Rệp giường có thể lưu giữ ADN người mà chúng từng hút máu

04/07/2025 - 17:36

PNO - Các nhà khoa học Malaysia phát hiện rệp giường có thể lưu giữ ADN người từng bị hút máu, mở ra khả năng ứng dụng loài côn trùng này trong điều tra pháp y.

Phát hiện này cho thấy, nếu rệp giường xuất hiện tại hiện trường vụ án, chúng có thể mang dấu vết di truyền của người vừa có mặt tại đó.
Phát hiện này cho thấy, nếu rệp giường xuất hiện tại hiện trường vụ án, chúng có thể mang dấu vết di truyền của người vừa có mặt tại đó, hỗ trợ cho quá trình điều tra.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Khoa học Malaysia phát hiện rệp nhiệt đới Cimex hemipterus có khả năng lưu giữ ADN người mà chúng từng hút máu trong thời gian lên tới 45 ngày. Kết quả nghiên cứu ban đầu được công bố trên Scientific Reports, tiếp đó là một nghiên cứu thực địa đăng trên Forensic Science International vào tháng 8/2024.

Dưới sự dẫn dắt của Phó Giáo sư Abdul Hafiz Ab Majid và nhà nghiên cứu Lim Li, nhóm đã thử nghiệm cho rệp hút máu người trong môi trường kiểm soát, sau đó phân tích ADN thu được bằng các phương pháp như STR (lặp đoạn ngắn) và SNP (đa hình đơn nucleotide).

Kết quả cho thấy, ngay sau khi rệp hút máu, có thể thu được hồ sơ ADN đầy đủ. Thậm chí sau 45 ngày, nhóm vẫn khôi phục được các thông tin di truyền một phần – đủ để suy đoán đặc điểm như màu tóc, da và mắt của đối tượng.

"Ngay cả sau 5 ngày, hơn 70% dữ liệu STR vẫn còn nguyên vẹn và 39/41 dấu SNP vẫn đọc được – đủ để tạo hồ sơ nhận dạng một phần" - Phó Giáo sư Hafiz cho biết.

Khác với những nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào Cimex lectularius – loài rệp phổ biến ở vùng ôn đới – nghiên cứu lần này đánh dấu ứng dụng pháp y đầu tiên đối với loài Cimex hemipterus đặc trưng tại các nước nhiệt đới.

Phát hiện này mở ra khả năng sử dụng rệp giường như bằng chứng sinh học tại hiện trường, đặc biệt trong các vụ án mà máu, dấu vân tay hoặc các mẫu vật truyền thống đã bị xóa sạch.

"Rệp thường hút máu rồi chui vào các khe hẹp gần đó. Chúng không bay và cũng không đi xa, nên rất có thể nạn nhân hay nghi phạm đã từng có mặt ngay tại hiện trường nơi rệp được tìm thấy" - ông Hafiz giải thích.

Tuy nhiên, nghiên cứu hiện vẫn còn một số giới hạn. Phương pháp sử dụng trong phòng thí nghiệm vẫn là phân tích đơn lẻ bằng kỹ thuật PCR, chưa ứng dụng được các bộ kit phức hợp như trong các phòng xét nghiệm được công nhận. Ngoài ra, rệp có thể hút máu từ nhiều người khác nhau, gây khó khăn trong việc phân tách dữ liệu ADN.

Tuy nhiên rệp có thể hút máu từ nhiều người khác nhau, gây khó khăn trong việc phân tách dữ liệu ADN.
Tuy nhiên rệp có thể hút máu từ nhiều người khác nhau, gây khó khăn trong việc phân tách dữ liệu ADN.

Trong các mẫu thực địa thu thập tại Penang, nhóm nghiên cứu phát hiện nhiều rệp chứa hơn hai alen – cho thấy sự hiện diện của nhiều hồ sơ di truyền người.

Phó Giáo sư Hafiz cho biết, sau hơn 10 năm nghiên cứu, nhóm đã sẵn sàng hợp tác cùng chuyên gia pháp y để thử nghiệm thực địa, từ đó xây dựng quy trình chuẩn xác hơn.

Ông Mohamad Anil Shah Abdullah – Chủ tịch Hội Nhận thức Tội phạm và An toàn Cộng đồng bang Penang – nhận định: ''Khi hiện trường không còn vết máu hay chất dịch, rệp giường có thể là manh mối mới đầy hứa hẹn. Trước đây, côn trùng như ruồi và muỗi từng được sử dụng trong điều tra, nhưng rệp không bay, điều đó khiến chúng càng hữu ích hơn''.

Ông nhắc lại vụ án tại Phần Lan năm 2008, khi cảnh sát tìm được ADN nghi phạm từ một con muỗi trong chiếc ô tô bị đánh cắp: ''Nếu muỗi làm được, thì tại sao rệp giường lại không?''.

Nhật Minh (theo Straitstimes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI