Chồng chia việc nhà theo mức đóng góp thu nhập

04/07/2025 - 08:00

PNO - Chẳng lẽ mỗi lần đau, bệnh, mệt mà nhờ trông con, nhờ bắc nồi cơm để rồi bị "trừ điểm" thì tình nghĩa vợ chồng còn lại gì ngoài những con số?

Chị Hạnh Dung thân mến,

Chắc không có đề nghị chia sẻ việc nhà nào buồn cười như đề nghị của chồng em. Anh ấy bảo giờ căn cứ theo thu nhập, đóng góp của mỗi người vào kinh tế gia đình mà phân chia công việc. Mọi công việc trong nhà tính theo điểm, làm bảng phân chia rạch ròi. Nhờ cậy nhau cái gì cũng được nhưng tính theo điểm mà trừ lại.

Em không biết chồng em đùa hay thật. Anh ấy bảo làm vậy cho công bằng vì em hay cằn nhằn, đòi hỏi, so sánh, không biết đến công sức của anh ấy, chỉ thấy cái anh ấy chưa làm được.

Theo anh ấy, thu nhập anh ấy gấp 3 em, đi làm cũng mệt gấp 10 em; rằng em làm văn phòng đơn giản, anh ấy làm quản lý đấu đá rất căng thẳng... Vậy là anh ấy tính toán hơn em chứ có phải em tính toán hơn anh ấy đâu, phải không chị?

Thu Vân

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Thu Vân thân mến,

Việc nhà không phải là một bản hợp đồng, càng không thể quy đổi rạch ròi thành từng điểm cộng, điểm trừ. Nó là phần đời sống mềm mại nhất trong một gia đình, nơi người ta làm cho nhau vì thương, vì hiểu, vì muốn sẻ chia.

Chồng em lập bảng phân chia việc nhà theo thu nhập và tính điểm… - việc đó nghe có vẻ hiện đại, văn minh nhưng thực chất lại là một kiểu tính toán vụn vặt và lạnh lùng. Ừ thì ngày thường cứ tính theo điểm nhưng chẳng lẽ mỗi lần đau, bệnh, mệt mà nhờ giữ con, nhờ bắc nồi cơm để rồi bị "trừ điểm" thì tình nghĩa vợ chồng còn lại gì ngoài những con số?

Nếu thực sự yêu thương nhau, người ta đâu cần rạch ròi đến thế. Yêu là khi thấy người kia mệt thì mình tự động làm thay, giành làm thay, chứ không phải là lấy “công thức công bằng” ra để biện minh cho sự vô tâm.

Chồng em nói thu nhập anh ấy cao hơn, việc anh ấy căng thẳng hơn nên anh ấy có quyền ghi ít điểm hơn trong công việc nhà. Nhưng, công bằng trong hôn nhân không phải là chia đều từng đồng, từng việc mà là chia theo khả năng và sự cảm thông, thấu hiểu. Hôn nhân đâu phải cuộc thi! Đó là sự dìu nhau khi người kia yếu hơn, mệt hơn hoặc đơn giản là cần được san sẻ.

Em đi làm cũng mệt, cũng căng thẳng. Em về nhà còn phải nấu nướng, dọn dẹp, chăm con, đối mặt với sự mỏi mệt của một phụ nữ không có thời gian cho riêng mình. Đau nhất là khi em góp ý, chẳng những anh ấy không lắng nghe mà còn trách em cằn nhằn, so đo. Rồi cuối cùng, cái người đầu ấp tay gối ấy lại nhìn em bằng cái nhìn như đang xét lương, xét KPI chứ không phải bằng sự trân trọng dành cho vợ.

Chồng em lấy lý do chia điểm việc nhà là vì em “cằn nhằn”, “so đo” "đòi hỏi". Nhưng nếu yêu thương nhau, người ta sẽ hiểu những lời vợ nói ra không phải để chê trách mà để gọi chồng về với gia đình, với tình cảm và trách nhiệm chung.

Em nói đúng, anh ấy mới là người tính toán. Em chỉ đang mong được chia sẻ bằng trái tim còn anh ấy thì quy sự công bằng qua… bảng điểm. Khi tình cảm phải đem ra cân đo từng chút, nó đã mất đi sự ấm áp.

Có lẽ chồng em không nhận ra rằng chính cách anh ấy cố làm cho mọi thứ "công bằng" theo kiểu tính toán đang tạo ra một khoảng cách rất lớn trong đời sống vợ chồng. Vậy nên, em cần thẳng thắn với chồng để giữ lấy sự "công bằng tinh thần" trong hôn nhân, để chia sẻ thật lòng với anh ấy rằng em không đòi hỏi, không so đo; chỉ mong giữa vợ chồng có sự nâng đỡ nhau chứ không phải ràng buộc nhau bằng những điều kiện sòng phẳng.

Khi nào đó, em hãy thử hỏi anh ấy: “Nếu một ngày em không còn đòi hỏi gì, không nói gì nữa, anh thấy cuộc sống chung sẽ ra sao?”. Đôi khi một câu hỏi như vậy lại khiến người ta giật mình nhìn lại. Khi em giữ được sự mềm mỏng trong lời nói mà vẫn vững vàng trong lập trường, chồng em sẽ dần hiểu ra nếu thật sự thương em.

Hạnh Dung

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI