Bà dọa bỏ tôi mấy lần còn gì!

16/11/2021 - 05:55

PNO - Bà đến tận nhà tình địch để xem người đẹp tới đâu mà quyến rũ được chồng mình. Rồi đến khi ông năn nỉ xin lỗi vợ bỏ qua, bà lại mềm lòng tha thứ, rồi có bầu tiếp...

“Tôi từng nghĩ sẽ không lấy ông ấy, vì tôi chỉ ngưỡng mộ, quý trọng. Tôi giận chồng, đã mấy lần định chia tay mà rồi không xong, vì thương quá. Các cụ nói phụ nữ tuổi Đinh Hợi thường “hai lần đò”, vậy mà tôi ở với ông ấy gần trọn đời, mãn kiếp rồi. Âu cũng là “cái duyên trời se, cái que trời buộc”. Đó là tâm sự của bà Phạm Thị Minh, 71 tuổi, ở phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Đang ở quê Nghệ An dự đám cưới, nghe tin chồng sơ ý bị cây đâm rách đầu phải đi bệnh viện khâu mấy mũi, bà Minh vội vàng trở ra Việt Trì. Vạch mái tóc bạc trắng như cước của chồng xem vết thương, bà xuýt xoa: “Biết ngay mà! Vắng tôi thế nào cũng có chuyện!”. 

Ông nép vào bà, lúng túng: “Tại mấy con gà nhảy ổ lộn xộn, tôi trèo lên lót ổ lại…”. Mấy ngón tay bà chợt dừng lại bên vết thương, xót xa. “Khổ! Chẳng đi đâu được với ông!”. 

 

Năm 1970, nữ thượng sĩ quân đội Phạm Thị Minh hăng hái khoác ba lô sang chiến trường Lào, công tác tại Bộ Tư lệnh 31 Đoàn Chuyên gia Quân sự. Cô thượng sĩ trẻ xinh đẹp quê ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) vốn là con gái cưng của một giám đốc lâm trường, nên việc đường xa vác nặng còn chưa quen. 

Lúc đó ông thiếu tá Nguyễn Đức Vượng là Tham mưu trưởng của đơn vị, rất thương cô lính nhỏ yếu đuối nhận nhiệm vụ vừa nặng nhọc vừa nguy hiểm. Những lúc vận chuyển hàng tới các đơn vị bộ đội, thủ trưởng Vượng hay đi cùng, lấy cớ để kiểm tra công việc, mà thực chất là để mang giúp cô lính trẻ một nửa số hàng hóa, lương thực. 

Rồi lâu ngày, cô lính trẻ cảm mến, yêu thương người thủ trưởng cương nghị, can trường. Dù chênh nhau tới 16 tuổi, nhưng họ đã vượt qua định kiến để đi tới hôn nhân. Năm 1972, sau khi về Việt Nam tổ chức một đám cưới đầm ấm, xong tuần trăng mật, họ trở lại chiến trường, sát cánh bên nhau công tác và chiến đấu.  

Năm 1976, cả hai người đều ra quân, vợ về làm giáo viên tiểu học tại Quỳ Hợp, chồng vào ngành kiểm lâm Nghệ An. Sinh được con trai đầu lòng, bà đưa con về Phú Thọ thăm bên nội và tá hỏa khi phát hiện ra ông có một người con trai riêng đã 12 tuổi. Họ hàng bên chồng xác nhận vợ cũ của ông thấy chồng đi Lào lâu không về, tưởng ông hy sinh nên gửi con trai lại cho bà nội rồi đi lấy chồng khác. 

Về chuyện này, khi yêu nhau ông giấu biệt, không cho bà biết, nên lúc ấy bà bị sốc, giận chồng ghê lắm: “Mình đường đường là con gái gia đình danh giá, lại xinh đẹp, đảm đang, bao nhiêu trai trẻ mê mệt, giờ phải làm vợ hai cho một người lớn hơn 16 tuổi…”.

Bà ôm con trở về Nghệ An, ở với ông bà ngoại, trong lòng nuôi ý định chia tay chồng. Ông công tác tại một hạt kiểm lâm vùng núi sát Lào, biết vợ giận mà chưa có điều kiện về thanh minh, xin lỗi. Một lần ông bị ốm, điện về báo cho vợ. Bà lo quá, vội thu xếp công việc lên biên giới chăm chồng. Khi ông khỏe mạnh, bà về quê tiếp tục dạy học và mang bầu đứa thứ hai. Tới khi “cơm lành canh ngọt”, bà ra Phú Thọ đón mẹ chồng và con riêng của chồng vào Nghệ An nuôi dưỡng, chăm sóc.

Hồi ông còn là Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm, có nhiều phụ nữ theo đuổi. Ông không qua khỏi ải “của lạ”, nên yêu một cô công nhân lâm trường. Bà biết được, giận lắm nhưng không thèm ghen, chỉ nói với chồng: “Tôi với con bé ấy, ông chỉ có quyền lựa chọn một người. Giờ trót say mê nó quá, ông về nhà nó mà ở. Tôi đồng ý!”. 

Bà quyết một mình nuôi con để ông chồng có vợ khác. Bà đến tận nhà tình địch để xem người đẹp tới đâu mà quyến rũ được chồng mình, thì mới tá hỏa thấy cô này luộm thuộm quá. Bà chợt lo lắng: “Cô ta vụng thế này, chăm sao nổi chồng mình. Lão già lại chết sớm thôi”.

Đến khi ông năn nỉ xin lỗi vợ bỏ qua, bà lại mềm lòng tha thứ, rồi có bầu tiếp thằng con thứ ba.

Bà nhớ nhất những năm tháng trên đất Nghệ An thời bao cấp. Gạo tiêu chuẩn không đủ ăn, bà phải xoay vần phải trồng thêm sắn ngô, chăn nuôi lợn gà để nuôi mẹ chồng và bốn đứa con trai, trong đó có con riêng của chồng. Gian khổ mà hạnh phúc vì gia đình lúc nào cũng tràn ngập yêu thương. Cho tới khi mẹ chồng sức yếu đòi về quê rồi qua đời, các con trai đều khôn lớn trưởng thành, hai ông bà đưa nhau về Việt Trì, Phú Thọ. 

 Vợ chồng ông Vượng, bà Minh bên nhau tuổi già
Vợ chồng ông Vượng, bà Minh bên nhau tuổi già

 

Vợ chồng già, lương hưu đủ sống, trong khu vườn nhà rộng hơn hai mẫu, lúc nào cũng xanh tốt các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp.

Chuồng trại có đủ lợn, gà. Ông giúp bà quét nhà cửa, sân cổng mỗi ngày, khỏe thì ra vườn chăm sóc vườn xoan mới trồng, mệt thì nằm cho bà xoa bóp, cơm thuốc. Cái tính ông gia trưởng, hay tự ái, nên đôi lúc vợ chồng cũng va chạm. Có lần, bà nhờ ông tỉa giúp cành vải cạnh giếng, ông lại trèo lên chặt cụt mất cả ngọn. “Nếu mà còn trẻ, tôi để ông sống một mình!”, bà nói vui. 

Ông cười: “Bà chẳng dọa bỏ tôi mấy lần rồi còn gì! Thôi, vợ chồng già sống vui, sống khỏe, chăm sóc lẫn nhau cho con cháu bớt lo”. Thỉnh thoảng, vợ chồng già lại sóng đôi tới dự buổi sinh hoạt của Hội Cựu chiến binh.

Năm nay, việc chăn nuôi của ông bà Vượng - Minh rất phát triển. Đàn gà hơn 200 con không dịch bệnh gì, chuồng lợn cũng ủn ỉn bốn con cỡ bảy, tám chục ký. Bà Minh chăm sóc chồng từng miếng ăn, giấc ngủ, mong ông mạnh khỏe.

Từ giữa tháng Mười, dịch COVID-19 bùng phát nhiều nơi ở Phú Thọ. Sẵn vườn chuối của nhà đang rộ quả, hai ông bà chặt chuối, xếp lên xe đạp mang đến ủng hộ bà con mấy khu bị phong tỏa.

Ông còn muốn ra trực chốt phòng chống dịch, nhưng bà Minh can: “Thôi ông ạ! Đã ngoài 80 rồi, mình già thì tham gia chống dịch theo kiểu ở yên trong nhà”. 

Phương Quý 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI