Thành công của "Squid Game": Lợi thế hay thách thức của ngành nội dung Hàn Quốc?

05/07/2025 - 09:39

PNO - Loạt phim đình đám Squid Game đã kết thúc sau mùa 3, khép lại một chương rực rỡ. Không chỉ thay đổi cách thế giới nhìn nhận về nội dung Hàn Quốc (K-content), Squid Game còn đưa đạo diễn và dàn diễn viên vươn lên hàng sao quốc tế. Nhưng sau ánh hào quang là những câu hỏi lớn mà K-content cần trả lời để đi xa hơn.

Squid Game: Từ hiện tượng Netflix đến biểu tượng văn hóa toàn cầu

Từ khi ra mắt, Squid Game đã liên tiếp thiết lập những kỉ lục chưa từng có. 2 mùa đầu tiên đạt tổng cộng 600 triệu lượt xem. Mùa 1 trở thành loạt phim được xem nhiều nhất trong lịch sử Netflix. Mùa 2 duy trì đà tăng trưởng, nhanh chóng dẫn đầu bảng xếp hạng phim không nói tiếng Anh chỉ sau 3 ngày phát hành và kết thúc ở vị trí thứ ba toàn cầu.

Squid Game
Squid Game đứng đầu bảng xếp hạng tại cả 93 quốc gia nơi Netflix theo dõi Top 10

Tính đến ngày thứ tư sau khi phát hành mùa 3, bộ phim đã ghi nhận 60,1 triệu lượt xem và leo lên vị trí số 1 toàn cầu trong Top 10 Netflix. Chỉ trong 3 ngày đầu tiên (27–29/6), khán giả đã dành 368,4 triệu giờ để theo dõi phần cuối cùng.

Squid Game cũng lập kỉ lục chưa từng có khi đứng đầu bảng xếp hạng tại cả 93 quốc gia nơi Netflix theo dõi Top 10, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Brazil. Các mùa trước cũng tăng lượt xem nhờ hiệu ứng lan tỏa từ phần kết.

Squid Game không đơn thuần là một loạt phim ăn khách. Đó là một hiện tượng văn hóa toàn cầu, kết hợp giữa mô-típ trò chơi sinh tử, yếu tố hồi hộp với thông điệp phê phán sắc bén về bất công xã hội, tái hiện một xã hội rạn vỡ trong bối cảnh bối cảnh xã hội đen tối, đầy áp bức và tuyệt vọng, tương tự như thành công của Kí sinh trùng.

Những người mặc trang phục lính canh màu hồng tạo dáng bên bức tượng cao 12 mét của Young-hee trong loạt phim Squid Game của Netflix trong một sự kiện quảng bá ở Bangkok, Thái Lan,
Những người mặc trang phục lính canh màu hồng tạo dáng bên bức tượng cao 12 mét của Young-hee trong loạt phim Squid Game trong một sự kiện quảng bá ở Bangkok, Thái Lan

Từ trang phục lính hồng, trang phục thể thao xanh lá đến các trò chơi dân gian Hàn Quốc, mọi yếu tố trong phim đều nhanh chóng trở thành biểu tượng đại chúng, làm dấy lên làn sóng tò mò và yêu thích văn hóa Hàn trên toàn cầu.

Thành công của Squid Game còn giúp các gương mặt như Lee Jung-jae, Jung Ho-yeon, Park Hae-soo và Wi Ha-jun vụt sáng. Jung Ho-yeon trở thành diễn viên không nói tiếng Anh hiếm hoi giành giải SAG (Screen Actors Guild Awards, giải thưởng của Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh Mỹ) danh giá. Riêng đạo diễn Hwang Dong-hyuk nhận giải Emmy cho Đạo diễn xuất sắc nhất. Đây là cột mốc lịch sử với điện ảnh Hàn Quốc.

K-content hậu Squid Game: Thời cơ và thách thức đồng hành

Mùa 3 chính thức khép lại hành trình của nhân vật chính Seong Gi-hun (Lee Jung-jae). Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình nhận định rằng hiệu ứng văn hóa đã giảm so với mùa đầu, một phần do cấu trúc trò chơi lặp lại và nhân vật thiếu chiều sâu.

Dù vậy, Squid Game vẫn giữ được chiều sâu thông điệp và chất lượng hình ảnh, mang lại những cao trào cảm xúc mạnh mẽ và tiếp tục củng cố vị thế của K-content. Trên hết, bộ phim đã buộc thế giới phải đánh giá lại nội dung Hàn Quốc, từ chỗ bị xem là “thị trường ngách” với các bộ phim tình cảm, nay trở thành một trung tâm sáng tạo đầy triết lí, táo bạo và có sức ảnh hưởng thực sự.

Squid Game đã đưa nhiều tên tuổi diễn viên Hàn Quốc vươn tầm quốc tế
Squid Game đã đưa nhiều tên tuổi diễn viên Hàn Quốc vươn tầm quốc tế

Sau chuỗi thành công của Kí sinh trùng, MinariSquid Game, các nền tảng streaming lớn như Netflix, Disney+, Apple TV+ đã mạnh tay đầu tư vào K-content cả về ngân sách, kĩ thuật và việc phát hành toàn cầu. Tuy nhiên, chính hào quang ấy cũng đặt ra thách thức lớn: đâu sẽ là cú hích tiếp theo?

Sao chép mô hình của Squid Game là điều không khả thi. Chỉ những tác phẩm có chất lượng nội dung cao, chạm đến vấn đề đương đại và vẫn giữ bản sắc văn hóa mới có thể vươn ra toàn cầu. Nhiều chương trình như của K-content dù tạo hiệu ứng nhất định nhưng vẫn chưa chạm tới sức lan tỏa sâu rộng như Squid Game.

Hàng loạt phim sinh tồn ra đời sau đó nhưng phần lớn không tạo được đột phá, cho thấy điều khán giả toàn cầu cần là một câu chuyện mới, độc đáo, chạm vào cảm xúc, chứ không chỉ là “công thức thành công”.

Chìa khóa của tương lai K-content nằm ở việc mở rộng vũ trụ kể chuyện Hàn Quốc, không lặp lại cái cũ, mà phải sáng tạo cái mới. Squid Game có thể đã hạ màn, nhưng chính lúc này, mọi ánh mắt đều đổ dồn về bước tiếp theo của nội dung Hàn Quốc: liệu đây chỉ là khoảnh khắc hay là khởi đầu cho một phong trào bền vững?

Anh Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI