Thi tốt nghiệp THPT 2025: Đề quá khó, lo học sinh ngại chọn tiếng Anh

04/07/2025 - 06:09

PNO - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, lần đầu tiên môn tiếng Anh chuyển từ môn thi bắt buộc thành tự chọn. Tuy nhiên, đề thi lại quá khó làm dấy lên lo ngại thí sinh sẽ ngán ngại môn này.

Lo thí sinh “quay xe”

Theo số liệu công bố của Bộ GD-ĐT, năm nay, có gần 352.000 học sinh chương trình mới đăng ký dự thi môn tiếng Anh, đứng thứ ba trong các môn thi tự chọn. Tuy nhiên, với đề thi tiếng Anh vừa qua, nhiều giáo viên lo ngại thí sinh sẽ “quay xe” với môn này.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2025 tại điểm thi Trường THPT Thạnh Lộc (TPHCM) - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2025 tại điểm thi Trường THPT Thạnh Lộc (TPHCM) - ẢNH: NGUYỄN LOAN

Ông Lương Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc (phường An Phú Đông, TPHCM) - cho hay: “Năm đầu mà đề khó thì những năm sau, số lượng học sinh chọn thi môn tiếng Anh sẽ giảm. Nhiều học sinh có mức học lực khá sẽ không dám thử sức. Khi Bộ GD-ĐT công bố điểm, nếu phổ điểm môn tiếng Anh thấp so với các môn khác sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý học sinh, phụ huynh”.

Cũng theo ông, không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng hoang mang, không biết phải giảng dạy thế nào cho phù hợp. Vì với chương trình mới, học sinh học ít môn hơn nhưng nội dung từng môn khó hơn, thời lượng học ít hơn. Học sinh muốn đạt điểm có thể phải ra ngoài học thêm, những em không có điều kiện lại thiệt thòi.

Hiệu trưởng một trường THPT tại TPHCM cũng cho biết, cuối năm học vừa qua, nhà trường đã cho học sinh hoàn thành lớp Mười một chọn lựa 2 môn thi tự chọn ở lớp Mười hai. Trong đó, số lượng học sinh chọn môn tiếng Anh khá nhiều. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, nhà trường dự kiến phải cho học sinh lựa chọn lại để xem các em có thay đổi lựa chọn hay không.

“Thời gian qua, giáo viên, học sinh đều cố gắng nhưng ở bước cuối cùng lại là một thử thách quá lớn. Các em thật sự giỏi, giao tiếp được, tiếp cận các nền tảng được, đọc tài liệu tiếng Anh được, nhưng làm bài thi tiếng Anh lại không được. Khi mọi cố gắng không được công nhận, dần dà, các em sẽ không chọn môn tiếng Anh nữa” - vị hiệu trưởng lý giải.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Lâm Thành Hiển - Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng - chia sẻ, đề thi quá khó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh năm nay, mà còn khiến những lứa thí sinh sau này sợ và “né” chọn môn tiếng Anh để thi tốt nghiệp. Trước đây, Bộ GD-ĐT từng đưa ra chính sách miễn thi và quy đổi điểm từ chứng chỉ IELTS 4.0 sang điểm 10 môn tiếng Anh trong xét tốt nghiệp. Đây là một chính sách tốt để học sinh có động lực tự đầu tư, thúc đẩy việc học tiếng Anh.

Tuy nhiên, trước lo ngại bất công bằng với những thí sinh vùng khó khăn không có điều kiện học và thi IELTS, chính sách này đã thay đổi. Năm nay, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được phép sử dụng để miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành 10 điểm trong xét tốt nghiệp như các năm trước nữa.

Đổi mới quy định, nâng chất cho giáo viên

Để không lặp lại tình huống tương tự, ông Lương Văn Định đề xuất Bộ GD-ĐT thống nhất nội dung học và thi. Cấu trúc, nội dung đề thi cần nhất quán để học sinh không sợ đề khó bất ngờ, giáo viên cũng tự tin hơn. Thậm chí, bộ có thể đưa tiếng Anh trở thành môn bắt buộc thứ ba, môn thứ tư là môn lựa chọn, đồng thời giảm tải nội dung chương trình để học sinh nỗ lực học tập ngay từ đầu.

Nhiều hiệu trưởng cho rằng, việc miễn thi ngoại ngữ nếu học sinh đạt các chứng chỉ đúng quy định sẽ khuyến khích và động viên các em tăng cường rèn luyện năng lực ngoại ngữ. Nhưng để công bằng hơn, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu thang điểm quy đổi sao cho hợp lý, không cào bằng thành 10 điểm như trước đây. Ví dụ: chứng chỉ IELTS 4.0 thì quy 8 điểm, việc quy đổi tăng dần đến 6.5 là 10 điểm.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phan Bội Châu (phường Bình Tây, TPHCM) - nêu thực trạng: những năm trước, phổ điểm tiếng Anh vẫn thường thấp hơn các môn khác. Do đó, cần phải đặt ngược vấn đề về trình độ của đội ngũ giáo viên ở những vùng khác nhau trên cả nước, và độ quan tâm của ngành giáo dục với sự phát triển của môn học này đã xứng đáng chưa.

Bà nói: “Với chương trình mới, học sinh đã được học tiếng Anh từ năm lớp Ba đến lớp Mười hai. Nhưng ngành giáo dục cần tiếp tục đầu tư đồng đều giữa các vùng, đặc biệt là chất lượng giáo viên. Sau khi chấm thi, Bộ GD-ĐT cần ngồi lại, lắng nghe góp ý từ các Sở GD-ĐT để rút kinh nghiệm cho năm sau”. Cũng theo bà, việc học trong nhà trường phải hướng đến hình thành khả năng ngôn ngữ, hội nhập cho học sinh. Để dù có thi hay không thì các em vẫn sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Cường - giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Trường đại học Mở TPHCM - nói thêm, để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, cần có chiến lược lớn để đồng bộ và nâng cao chất lượng giáo viên, chương trình.

Ông nhấn mạnh: “Tiên quyết nhất là phải đưa tiếng Anh vào môi trường giao tiếp, sử dụng chứ không chỉ gói gọn trong bài giảng. Phải tạo ra môi trường để các em sử dụng tiếng Anh tự nhiên trong trường học và ngoài xã hội. Điều này đang còn thiếu, ngay cả với sinh viên đại học. Ví dụ: Tại nhiều nước ở Bắc Âu, trên các chương trình truyền hình ngoài tiếng mẹ đẻ thì còn có phụ đề tiếng Anh. Tiếng Anh hiện diện ở mọi nơi, khiến người dân quen thuộc từ nhỏ”.

Trang Thư - Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI