"Bánh bao...một trứng"

04/10/2013 - 20:05

PNO - PNCN - Một bé trai trong lớp tôi phụ trách ít tham gia hoạt động với các bạn, thỉnh thoảng lại nằm, kêu đau ở vùng bụng dưới bên trái và không cho ai đụng vào. Tôi kiểm tra, thấy cháu chỉ có tinh hoàn bên phải. Báo cho phụ huynh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nguyễn Phương Thảo (giáo viên mầm non)

 

Trường hợp của bé trai, trong y khoa gọi là tinh hoàn lạc chỗ (chỉ có một tinh hoàn nằm trong bìu) hay tinh hoàn ẩn (nếu cả hai bên bìu đều không thấy tinh hoàn), giống như bánh bao… một trứng hoặc không nhân vậy đó. Cách nhận biết đơn giản nhất là sờ bìu của bé khi đứng, nếu không thấy tinh hoàn nhưng khi bé nằm, sờ vùng bẹn có thể thấy có một khối cộm nhỏ di động. Cô nên khuyên phụ huynh đưa bé đến các bệnh viện có khoa ngoại nhi để được khám, siêu âm kiểm tra kích thước và vị trí tinh hoàn ẩn. Bé có thể được phẫu thuật đưa tinh hoàn về đúng vị trí và ra về ngay trong ngày.

Tình trạng này do trong thời kỳ người mẹ mang thai, hai tinh hoàn của mọi thai nhi nam đều còn nằm trong ổ bụng, đến khoảng tháng thứ tám thai kỳ tinh hoàn mới di chuyển xuống bẹn rồi nằm yên ổn trong bìu, chuẩn bị sẵn sàng cho “người đàn ông bé bỏng” chào đời. Nếu trong quá trình di chuyển này, tinh hoàn gặp trở ngại gì đó mà nằm lại ở bụng hoặc ở bẹn thì gọi là tinh hoàn ẩn. Khoảng 30% các bé trai sinh non bị tinh hoàn ẩn (bé chào đời sớm, nên tinh hoàn chưa kịp “về đích”), ở trẻ sinh đủ tháng tỷ lệ này là 3%. Khoảng 70% trường hợp tinh hoàn ẩn sẽ xuống bìu trong những tháng đầu, sau một tuổi, tỷ lệ này rất hiếm. Vì nếu không chữa trị, trẻ có thể gặp một số biến chứng đáng tiếc như:

 Xoắn tinh hoàn: dấu hiệu để nhận biết là trẻ đột nhiên đau thắt dữ dội vùng tinh hoàn ẩn (thường ở bẹn), trẻ kêu đau và không cho sờ, đôi khi kèm theo nôn ói. Nếu bác sĩ không can thiệp kịp thời có thể sẽ phải cắt bỏ tinh hoàn nếu đã hoại tử.

 Ung thư hóa: Nguy cơ hóa ác của một tinh hoàn ẩn cao gấp 22-40 lần so với tinh hoàn bình thường. Nếu tinh hoàn nằm trong ổ bụng, nguy cơ càng cao (do nhiệt độ trong bụng cao hơn ở bìu, khiến tinh hoàn không thể phát triển và giảm số lượng tế bào mầm). Khi bị tinh hoàn ẩn một bên, tinh hoàn còn lại cũng có nguy cơ ung thư đến 25%.

 Giảm khả năng sinh sản. Xảy ra với cả tinh hoàn ẩn một bên hoặc cả hai bên. Các số liệu cho thấy, trong các trường hợp tinh hoàn ẩn hai bên đã điều trị phẫu thuật, chỉ 25% có số lượng tinh trùng bình thường. Vì thế, nguy cơ vô sinh là khá cao đối với những trường hợp không điều trị.

Đối với tinh hoàn ẩn ở vùng bẹn, có hai phương pháp giải quyết: trẻ dưới một tuổi có thể dùng phương pháp nội khoa (tiêm nội tiết tố HCG để kích thích tinh hoàn đi xuống), hiệu quả khoảng 20%. Số còn lại được giải quyết bằng phương pháp ngoại khoa: mổ đưa tinh hoàn ẩn xuống cố định ở bìu. Thời điểm thích hợp để mổ là trong năm đầu tiên sau sinh, vì sau đó tinh hoàn ẩn bắt đầu phát triển theo chiều hướng xấu đi.

Với tinh hoàn ẩn trong ổ bụng, kỹ thuật mổ nội soi rất tiện lợi. Nếu phát hiện tinh hoàn ẩn sau tuổi dậy thì, cách giải quyết thường là cắt bỏ (vì lúc này tinh hoàn ẩn đã mất chức năng và có nguy cơ gây ung thư), sau đó đặt tinh hoàn nhân tạo để giải quyết vấn đề thẩm mỹ, tâm lý.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chỉ có một bên tinh hoàn vẫn làm chồng làm cha tốt, bằng chứng là phụ huynh của cậu bé trong lớp của cô vẫn có con trai đấy thôi.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI