15 năm tìm chiếc chìa khoá mở cánh cửa bình an

10/04/2022 - 14:23

PNO - Chiếc chìa khóa thần kỳ giúp mở cánh cửa bình an là hội họa. Những nét vẽ, mảng màu, dòng cảm xúc trong tranh đã cùng mẹ con chị vượt bão tố.

Nữ họa sĩ Dương Ngọc Thanh Thảo là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM. Mỗi lần cầm cọ vẽ, chị quên hết mỏi mệt, chìm đắm trong các mảng màu. Hội họa thương chị, dìu dắt người họa sĩ qua từng giai đoạn trúc trắc, chắp vá, xoa dịu những tâm tư.

Ước mơ của mẹ là hy vọng của con 

Từ bé, họa sĩ Thanh Thảo bị thu hút bởi màu sắc từ các bức tranh mà người bạn thân của cha sáng tác. Tuy nhiên, thấy người bạn luôn khó khăn từ đam mê này, cha chị lắc đầu trước mơ ước của con, chị không dám nghĩ đến chuyện cầm cọ nữa.

Theo thời gian, đi học rồi đi làm, ước mơ thơ bé cũng rơi rớt dần, tới khi họa sĩ Thanh Thảo mải miết tìm bác sĩ để trị liệu cho đứa con trai đầu của mình, chị rơi nước mắt: “Tôi đã bỏ quên mình quá lâu”.

Họa sĩ Thanh Thảo sáng tác bức tranh Dần, đây cũng là năm tuổi của con trai út của chị - ẢNH: PHẠM AN
Họa sĩ Thanh Thảo sáng tác bức tranh Dần, đây cũng là năm tuổi của con trai út của chị - Ảnh: Phạm An 

Họa sĩ Thanh Thảo mắc bệnh sởi lúc thai nhi được hơn năm tháng. “Các bác sĩ nói con tôi ổn. Con trai chào đời lành lặn, kiểm tra thị lực, thính lực đều bình thường. Tuy nhiên, mãi đến sáu tháng tuổi, bé vẫn không ngồi được, cơ tay yếu không thể cầm nắm đồ vật. Tôi đưa con đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán bé chậm phát triển trí não và vận động. Từ đó, tôi cùng con vào ra không biết bao nhiêu bệnh viện. Bên cạnh việc tập vật lý trị liệu, tôi cũng nhờ đến chuyên gia tâm lý để giúp đỡ con trai”, chị Thảo nhớ lại.

Chuyên gia tâm lý khuyên chị Thảo nên “tìm mở cửa sổ tâm hồn” cho con, chỉ khi biết sở thích hoặc năng khiếu của bé, con trai chị mới có hy vọng cải thiện được sức khỏe.

15 năm ròng rã cùng con “mở” không biết bao nhiêu “chiếc cửa”, lúc chị nắm tay con tìm đến âm nhạc, khi cùng con đọc sách, tiếp cận ngoại ngữ, đá bóng… mỗi lần con quay đi chỗ khác, người mẹ lại cần mẫn ngược xuôi. Cho đến một ngày, chính chị cũng không thể ngờ cậu con trai lại bị thu hút bởi các bức tranh. 

Chị rưng rưng: “Ngày ngày tôi tất bật lo cơm áo, nhu cầu thiết yếu cho mấy đứa nhỏ, lo điều trị cho con trai lớn. Tôi cứ ước một ngày có 48 tiếng để đủ thời gian bên con. Từ lúc con trai mê mẩn với tranh, tôi chợt nhận ra niềm yêu thích thời thơ bé của mình vẫn còn đó. Tôi đâu hay, ước mơ của tôi chính là hy vọng của con trai”.

Những buổi cho con trai học vẽ, do trí não bé không ổn định, chị Thảo xin giáo viên cho chị ngồi cạnh con. Nhìn con gắng gồng lên cầm chiếc cọ, đôi mắt chăm chú nghe hướng dẫn, chị mừng đến bật khóc. Cũng chính lúc này, ước mơ trở thành họa sĩ của chị lại âm ỉ như than hồng, nhưng các con đang tuổi ăn tuổi lớn, chị lại dặn lòng quên đi.

Hội họa làm dịu những căng thẳng, bức bối trong lòng chị
Hội họa làm dịu những căng thẳng, bức bối trong lòng họa sĩ Thanh Thảo

Không vẽ, có lẽ tôi đã hoá điên 

Chỉ “mình ên” trước ngàn con sóng dữ, người mẹ này gồng mình cố gắng che chở cho các con qua hết cơn bão này, lại gặp giông gió khác. Chính chị Thảo cũng rơi vào căng thẳng, các cơn đau đầu thường xuyên thăm viếng.

“Quá mệt mỏi, túng quẫn, ấm ức, tôi cầm chiếc bay nhỏ, cứ thế quẹt màu, trút giận lên giá vẽ. Kỳ lạ, những vệt màu loang lổ kéo tôi chìm đắm vào dòng cảm xúc. Mọi phẫn nộ dần “biến thành” một bông hoa hồng. Nhìn bức tranh, tôi thấy bình yên, sự bình yên từ trước tới nay tôi chưa từng có. Thế là tôi đến với hội họa như một nơi để cứu rỗi”, chị Thảo trầm tư.

Cuộc sống vô thường, ngắn ngủi, hãy tranh thủ thời gian để thực hiện ước mơ thuở bé.

Hình như là duyên phận, Giáng sinh năm 2004, chị dẫn các con đến công viên 30/4 cho các bé vui chơi tại ngày hội tuổi thơ. Trong lúc anh chị chăm chú vẽ, con trai út của chị Thảo lại mải mê nhìn theo một họa sĩ vẽ ký họa cho một bé gái. Lát sau, chàng trai này cũng vẽ cho con của chị một bức tranh. 

Thấy con quá thích bức chân dung ký họa, chị Thảo tìm đến Nhà văn hóa Phụ nữ học vẽ, với mong muốn vẽ tặng con các bức chân dung, thay vì sở trường phong cảnh. 

Chị cười: “Tôi may mắn gặp người thầy có tâm chỉ dạy, vài tháng học vẽ, các cơn đau đầu, căng thẳng kéo dài nhiều năm của tôi cũng… biến mất. Màu sắc, tranh vẽ giúp tôi lấy lại cân bằng, tiếp thêm năng lượng mới để tiếp tục sống, giải tỏa để tìm đến sự tươi vui và hạnh phúc”.

Nguồn cảm hứng bất tận từ những đứa con thơ, cách nhìn cảnh vật bằng góc đặc biệt đã giúp họa sĩ Thanh Thảo tìm được bút pháp riêng cho tranh của mình, không trùng lắp bất kỳ ai, không ồn ào, náo nhiệt, cũng không trầm mặc tăm tối đáng sợ như trước đây. 

Hiện tại, con trai lớn của họa sĩ Thanh Thảo đã có thể trò chuyện, tự chăm sóc bản thân, sáng tác tranh. Các bé khác cũng ngoan ngoãn, hiểu chuyện.

Cuộc sống của mẹ con chị dần ổn định, thong thả hơn, họa sĩ Thanh Thảo vẽ tặng cho những người thật sự yêu tranh chứ chưa từng bán tranh cho ai.

Tháng 4/2021, dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn, trước gợi ý của một người bạn, họa sĩ Thanh Thảo tặng tranh để đấu giá gây quỹ tặng đội ngũ y, bác sĩ tình nguyện chống dịch và quỹ giúp đỡ các bé phẫu thuật hở hàm ếch. Đến nay, số lượng tranh chị tặng đã lên đến 177 bức.

Có lẽ vẽ tranh bằng chính tình yêu thương các con, nhìn nhận sinh động về cuộc sống và trân trọng hội họa, nhiều năm liền họa sĩ Thanh Thảo tham gia triển lãm tranh của ngành, nhóm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, mang lại cho người thích tranh cảm giác bình yên, dung dị. Người thưởng lãm tranh tìm thấy chính mình, có vui, có buồn, có lời thủ thỉ chân tình mà người họa sĩ gửi gắm. 

Họa sĩ Thanh Thảo chia sẻ: “Tôi vẽ tranh để tìm đến cái đẹp, cảm nhận được tâm hồn của mình tại thời điểm đó và thể hiện qua tác phẩm. Cuộc sống vô thường, ngắn ngủi, hãy tranh thủ thời gian để thực hiện ước mơ thuở bé. Sẽ càng hạnh phúc hơn, nếu tranh của mình có thể giúp một ai đó, như hội họa đã mang đến bình yên trong tâm hồn của tôi và các con”. 

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI