Ai cũng phải bước đến tuổi già

26/04/2021 - 06:00

PNO - Tuổi già như chiếc đèn dầu đã cạn, như chiếc lá thu phai, đứng trước nó không thể tránh được cảm giác ngậm ngùi.

Có những lúc nào ấy, như những cuối tuần thong thả, ngồi nhìn mẹ khẽ khàng từng bước chân, cẩn thận từng cái chạm tay vào ly tách, nâng niu từng phiến lá, cành hoa như thể nâng niu một hài nhi vừa mới lọt lòng; cầm cái vợt vớt bụi bẩn trong hồ cá, ngắm nghía từng con, gọi tên chúng như gọi con gọi cháu; không dưng tôi thấy thời gian lướt qua mình rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tuổi già! 
Cái chặng rồi ai cũng phải bước qua. Nhưng không phải ai cũng có thể hình dung ra và đi qua được nhẹ nhàng. Suy cho cùng, đời con người có chặng nào là dễ dàng, có quãng nào là không cần cố gắng? Đôi khi ta còn ngỡ như mình đã dùng đến làn hơi cuối cùng.

Tuổi nào cũng có áp lực, nhỏ theo nhỏ lớn theo lớn. Thế nhưng tuổi già như chiếc đèn dầu đã cạn, như chiếc lá thu phai, đứng trước nó không thể tránh được cảm giác ngậm ngùi. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi nhớ có lần dẫn mẹ đi khám mắt. Mẹ tôi - người đàn bà cả đời xông ra đầu gió đầu sóng - hệt như con gà mái xòe cánh ra che chở cho năm đứa con. Bước chân mẹ đi có bao giờ rụt rè hay e sợ. Mẹ đã từng một mình bế em tôi thập tử nhất sinh trên tay giữa đêm khuya đi bộ hàng chục cây số. Người đàn bà từng có thể gánh vác một đàn con khi ba tôi vắng nhà. Đâu phải là mong manh yếu đuối! Vậy mà, đi cạnh mẹ, tôi cảm nhận được từng bước chân run rẩy, giọng nói yếu ớt lặp đi lặp lại: “Không mổ mắt được không con?”.

Ngồi chỗ ghế chờ, mẹ cứ thấp thỏm, tay kéo dây kéo chiếc giỏ ôm khư khư trước ngực qua lại rột rẹt. Nghe cô bạn bác sĩ gọi báo bận họp, dời sang ngày mai khám và mổ, mẹ đứng dậy nhanh nhẹn: “Về, con!”.

Vào thang máy, đứng trước mặt che cho mẹ khỏi nhìn thấy chiếc thang máy di chuyển xuống lên, biết có bàn tay níu sau lưng áo mình nằng nặng. Nghe thương yêu phủ quanh mình nhưng không dám quay lại, sợ không biết làm sao ngăn cho nước mắt đừng chảy.

Thời gian lấy đi của họ thanh xuân, sức khỏe và trả về cho họ bệnh tật, mấy ai thoát được vòng tuần hoàn sinh lão. Thương cảm, xót xa cũng chỉ là thương cảm xót xa, quang gánh trên vai ai người đó hiểu. 

Một năm là thêm một tuổi. Một tuổi với trẻ con là lớn lên, đôi bàn tay rồi sẽ chạm ít nhiều điều thú vị. Với người trưởng thành, một năm là thời gian khẳng định bản thân, gặt hái những thành công từng ấp ủ và phấn đấu.

Với người già, một năm 12 tháng, ngày nào cũng như ngày ấy, đôi khi ngồi nghe từng nhịp thời gian gõ lên cái vốn liếng ít ỏi còn lại của mình mà ít nhiều sốt ruột. Nhất là mỗi ngày qua, thi thoảng nghe tin một người họ hàng, một người bạn hay láng giềng đã bỏ mình đi mãi hoặc lâm trọng bệnh.

Tôi đã nghe, ba cứ nhắc đi nhắc lại như thể nhắc mình khi biết tin bà sui bệnh nặng: “Lại bệnh! Tội nghiệp!”. Cuộc đời ngẫm lạ, gần như mọi thứ đến với mình có gì ngoài tầm hiểu biết của mình đâu. Hạnh phúc, niềm vui, nỗi buồn, thành bại… Thế nhưng chỉ khi tự mình trải qua, chúng ta mới thật sự cảm nhận sức nặng của chúng. 

Trải nghiệm chặng cuối đoạn đường nhân sinh khó hay dễ, nặng nề hay thư thả cũng là điều cần phải học. Mà bất cứ bài học nào cũng không dễ dàng. Luôn có người học tốt, có người chật vật khó khăn. Không dưng tôi nghĩ đến việc có lớp học tiền hôn nhân, lớp học làm mẹ, học quản lý tài chính gia đình… Nên chăng có lớp học đối diện, đi qua bóng xế tuổi già?

Mỗi lần nhắc đến dì, ánh mắt mẹ cứ loang loáng nước, còn các cậu có khi hét lên ầm ĩ. Vì ai cũng thương nhưng không thể nói được dì. Bởi vì bao giờ dì cũng mang con bài sinh tử ra chốt: “Dì không thể bỏ con!”. Khi đó, mọi người lại làm thinh. Dì tôi không nghèo, thậm chí khá giả. Đất đai của dì đi mỏi chân không hết.

Ngoài 60 tuổi, dì dượng làm hết mọi thứ, từ việc ngoài vườn đến việc trong nhà. Ba đứa con, trừ cô con gái có gia đình, còn lại hai cậu trai cứ sống bám vào mẹ và mải chơi. Lục đục vợ con, chúng mang những đứa trẻ về gởi ông bà.

Một tay dì nuôi, đứa trước đứa sau, không khi nào dì có một ngày thảnh thơi đi giỗ đi cưới hay ngồi uống ly trà với mẹ tôi. Bao giờ mặt dì cũng dàu dàu nói với mẹ về việc phải gom tiền cho đủ để cất nhà cho cậu em này, rồi cậu em kia; cháu này học đại học, cháu kia học Anh văn… Mỗi lần nghe mẹ nhắc về dì, tôi lại nghĩ đến những người mẹ mãi một đời không dứt sữa cho con. 

Mẹ tôi có lần mắng tôi rằng: “Làm mẹ kiểu gì lạ kỳ vậy!”. Ngày con trai còn nhỏ, bước chân con ngắn như bàn tay người lớn, đi du lịch bao giờ con cũng bậm môi, ì ạch kéo vali của mình và kéo luôn của mẹ. Con luôn kiêu hãnh khi ai đó nhìn mình: “Mẹ con không kéo nổi đâu! Mẹ con còn không biết khóa cửa và sợ sâu!”. Không biết bao giờ đã thành thói quen, con luôn đỡ chiếc vali nặng cho mẹ, luôn khóa cửa nhà, luôn túm lấy con sâu trong bình hoa hiên ngang như một vị tướng. 

Là mẹ, tôi cũng muốn con mình sung sướng. Thế nhưng đưa con hết chặng đường cần thiết, thì thành bại hạnh phúc phải là thứ con trầy da xước tay mà có. Không còn cách nào khác! Làm gì có trưởng thành nào mà không phải trả giá? Con cái mình là một bản mệnh riêng rẽ, viết nên cuộc đời như thế nào, chỉ có chúng làm được thôi. “Dứt sữa” được cho con có khi nào là yếu tố đầu tiên để có một tuổi già thong thả, bình an? 

Đành phải chấp nhận như bà mẹ cai sữa cho con, tức ngực thương con đến trào nước mắt. Thế nhưng phải chấp nhận! Hai tiếng chấp nhận nghe nhàm tai vậy mà chúng ta học một đời có khi chưa tròn. Nhất là chấp nhận sự hữu hạn của sức lực ở mình. Chấp nhận ta đang chạm đến hai chữ cuối trong vòng tuần hoàn sinh, lão, bệnh, tử.

Tôi thích hoa. Chỗ làm việc lại kề bên cái chợ hoa lớn nhất nhì Sài Gòn, vậy nên gần như dăm ba ngày là ôm một bó về nhà. Háo hức xoay tới xoay lui, cắm vào rút ra, ngắm ngắm nghía nghía, nghe vui tươi tràn khắp. Dù có nâng niu cắt gốc, thay nước, tránh gió kiểu gì thì năm ngày một tuần, mớ hoa lá ấy cũng héo tàn. Từ lá, từ thân, từ hoa là một cuộc ra đi không cách gì níu kéo cũng chẳng thể hồi sinh.

Không biết lúc nào, tôi chỉ dừng lại quan sát cuộc ra đi đó, trong lòng tuyệt đối không buồn như hồi xưa nào ấy. Tôi còn nhớ bạn mình từng bảo: “Hãy treo bó hoa đã tàn lên, cậu sẽ thấy sự kỳ thú của một bó hoa khô”. 

Chỉ cần có một căn nhà nhỏ, một số tiền nho nhỏ, một người đồng hành thương yêu, một mảnh vườn cũng nho nhỏ và có thể là những quyển sách hay ao cá hoặc một con thú cưng, một vườn hoa tùy theo sở thích của từng người cùng với một nội tâm bằng phẳng, có lẽ ta sẽ đi qua được chặng cuối hành trình nhân sinh nhẹ nhàng, cho dẫu có bệnh tật thì cũng là hẳn nhiên… 

Nếu phải khô héo thì nhất định phải là vẻ kỳ thú của những đóa hoa khô. 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI