Có nên cho con học thêm trước khi vào lớp Một?

04/07/2025 - 18:00

PNO - Vợ chồng em đang đối mặt với vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại gây ra không khí căng thẳng: Có nên cho con học trước khi vào lớp Một?

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng em đang đối mặt với một vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại gây ra không khí căng thẳng, đến mức bữa cơm cũng không còn yên ấm. Mâu thuẫn do quan điểm nuôi dạy con, cụ thể là việc chuẩn bị cho con gái vào lớp Một.

Em muốn cho con học trước để bé không bỡ ngỡ khi nhập học chính thức nhưng chồng em không đồng ý. Anh cho rằng con còn cả hành trình học hành dài đằng đẵng phía trước, vì thế, những năm tháng tuổi thơ vô tư này rất quý giá, không nên đặt áp lực học tập lên con quá sớm. Chồng em còn cho rằng nếu con học chữ trước, việc học sẽ mất đi sự hấp dẫn và động lực học. Anh chỉ đồng ý cho con làm quen chữ cái, đếm số trong phạm vi 10 và tập đồ nét căn bản.

Nghe chồng nói, em thấy cũng có lý. Thật lòng, cha mẹ nào chẳng muốn con mình có một tuổi thơ đúng nghĩa. Thế nhưng, em lại có một "bài học xương máu" từ chính cháu ruột mình. Cháu em không được học trước khi vào lớp Một. Trong khi đó, hầu hết các bạn cùng lớp đều đã biết viết, ráp vần, thậm chí biết đọc. Kết quả là cháu em và vài bé chưa được học trước đã trở thành "học sinh cá biệt", thường xuyên bị cô giáo la vì chậm hơn các bạn, khiến cháu rất buồn và dần trở nên tự ti.

Em không muốn con mình rơi vào hoàn cảnh đó. Em có sai khi lo lắng như vậy? Em phải làm sao để vợ chồng giải quyết được mâu thuẫn có phần "lãng xẹt" này?

Rất mong nhận được lời khuyên từ chị.

Phan Thu Ngân (phường Bình Tiên, TPHCM)

Hòa khí gia đình quan trọng hơn việc có nên cho con học học trước hay không? Ảnh minh họa: Freepik
Ảnh minh họa: Freepik

Em Thu Ngân thân mến,

Câu chuyện của vợ chồng em là bài toán khó, nỗi lo chung của rất nhiều bậc cha mẹ khi con đứng trước ngưỡng cửa Tiểu học. Việc cha mẹ lo lắng con sẽ vất vả, bỡ ngỡ nếu không học trước là tâm lý rất bình thường. Nhiều phụ huynh tin rằng việc được học trước sẽ giúp con tự tin hơn, dễ hòa nhập hơn khi vào lớp Một. Tuy nhiên, như chồng em đã chia sẻ và nhiều chuyên gia giáo dục đã khẳng định, việc cho trẻ học chữ quá sớm đôi khi mang đến những hệ lụy không mong muốn. Trẻ có thể mất đi sự hứng thú với việc học khi đã biết trước. Hơn nữa, việc tiếp thu kiến thức không đúng lứa tuổi có thể gây quá tải, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và tư duy của trẻ về lâu dài.

Trong câu chuyện này, vợ chồng em không ai đúng, không ai sai. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập với sở thích, sự tiếp nhận, sự thích ứng khác nhau. Có những đứa trẻ thích học từ bé nhưng với những trẻ khác, học sớm là cực hình. Vì vậy, việc lắng nghe nhu cầu con trẻ là điều quan trọng.

Điều quan trọng hơn nữa không phải là việc con có nên học chữ trước mà là không khí căng thẳng, mâu thuẫn không đáng có đang len lỏi vào từng bữa ăn, khoảnh khắc của gia đình em. Với một đứa trẻ sắp bước vào môi trường học tập mới, đây là giai đoạn phải được hưởng sự bình yên, vui vẻ và háo hức với trường lớp mới, những điều mới mẻ. Vậy nhưng con em lại phải chứng kiến cảnh ba mẹ tranh cãi mỗi ngày. Điều đó tác hại đến tâm lý con hơn là việc con có cần học trước hay không. Tuy còn nhỏ nhưng trẻ rất nhạy cảm với không khí gia đình. Những cuộc tranh cãi dù không nhắm vào con cũng khiến con cảm thấy bất an, lo lắng. Con có thể tự ti, thu mình hoặc trở nên cáu kỉnh, ương bướng hơn. Môi trường gia đình căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc, khả năng học hỏi và hành vi của con sau này. Đừng quên rằng hòa khí gia đình chính là nền tảng vững chắc nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Để giải quyết mâu thuẫn, vợ chồng em tuyệt đối tránh bàn luận, tranh cãi trong bữa ăn. Khi ngồi lại với nhau, cả hai nên xác định tìm giải pháp chứ không phải phân định ai đúng - ai sai. Bước đầu, hai em có thể thống nhất mức độ học trước phù hợp với con, qua đó theo dõi khả năng tiếp nhận, thái độ học tập của con rồi mới tính tiếp nên học trước tới đâu. Song song đó, vợ chồng em có thể tập trung rèn luyện kỹ năng mềm cho con như: sự tự tin khi giao tiếp, khả năng tập trung, sự kiên nhẫn, tinh thần ham học hỏi.... Những kỹ năng đó sẽ giúp con hòa nhập nhanh với môi trường mới cũng như việc học.

Sau cùng, hãy luôn ưu tiên hòa khí gia đình. Việc con được lớn lên trong một môi trường tràn ngập tình yêu thương và sự thấu hiểu từ cha mẹ rất quan trọng. Mọi sự chuẩn bị về kiến thức sẽ trở nên vô nghĩa nếu tâm hồn con bị tổn thương bởi những cuộc cãi vã. Vợ chồng em hãy cùng nhau tìm tiếng nói chung vì tương lai của con và cũng vì hạnh phúc gia đình.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI