edf40wrjww2tblPage:Content

Bị cáo Lê Hồng Vương
Chuyện của đôi bạn nghèo
Lê Hồng Vương (SN 1984, thường trú huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) và Nguyễn Nhật Trường vốn là đồng nghiệp khi cùng làm tại một cơ sở gia công túi xách. Cái nghèo, cộng với sự chân thành trong chia sẻ càng khiến họ gần gũi, thân thiết nhau hơn. Ngày thôi việc để mở cơ sở riêng, Trường quyết định mời Vương về làm cùng. Việc kinh doanh thua lỗ, Trường thu hẹp quy mô; Vương lúc này đã đủ kinh nghiệm và tiềm lực nên cũng thuê mặt bằng gần đó mở tiệm riêng. Tách ra chưa lâu thì giữa họ phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến một bi kịch tang thương, khiến những ai từng chứng kiến tình bạn của họ cũng bật lên lời xót xa: giá như...
Chiều 24/9/2012, Vương may túi xách bị thiếu chỉ, nhờ người quen sang cơ sở của Trường xin. Lúc trở về, vừa đưa chỉ cho Vương, người này vừa… “méc”: “Họ nói sao không mua mà xin hoài”. Chỉ là cách nói dỗi hờn thường xảy ra trong cuộc sống nhưng Vương lại nổi nóng điện thoại sang trách: “Xin miếng chỉ làm gì nói dữ vậy”. “Ở đâu mà xin hoài” - vợ Trường bực dọc đáp. Vương gác máy, người bên kia gọi lại: “Có tin tao không cho mày làm ở đây nữa không?”. Vương nghe vậy, tức tốc cầm kéo phóng xe qua nhà Trường. Đến nơi, Vương xông vào cãi nhau với vợ chồng Trường, được can ngăn nên Vương bỏ ra ngoài. Tưởng chuyện đến đây chấm dứt nhưng nỗi uất ức cứ lớn dần lên, Vương bất ngờ quay trở vào dùng kéo đâm liên tục vào người bạn thân.
Phút nông nổi của Vương đã khiến Trường nhận cái chết vô nghĩa, Vương rơi vào vòng lao lý. Chưa hết, vợ con họ phải đối diện với một con đường gập ghềnh, chênh chao trong cảnh đơn côi, góa bụa.

Bà Hoa - mẹ Vương đau đớn trước hình phạt con phải nhận lãnh
Nước mắt người thân
“Bị cáo đâu cố tình giết bạn. Hối hận lắm, bị cáo trách mình đã không thể bình tĩnh hơn” - Vương bất ngờ quay lại phía sau rồi bật lên từng lời đứt quãng: “Nhà bị cáo rất nghèo. Lúc vợ sinh, bị cáo bận làm ăn xa không về được, đến nay chưa biết mặt con. Bị cáo đi tù, ai lo cho người thân?”. Vương vừa dứt lời, dưới hàng ghế dự khán, hai người đàn bà một già một trẻ gục vào nhau nức nở. Họ là mẹ và vợ của bị cáo. Ngoài cổng tòa, còn có em gái Vương đang bồng đứa bé chưa đầy một tuổi, con Vương. Đêm trước, họ phải bắt chuyến xe đêm vượt gần 700 cây số từ Bình Định vào TP.HCM dự phiên tòa. Đôi mắt ngấn nước, bà Hoa - mẹ Vương kể, Vương lớn lên trong cảnh thiếu cha, vì người đàn ông ấy đã bỏ mấy mẹ con đi theo người phụ nữ cho ông sự sung túc. Quê tận miền núi hẻo lánh, không đất ruộng canh tác, gia cảnh thuộc diện xóa đói giảm nghèo nên Vương học chưa hết lớp 3 đã theo mẹ đi làm thuê. 15 tuổi, Vương vào Sài Gòn học gia công túi xách. “Từ đó, làm được đồng nào, nó gửi hết về cho tui nuôi em gái” - bà Hoa nói.
Vợ Vương thút thít: “Buổi sáng tui sinh thì buổi chiều anh phạm tội. Ngày 24/9 ấy, suốt đời tui không quên”. Chìa tờ giấy đầy những dấu vân tay và chữ ký nguệch ngoạc của bà con lối xóm ở ngoài quê, bà Hoa kể: một bữa bà cùng con dâu đi làm giấy khai sinh cho con Vương, lúc ghi ngày sinh của đứa trẻ, vợ Vương ràn rụa nước mắt, cán bộ hỏi thăm, biết hoàn cảnh của Vương nên làm một lá đơn trong đó viết Vương là người con hiền lành, hiếu thảo; lá đơn ấy, ai biết chuyện đều ký tên vào mong xin giảm án cho Vương. Cũng nhờ có tình làng nghĩa xóm gom tiền giúp đỡ, mấy mẹ con bà mới có lộ phí vào đây. Tại phiên xử, vợ Trường yêu cầu bồi thường 40 triệu đồng và cấp dưỡng nuôi con trai mới ba tuổi mỗi tháng một triệu đồng đến khi trưởng thành. Điều đó với gia đình bà Hoa thật quá sức, dẫu vậy, bà hứa về quê sẽ cầm cố cửa nhà, vay mượn thêm để bồi thường. Chồng chết, việc kinh doanh túi xách cũng chết theo nên vợ Trường phải đi phụ việc ở một quán cơm kiếm sống.

Vợ bị cáo Vương: “Buổi sáng tui sinh con thì buổi chiều anh phạm tội”
Tòa tuyên Vương án chung thân vì tội “giết người”. Vương đang đứng bỗng khuỵu xuống, cảnh vệ phải dìu đến khu lưu phạm. Tiếng bước chân lục tục ra về lẫn với tiếng gọi với “Anh ơi!”, “Con ơi!” đầy thảng thốt, bất lực của vợ và mẹ Vương. Xe chuyển phạm đưa Vương đi khuất, họ còn ngơ ngác ngồi lại dưới sân. Bà Hoa cứ lặp đi lặp lại những câu hỏi nhói lòng: “Đây là lần cuối cùng tui gặp con phải không?”. Vợ Vương ngồi sát bên, vạch áo cho con bú, mắt nhìn bất động vào một điểm. Dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt chị thi thoảng rớt trên mặt con gái…
NGÂN DU
Tiếc cho hành vi côn đồ Cáo trạng truy tố bị cáo Lê Hồng Vương phạm tội “giết người”, thuộc trường hợp có tính chất côn đồ; tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm n, khoản 1, điều 93 của Bộ luật Hình sự: “bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Mức án chung thân bị cáo Vương nhận lãnh là cái giá quá đắt phải trả cho một phút bốc đồng, không kiểm soát được hành vi. Dễ dàng nhận thấy bản thân Vương không hề có động cơ, mục đích nào để phải tước đoạt sinh mạng của nạn nhân. Sau khi gây án, bị cáo đã rất tích cực đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu, qua đó thể hiện sự ăn năn, hối lỗi cho cách hành xử của mình. Mặt khác, xem xét quá trình trưởng thành của Vương, cho thấy chưa từng vi phạm pháp luật và là người con hiếu thảo, hiền lành được địa phương xác nhận. Điều này nói lên bản chất của bị cáo là lương thiện, không có tính cách của kẻ côn đồ. Do đó, thật tiếc khi trong cơn nóng giận, Vương lại có hành vi bột phát sự côn đồ, tòa phải chiếu theo khung hình phạt cao nhất của tội danh “giết người” để áp dụng mức án. Trong cuộc sống, chuyện gây gổ, xích mích xảy ra giữa các mối quan hệ là điều không tránh khỏi đối với bất kỳ ai. Có nhiều vụ án đau lòng cũng khởi nguồn từ mối bất hòa nhỏ nhặt, va chạm rất đời mà khi bình tâm trở lại, ngẫm thấy chỉ cần một lời nói nhẹ nhàng sẽ biến chuyện to thành nhỏ, có thành không. Vụ án này một lần nữa là lời cảnh báo cho mọi người trong ứng xử, không nên lao theo cảm xúc, cơn nóng tức để dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nỗi đau, thảm kịch sẽ không dừng ở cái kết thương tâm hay mức phạt nghiêm khắc của pháp luật mà còn ảnh hưởng, liên lụy, gây khổ cho người thân. Luật sư Trần Ngọc Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM) |