Nỗi buồn người ở lại

04/07/2025 - 06:00

PNO - “Mỗi người sẽ vác thập giá vừa sức”. Tôi dựa vào câu đó mỗi khi gặp khó khăn, với ý nghĩ mọi thứ mình đang gặp chỉ là vừa sức, sẽ ổn.

Cảm giác trống trải khi thiếu đi bóng hình thân quen - Ảnh minh họa:
Nỗi buồn, cảm giác trống trải bủa vây người ở lại... - Ảnh minh họa: Shutterstock

Mỗi sáng hay chập tối, tôi lên sân thượng thể dục luôn thấy vợ chồng cô Cúc cùng nhau đi bộ. Chung cư tôi chỉ 3 tầng với 60 căn hộ nên diện tích sân thượng không rộng lắm, nhưng đón nắng sớm rất trong lành.

Những người đi bộ ở chung cư tôi thường không đi ổn định, có khi họ bận ở khung giờ lý tưởng để đi bộ, có khi chuyển sang phòng tập nào đó cho bàn bản có kỷ luật hơn, hoặc cũng có khi lười. Thành ra, chỉ vợ chồng cô Cúc là đi đều đặn ngày 2 buổi sáng chiều.

Ở tuổi về hưu, cô chú có toàn thời gian chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Cô kể: “Ngày còn trẻ cũng tất bật lắm, nhưng giờ thấy không gì quan trọng bằng sức khỏe”. Cô càng chăm vận động bởi mới trải qua một cơn nguy kịch, may mà kịp thời điều trị.

Vợ chồng cô vừa đi bộ vừa thủ thỉ trò chuyện cùng nhau. Ai nhìn cũng ao ước được như cô chú: ở tuổi về hưu vẫn có người tâm đầu ý hợp đồng hành, vật chất cũng xông xênh, sức khỏe thì ổn định, còn gì hơn!

Đùng một cái, tôi nhận tin nhắn từ group chung cư thông báo tin buồn, người từ trần là chồng cô Cúc. Tôi không thể tin được một người đang mạnh khỏe, chẳng phải dùng đến viên thuốc nào, mỗi sáng sớm hay chiều tối đều chăm chỉ tập luyện lại có thể dễ dàng rời bỏ cuộc đời như vậy.

Tôi nhắn cho cô để chia sẻ nỗi mất mát, mà cứ ngập ngừng trước những ngôn từ, bởi tôi hiểu ngôn từ chẳng diễn giải hết những điều muốn nói, muốn sẻ chia.

Tôi không hình dung cô Cúc sẽ đối diện những tháng ngày dài thênh thang phía trước ra sao, khi chỉ có một mình. Từ trong căn hộ ngập tràn bóng hình chú, cho đến khuôn viên sân thượng, mỗi bước đi đều lưu dấu bàn chân chú…

Cuộc sống vốn dĩ đã nhiều nỗi buồn, nỗi lo toan, mỗi người còn phải vượt qua cú sốc mất đi người thân yêu nhất của mình. Ai đó nói hành trình cuộc đời chỉ có thể dựa vào chính mình, là vì từ khi sinh ra cho đến khi mất đi, chỉ có mình ta đồng hành xuyên suốt. Nhưng ở mỗi chặng đường, ta đều có người đồng hành để san sẻ những buồn vui thường nhật. Và nếu ai may mắn sẽ có người bạn đời đi cùng mình đến cuối con đường. Để rồi đến khi người ấy rời đi, để lại khoảng trống mênh mông khó có thể lấp đầy.

Tôi đến viếng đám tang chú trong cơn mưa vừa dứt hạt. Trong bộ đồ tang trắng, cô Cúc đón tiếp, trò chuyện với từng người khách đến thăm, kể câu chuyện về sự ra đi đột ngột của chú, bởi ai cũng sốc vì sự ra đi bất ngờ này nên muốn biết lý do. Cứ như vậy, bao nhiêu người khách viếng là bấy nhiêu câu chuyện tương tự.

Có người nhận ra cô mệt nên không hỏi nữa, căn dặn cô phải ăn uống để giữ sức khỏe. Tôi thì đau đáu ý nghĩ, cô sẽ sống ra sao chuỗi ngày phía trước. Tôi nhớ hàng xóm cũ của tôi cũng là cặp vợ chồng già. Hơn 70 tuổi, mỗi chiều cô chú đều mở karaoke hát, những tình khúc của Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An... và ngân nga mãi cho đến một ngày không gian im phăng phắc, thay vào đó là tiếng kèn đám ma của chú.

Sau đám tang chú, mỗi buổi chiều tôi lại thấy có người bà con đến nhà cô. Khi thì cháu trai, khi thì chị em… Cứ như vậy, cô không phải ăn chiều hay ngủ đêm một mình suốt thời gian dài.

Có một câu trong thánh kinh mà tôi rất thích đó là: “Mỗi người sẽ vác thập giá vừa phải với sức mình”. Tôi dựa vào câu nói đó mỗi khi gặp khó khăn, với ý nghĩ mọi thứ mình đang gặp chỉ là vừa sức, sẽ ổn.

Lần này, tôi cũng mong cô Cúc sớm vượt qua được nỗi buồn của người ở lại, dù biết sẽ khó khăn nhiều.

An Na

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI