3 cô con gái giúp mẹ làm cô dâu lộng lẫy

05/05/2024 - 13:09

PNO - Ngưỡng mộ tình yêu thương nhau của ba mẹ, các cô con gái đã bàn bạc tổ chức buổi chụp hình cưới để ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc.

“Ba mẹ tôi đã U60 rồi mà vẫn còn thể hiện tình cảm quá mức, đến nỗi con cái cũng phải… thấy ganh tị”, Trần Trâm Anh (sinh năm 1993, hiện sống ở Đắk Lắk), vui vẻ nói về ba mẹ mình.

Chứng kiến tình yêu ở tuổi xế chiều vẫn ngọt ngào của ba mẹ, Trâm Anh bàn với 2 chị em gái làm một điều đặc biệt cho ba mẹ: Tổ chức chụp ảnh cho “cô dâu mẹ” và “chú rể ba”.

Nhìn mẹ hạnh phúc khi được sửa soạn làm cô dâu ở tuổi U60, các cô con gái đều rất xúc động
Nhìn mẹ hạnh phúc khi được mặc váy cô dâu ở tuổi U60, các cô con gái đều rất xúc động

Trâm Anh đang kinh doanh và là chủ một tiệm ảnh. Cô tự tay make up cho mẹ, chọn bộ com lê cho bố, váy cưới cho mẹ. Các anh chị em, cháu chắt cũng mặc lễ phục, cùng đứng bên cổ vũ, chỉ cho ông bà cách tạo dáng và chung khung hình làm kỷ niệm. Vậy là bộ ảnh cưới đặc biệt của ba mẹ ở tuổi U60 ra đời, ghi dấu lại một chặng đường dài vượt qua những khó khăn và hạnh phúc bên nhau.

“Nhà tôi có ba chị em gái, tôi là con gái thứ 2. Chúng tôi từng thắc mắc là vì sao ba mẹ không có ảnh cưới, sao mẹ không mặc đồ cô dâu. Mẹ tôi bảo ngày xưa nhà nghèo, cơm còn không đủ ăn nói gì đến váy áo, chỉ cần các con trưởng thành, nên người là được rồi. Thế nên khi thực hiện được bộ ảnh cho ba mẹ, nhìn mẹ rạng rỡ trong chiếc váy cưới, được làm cô dâu, chúng tôi rất vui và xúc động. Những điều con cái làm cho ba mẹ thật chẳng đáng gì so với những vất vả, nhọc nhằn ba mẹ đã hy sinh”, Trâm Anh chia sẻ thêm.

Đại gia đình chụp ảnh chung cùng ông bà
Đại gia đình chụp ảnh chung cùng ông bà
Cô dâu mẹ và chú rể ba
"Cô dâu mẹ" và "chú rể ba"
Bộ hình đánh dấu cột mốc khi những gian khó đã qua
Bộ hình đánh dấu cột mốc khi những gian khó đã qua

Trâm Anh chia sẻ, nhà cô có 3 chị em gái và cô là con gái thứ 2. Các chị em gái luôn tự hào khi sinh ra trong một gia đình có ba mẹ yêu thương nhau, rất ít khi to tiếng. Ba mẹ của Trâm Anh là chú Trần Quang Hợi (sinh năm 1961) và cô Nguyễn Thị Lượng (sinh năm 1964), hiện sống tại huyện Cưmgar, tỉnh Đăk Lăk.

Năm xưa, cô Lượng và gia đình theo cha đi tập kết, sau đó chuyển từ Nghệ An vào Tây Nguyên sinh sống. Chú Hợi là bộ đội, sau khi từ chiến trường Campuchia trở về, chú về làm việc tại TPHCM. Trong một ngày nghỉ, chú lên nhà người quen ở Tây Nguyên chơi và gặp cô. Tình cảm nảy nở, cô chú nên duyên vợ chồng.

Hôn nhân bắt đầu từ tình yêu thương và sự cảm thông nên dù khó khăn cũng vẫn luôn rất hạnh phúc. Cô là giáo viên mầm non, lại giữ chức hiệu trưởng nên công việc rất bận, nhưng cô luôn yên tâm công tác khi chú ở nhà chăm lo vườn tược, nấu nướng, chăm sóc con cái.

Cuộc sống êm đềm trôi qua, 3 cô con gái đều trưởng thành. Ngoài Trâm Anh, cô chú có con gái đầu đang làm giáo viên Ngữ văn và con gái út đang làm tiếp viên hàng không.

Con cháu đều ở xa, ông bà lại tình cảm bên nhau như vợ chồng son
Con cháu đều ở xa, ông bà lại tình cảm bên nhau như vợ chồng son

Hôn nhân của cô chú đã đi qua gần 4 thập kỷ, khi các cô con gái đã xa nhà và lập gia đình, cô chú lại sống những ngày quấn quýt như vợ chồng son. Họ cùng nhau chăm sóc 1 vườn cà phê và sầu riêng, cùng nấu nướng, gọi điện cho con cháu, đi dạo, đi du lịch, đi họp lớp… Làm việc gì cũng phải cùng nhau.

“Mấy năm rồi ba bị bệnh, mẹ không rời ba nửa bước. Ông bà lúc nào cũng phải ở bên cạnh nhau. Bệnh “nghiện vợ” của ba tôi rất nặng. Ba mà ở nhà thì mẹ không bao giờ phải nấu ăn hay rửa chén. Nấu ăn xong là ba nằm võng đợi mẹ về để ăn cơm. Nếu mẹ chưa về thì ba đi ngủ chứ ba cũng không ăn. Mỗi lần mẹ có việc phải đi đâu xa là ba ngóng trông, buồn và huyết áp không ổn định. Ba làm gì thì cũng phải hỏi ý kiến mẹ”, Trâm Anh kể.

Cô chú rất thích đi du lịch nhưng mỗi lần các con rủ đi thì đều… từ chối vì sợ tốn tiền của các con và các con lại dồn sức thuyết phục để đưa ba mẹ đi. Cứ đến mùa hè, cả gia đình lại cùng nhau tụ họp và đi du lịch cùng nhau.

“Với chúng tôi, được sinh ra trong một gia đình có ba mẹ yêu thương nhau là một niềm tự hào rất lớn. Tôi chứng kiến nhiều khó khăn mà ba mẹ đã trải qua, nhất là chuyện cơm áo gạo tiền, nhưng tôi không cảm thấy bất hạnh. Nhìn ba mẹ hạnh phúc, tôi thầm ước sau này được như thế”, Trâm Anh nói.

Bí quyết hạnh phúc của cô chú, theo như lời con gái nói thì có lẽ chẳng có gì ngoài sự nhường nhịn, đặc biệt là đến từ… người chồng. Chú chẳng nói nhiều nhưng tình cảm, quan tâm đến cô và các con từng ly từng tí. Với chú, việc nhường vợ, chiều chuộng vợ mới thể hiện được tính trượng phu, chứ không phải là sự gia trưởng, áp đặt.

Khi Trâm Anh đăng tải bộ ảnh của ba mẹ lên Facebook, rất nhiều người đã bình luận khen ngợi. Mọi người cho rằng chuyện của cô chú thật dễ thương và mong muốn tình cảm đôi lứa của giới trẻ ngày nay cũng bền lâu, son sắt như thế hệ đi trước.

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh