Cầm tay đi suốt cuộc đời

24/07/2015 - 16:45

PNO - PN - Hỏi có bao giờ thấy tủi thân, nghĩ phận mình bạc, chị cười: “Số phận ban cho chị hai món quà vô giá là anh và các cháu. Vậy thì bạc gì nữa em”, chị Trương Thị Kim Diệu (SN 1971, ngụ KP.3, P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM) nói. Gia cảnh khốn khó, vợ chồng lại “gánh” đủ thứ bệnh trong người, nhưng căn nhà nhỏ của họ chẳng bao giờ thiếu tiếng cười.

CHỒNG CON CẦN MÌNH

Một chiều đầu tháng Bảy, tôi ghé nhà thăm, thấy má con chị Diệu đang lui cui đổ bánh xèo, bánh khọt. Chị nói, nắng quá, bán chậm, nhiều lắm cũng chỉ 2-3kg gạo/ngày. Có khi ngày nối ngày ăn bánh khọt ế trừ cơm, riết thành quen. Bữa trước chị ra chợ mua rau bị té xe, ngón cái bàn tay trái chống xuống đất, giờ đơ đơ, sưng vù. Đang buồn buồn, chợt chị hồ hởi khoe: “Hồi này anh Bình khỏe hơn xưa, đi ra đi vô, phụ được chị cái này cái kia rồi”.

Chị Diệu sinh ra tại TP.HCM, trong một gia đình có sáu anh em. Hai tuổi, chị bị sốt bại liệt, chân trái teo tóp dần, chân phải thì sưng vù. Thời chị tập đi, cứ nhích được vài bước là té, cả người đầy vết trầy trụa. 10 tuổi, Diệu mới vào lớp 1. 18, 19 tuổi thì tập tành vịn xe đạp đi chứ “trống không” thì té hoài.

Năm 1999, chị lập gia đình với anh Bùi Công Bình (SN 1969). Anh là thợ mộc, cao ráo, khỏe mạnh. Chị nhớ lại: “Năm 1997, chúng tôi tình cờ gặp nhau tại nhà người quen. Bẵng đi hai năm, gặp lại, anh thổ lộ đã thương tôi từ lâu. Tôi giật mình, bối rối, bởi nghĩ người khuyết tật lại nghèo và ít học như mình thì ai thương”.

Sau ngày cưới, anh chị sống trong căn nhà được ghép tạm bợ bằng 12 tấm tôn cũ. Anh đi làm, chị ở nhà nhận móc giỏ, kết cườm thuê. Hai đứa con lần lượt chào đời. Con lớn Bùi Minh Phong (SN 2000) cách em gái Bùi Thụy Thanh Nhàn có một tuổi. Đồng lương thợ mộc của anh Bình chẳng đủ cho cả nhà bữa rau, bữa cháo. Ngoài kết cườm, 2, 3g khuya, chị dậy nấu thêm nồi xôi, làm bánh khoai mì để sáng ra đi bán.

Cam tay di suot cuoc doi

Vợ chồng chị Kim Diệu hạnh phúc khi xem lại giấy khen học giỏi của các con

Bán xôi mãi mà tiền lời chẳng bao nhiêu, chị chuyển sang bán vé số. Chân chị yếu, đi bộ cỡ trăm mét đã ngã. Vậy mà, đêm nào chị cũng ráng nấn ná thêm một, hai tiếng đồng hồ chỗ mấy quán ăn, quán nhậu để mời khách mua thêm vài tờ vé số. Hết bán vé số, chị lại “bén duyên” với nghề bán hủ tíu, bún riêu, sau nữa là bánh xèo, bánh khọt. Có lần, chảo nước đang sôi sùng sục trên bếp, chị đưa vá múc cho khách mà tay run thế nào lại làm cả chảo đổ ào xuống chân.

Phỏng nặng, chị phải ngồi một chỗ mấy tháng liền. Bé Nhàn cứ thấy mẹ vật vã vì đau đớn là khóc: “Con sợ mất mẹ”. Chị Diệu dặn lòng, đời chị, dẫu có khổ cực kiểu gì cũng phải sống. Chồng và các con cần có chị. Mấy tháng ở nhờ nhà mẹ ruột, mấy tháng ăn gì ói ra nấy, đau đến tận xương tủy nhưng chị vẫn cứ cười, cứ bình thản, nói: “chuyện có gì đâu”. Chị kéo ống quần, chỉ tôi những vết lồi lõm trên chân: “Kỷ niệm một thời đây. Giờ nhìn lại, cứ cười mình dở hoài”. Kỳ thực, không ai biết chị, hiểu chị mà chê chị dở. Mười mấy năm theo chồng là chừng đó thời gian chị bôn ba, xuôi ngược kiếm tiền, phần vun vén gia đình, phần để dành nuôi giấc mơ tương lai tươi sáng cho con.

TRỌN NGHĨA VẸN TÌNH

Năm 2008, anh Bình bị tai biến. Phong, Nhàn, ngày đi học, tối về ngồi coi quán bánh xèo, bánh khọt cho mẹ. Chị Diệu túc trực chăm sóc chồng trong Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM). Nhiều bữa, lau chùi, vệ sinh cá nhân giúp anh, nước mắt chị chảy dài vì thương chồng, xót chồng. Từ 60kg, anh còn chưa tới 30kg, lại thêm bệnh suy tụy mạn tính. Thuốc ngày ba cữ. Rời bệnh viện về nhà, anh phải tập cầm nắm, tập đi đứng như đứa trẻ. Có lẽ vì thấy mình bất lực, anh đâm ra hay cáu gắt.

Thương chồng, chị kềm lòng hết sức, không bao giờ to tiếng hay cự nự gì anh. Chị cũng dặn các con phải giữ không khí trong nhà thật vui vẻ, thoải mái để ba an lòng. Nghe ai chỉ chỗ nọ, chỗ kia bán thuốc hay, thuốc tốt, chị lập tức đi tìm mua về cho anh. Năm 2010, chính quyền địa phương hỗ trợ xây căn nhà tình thương, chị mừng quýnh vì “Với 12 tấm tôn, mưa gió chẳng biết xoay xở thế nào để anh Bình khỏi lạnh, khỏi ướt”. Phong, Nhàn học giỏi, mấy năm nay đều nhận được học bổng nên chị cũng đỡ phần nào.

Cam tay di suot cuoc doi

Thanh Nhàn phụ mẹ bán quán sau giờ tan học

Lúc trước, mỗi lần tới thăm anh chị, tôi lại chạnh lòng. Anh Bình chỉ nằm trên giường, hơi thở khó nhọc. Anh hay nói, bứt rứt trong người, đâu làm được gì. Hôm nay ghé lại, anh đã cười rất tươi. Anh đỡ nhiều rồi, chẳng những có thể đứng dậy đi tới đi lui mà còn “xí” phần lau dọn nhà cửa, rửa chén bát và phụ vợ phụ con dọn hàng mỗi ngày. Chị Bùi Thị Thanh Hằng (SN 1973, em gái anh Bình) chia sẻ: “Từ ngày chị Diệu về làm dâu, nhà tôi ai cũng thương, cũng quý chị.

Sức chị yếu lắm. Cái chợ nhỏ gần nhà đây thôi mà bước dăm, ba bước ra là chị té rồi. Nhiều lần, người trong xóm phải chạy tới nhà gọi chúng tôi ra dìu chị về. Anh Bình ngã bệnh không còn khả năng lao động, một mình chèo chống nuôi cả nhà, nhưng chị vẫn chu toàn trong ngoài. Cái nghĩa vợ chồng nặng sâu ở chỗ anh chị vẫn kiên định nắm tay nhau lúc hoạn nạn”,

Ba năm nay, mẹ chị Diệu - bà Trần Thị Tươi bị tai biến liệt nửa người. Cuối tuần nào chị cũng bắt xe buýt về huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) thăm, vệ sinh cá nhân cho mẹ. Đời chị cơ cực nhưng chưa than vãn một lời. Chân đã yếu, người chị cũng không khỏe mạnh gì. Ngoài huyết áp cao, loét bao tử, chị còn bị máu nhiễm mỡ. Nhiều đêm, đau nhức quá không ngủ được, chị trở dậy cắm cúi tìm việc gì đó để làm. Anh Bình rầy “tham việc”, chị cười: “vợ chồng mình cùng cố gắng”.

 THẢO NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI