Cái vòng kim cô mang tên: Ơn Vợ

28/08/2017 - 16:00

PNO - - Đâu, số điện thoại của cô này đâu? Anh xóa trước mặt tôi đi! Số này phải không? Xóa ngay! Từ nay về sau, cô đừng bao giờ liên lạc với chồng tôi. Tôi cấm.

Bà vợ đùng đùng đứng dậy, rời khỏi bàn, hất chiếc túi xách hàng hiệu xoay một vòng trên bàn, làm phin cà phê đổ tung tóe.

- Cô thông cảm, tôi về trước nhé! Cảm ơn cô. Ông chồng không giấu nổi vẻ sượng sùng nhìn cô gái, miễn cưỡng bước theo bà vợ. 

- Chẳng ra làm sao, mất toi buổi sáng phải đóng cửa tiệm oan uổng! Bà vợ bực dọc.
Chờ ông chồng tính tiền ở quầy cà phê, bà vợ còn dằn hắt: “Tư với chả vấn. Ông đừng có dại mà gặp hạng người này!”.

Cai vong kim co mang ten: On Vo
 

Khách uống cà phê tưởng đây là trận dằn mặt của người vợ chính thức đối với bồ nhí của chồng nhưng hình như sai. Đó là ca tư vấn “đoản hậu” của một chuyên viên tâm lý với cặp vợ chồng tại quán cà phê. 

Buổi tư vấn diễn ra trong 40 phút và bà vợ đã "chiếm sóng" đến 90%. Bà nổ như bắp rang về hành trình làm vợ điểm 10 của mình. Hơn cả vợ, bà đích thị là một ân nhân tái sinh chồng, đã cứu ông qua trận đột quỵ do bệnh tim mười năm trước. Tiền bạc đổ ra để phẫu thuật, công sức không biết bao mà kể. Một tay bà cáng đáng, vừa nuôi chồng, vừa chăm con nhỏ, vừa hiếu đễ với dòng họ bên chồng ở quê. Kể một đoạn, bà tạm ngưng vài giây, rồi điệp khúc “tôi đã hy sinh như thế, nếu không có tôi thì ông đã chết mất đất rồi” lại trỗi...

Điều cần nói là tuy bà học thức không cao nhưng giỏi buôn bán kiếm tiền, lương ông làm công ty chỉ đáng bạc lẻ. Sự thật trần trụi ấy cũng được dịp phơi bày, mổ xẻ trong buổi này, trước mặt ông. Lại thêm, bà kém xa tuổi ông, nhan sắc có thừa, đàn ông ngấp nghé muốn vơ cả “xâu” cũng có. Vì sức khỏe kém, ông không đáp ứng tình dục nhưng bà vẫn gắng sống mực thước để làm gương cho con.

“Tôi như thế đấy, mà ông lại phản bội tôi”. Điệp khúc thứ hai của bà lại trỗi… Tình tiết mà bà vin vào để khép tội chồng “phản bội” là ông dám cả gan gọi điện thoại cho một số người bà đã cấm. Dù tuyên bố mình không ghen, dù biết chắc ông chỉ liên lạc qua điện thoại chứ không quan hệ thân xác, bà không ưa nên bắt ép ông cắt đứt. Bà đánh úp ông bằng cách so sánh: “Tình nghĩa với cô đó giá đáng bao nhiêu, kỷ niệm giữa hai người đẹp cỡ nào, có bằng cái ơn của tôi đã bán nhà đất, chạy chữa cho ông qua cơn thập tử nhất sinh mười năm trước và dốc sức chăm sóc để giờ này ông cứng cáp, mập mạp không?”. Rồi bà tự trả lời: “Chắc chắn là không”. Bà quay sang, ông vội gật đầu, cười cầu hòa như một quy trình được cài đặt sẵn. 

“Ở đây thì ổng tỏ vẻ hợp tác như thế chứ ở nhà ông ngang như cua. Không hiểu chuyện đâu. Chỉ làm theo ý mình thôi. Giờ nghe tôi trình bày thế, đã rõ ngọn ngành, cô góp ý, răn đe câu gì để cho chồng tôi không còn những hành động sai trái phản bội, vô ơn với vợ nữa”. Bà vợ nhìn đồng hồ, giục cô chuyên viên.

Cai vong kim co mang ten: On Vo
Ảnh minh họa

Thận trọng nhưng thẳng thắn, cô chuyên viên nêu quan điểm của mình về việc tôn trọng mối quan hệ của bạn đời. Đoạn tuyệt hay không do chính chủ thể tự quyết, chứ không phải người bạn đời “cấp phép”, vấn đề là chủ thể ấy biết giữ giới hạn để không ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc hôn nhân của mình.

Mới nghe đã không lọt tai, bà vợ dập ngay: “Tôi bảo đoạn tuyệt là đoạn tuyệt. Ổng sai như thế, cô đã không vạch cái sai mà còn bắc thang cho ổng leo. Cô có phải là giúp vợ chồng người ta hạnh phúc không đấy?”. “Hạnh phúc luôn được vun đắp từ hai phía. Để tháo gỡ chuyện này, ngoài khuyên răn anh giữ gìn sự trong sáng trong các mối quan hệ, tôi cũng có vài lời gửi đến chị...” - cô chuyên viên ôn tồn nói. 

Bà vợ hùng hổ chỉ thẳng vào mặt chuyên viên: “Tôi không có gì sai, chẳng có gì cần phải nghe. Người phải sửa đổi là chồng tôi. Cô có nhầm không, hay vợ chồng tôi đã tìm nhầm người? Lúc nãy vừa thấy bộ dạng cô là tôi nghi rồi. Nếu cô không biết nói thế nào để chồng tôi vì nhớ tới cái ơn tôi đã cứu mạng ổng, đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho cha con ổng mà dẹp bỏ những mối quan hệ phức tạp kia thì thôi. Đi về!”. 

Ông chồng theo bà vợ bước ra, cô chuyên viên như nhác thấy “vòng kim cô” trên đầu ông ta. Lấp lánh nhưng thắt buộc như chính cuộc sống sung túc, đủ đầy của ông, chỉ thiếu mỗi “tự do”. Cái “vòng kim cô” tròng vào đầu ngay lúc ông được vợ dìu khỏi bệnh viện và khổ thay, có hạn sử dụng đến trọn đời. Vì thọ ơn vợ, suốt đời này ông không còn được sống với chính mình. Cuộc sống của ông là những gì vợ ông suy nghĩ, sắp đặt và cho phép. Sai khác đi là phụ nghĩa, vong ơn. 

Ông trả nợ không bằng tiền, bằng sức, bằng thời gian, mà chính bằng sự tự chủ của mình. Phải ngoan, nhất nhất vâng lời là kết quả bà nhắm đến trong tiến trình biến ông chồng thành... đứa con. Trót nợ vợ, ông không thể ngang nhiên “quỵt” bằng một cuộc ly thân, ly hôn nếu muốn. Và, không biết hên hay xui, ý chí đòi lại tự do cũng dần tàn lụi. Thỉnh thoảng nó gặp dịp sống dậy khiến ông trật “đường ray” bà vẽ, tức thì chiến tranh bùng nổ. 

Và khi ấy, cũng không rõ giữa “con nợ” và “chủ nợ”, ai nặng nề, bất an và tổn thương hơn? 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI