây mới mất, mấy chị em bất hòa, người ta cười thúi đầu. Má còn mạnh giỏi, tự biết lo thân. Tụi bây đi đâu thì đi”…

Từ ngày ba mất, má buồn nên gầy rộc. Thỉnh thoảng tôi về thăm, thấy má nấu nồi cơm nhỏ xíu, ăn từ sáng tới chiều. Có khi má không buồn hấp lại, cơm khô, má trệu trạo nhai cho qua bữa.

Lần nào đám giỗ ba, mấy chị em cũng nhắc việc ai sẽ về ở với má. Chúng tôi trao đổi với nhau, có người già ở một mình, chết mấy ngày sau hàng xóm mới phát hiện. “Nhà mình mà xảy ra vụ này chắc bà con cười cho chết, hối hận không kịp…”, nghe anh Ba nói vậy, chị Hai ngó lơ chỗ khác. Vợ chồng anh Tư ít khi bàn bạc, thường tản ra vườn cắt rau mang về Sài Gòn. Tôi cắm cúi lau tới lau lui cái mặt bàn đến bóng ngời vẫn chưa dám ngẩng lên nhìn má…

Đám giỗ ba lần thứ tư, chị Hai về, xách đồ đạc lỉnh kỉnh. Chị nói hai đứa nhỏ học hành xong rồi, từ nay chị sẽ về ở với má. Từ ngày chị về, má khỏe hẳn ra. Ngày hai bữa, chị nấu đủ hai món canh và kho. Má ho vài tiếng, chị liền chưng tắc với đường phèn. Tối nào chị cũng xoa bóp, đấm lưng cho má dễ ngủ. Má gặp ai cũng khoe, “ở với con gái là sướng nhất, nó hiểu ý mình”.

Mảnh vườn của má chỉ có hai công, trồng đủ thứ xoài, dừa, mít… Mấy năm nay cỏ mọc lút đầu, cây cối xơ xác. Chị Hai để dành được ít vốn, thuê người đào đất tu sửa vườn tược, trồng thêm cây mới. Chị còn trồng bầu bí, rau đậu khắp vườn. Lần nào mấy chị em tụ họp, cũng tấm tắc khen chị giỏi.

Can nghi

Thấy mảnh vườn đẹp, cây trái sum suê, nhiều người muốn mua. Đám giỗ ba năm nay, anh Tư bàn với má: “Má già rồi, hay là làm di chúc chia mảnh vườn cho tụi con. Theo con, chia làm bốn là công bằng nhất”. Có lần, tôi nghe má nói với chị: “Anh em tụi nó đi hết, chỉ có con chịu ở với má. Má trăm tuổi già, con ở luôn đây lo nhang khói”.

Câu này của má, chắc có ý để lại gia sản cho chị. Giờ nghe vậy, chị giãy nảy: “Mảnh vườn có hai công, chia mỗi đứa một thẻo thì được tích sự gì. Công chị bồi đắp mấy năm nay, sao mấy đứa không tính”. Chị Tư cười cười: “Công nhận chị Hai có “tầm nhìn”, chăm chút ít lâu mảnh vườn liền có giá. Biết vầy, vợ chồng em về lâu rồi”…

Lúc ba còn sống, từng nhắc việc chia đất. Anh Ba nói: “Phần con tài sản không thiếu, ba khỏi chia”. Giờ anh Tư dò ý, anh Ba nói: “Phần của anh đương nhiên anh phải nhận. Anh ưu tiên bán cho người trong nhà, đứa nào mua được giá, anh bán”. Phần tôi cũng có ý như anh Ba. Tôi đang tích góp mua nhà, có đồng nào đỡ đồng đó.

Mấy chị em cãi nhau bất phân thắng bại. Anh Ba xua tay: “Thôi, tài sản của má, để má tính”. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía má, chờ câu trả lời. Nãy giờ, tôi không để ý đến má, nhìn lại mới thấy má ngồi chết trân trên võng. Mọi người im lặng khá lâu, chị Hai bỗng buông một câu rất thực tế: “Mảnh vườn chia làm bốn, vậy má ở với ai? Chị nói trước, chị không chịu thiệt ở đây nữa. Má càng già càng trái tính trái nết, đau bệnh tùm lum. Bộ mấy đứa tưởng nuôi má dễ lắm sao”. Mấy chị em sắp bùng nổ trận tranh cãi nếu ngay lúc đó má không ớ lên một tiếng rồi, xỉu ngay trên võng. Chị em luýnh quýnh xức dầu, xoa bóp chân tay, tức tốc chở má tới trạm xá.

Nhìn má thoi thóp trên giường bệnh, khóe mắt còn đọng lại hai giọt nước rưng rưng, mấy chị em xấu hổ không dám nhìn lâu. Má sinh bốn chị em tôi, nuôi ăn học khôn lớn nên người, giờ bốn đứa con không nuôi nổi một mình má, còn cắn xé nhau chỉ vì mảnh vườn, hỏi sao má không đau lòng. Tôi khóc, không dám nói gì với má, bởi tôi cũng giống các anh chị, chỉ biết nghĩ cho mình.

 THÙY NGUYỄN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI