“Trầm cảm à, cố gắng lên nhé!”

22/02/2022 - 06:37

PNO - Trầm cảm ở bọn trẻ, nhất là mấy đứa đang tuổi mới lớn, chỉ được người lớn hiểu là bệnh tâm sinh lý của lứa tuổi ẩm ương, không đáng lo. Trầm cảm được coi như lãng đãng tuổi mới lớn, cho đến khi chúng tự tử.

“Trầm cảm à? Có sao không? Cố gắng lên nhé!” là một trong số những bình luận tiêu biểu thường thấy trên mạng xã hội, cho thấy việc ai đó bị trầm cảm giống như bị cảm cúm vậy. Chỉ cần cố gắng một tí là hết trầm cảm liền. Trầm cảm ở bọn trẻ, nhất là mấy đứa đang tuổi mới lớn, chỉ được người lớn hiểu là bệnh tâm sinh lý của lứa tuổi ẩm ương, không đáng lo. Trầm cảm được coi như lãng đãng tuổi mới lớn, cho đến khi chúng tự tử.

Mà ngay cả khi chúng tìm đến cái chết, thứ mà nhiều người nhảy vào cho ý kiến cũng vậy. Nào là “sao dại dột thế em ơi”, nào là “sao không nghĩ cho cha mẹ”, “nếu chỉ vậy mà tự tử chắc ngày xưa mình tự tử bảy bảy bốn chín lần rồi. Lũ trẻ ngày nay đúng là yếu đuối hơn lũ mình ngày xưa”. Rồi rất nhiều nữa những lời phán cha mẹ chiều chuộng, bảo bọc con quá, tạo ra một thế hệ mong manh. Rồi đưa ra bài học vĩ đại về việc than đá chịu sức ép thế nào mới trở thành kim cương. Rốt cuộc, trẻ trầm cảm tự tử là do cha mẹ, do bọn trẻ. Chẳng hạt mưa nào nghĩ mình góp phần tạo ra cơn lũ. Chính chúng ta cũng góp phần tạo ra căng thẳng bằng những bình luận thóa mạ, vùi dập, phán xét người khác trên mạng xã hội, trong đời sống thường ngày. 

Chỉ trong ba phút sử dụng Google, tôi đã tìm thấy những số liệu này. Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tại Việt Nam, khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự tử do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người.

Việt Nam có ít nhất ba triệu thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần, chỉ 20% trong số đó được chẩn đoán và điều trị thích hợp, số đông tìm đến rượu bia, ma túy, và các chất kích thích như những giải pháp tạm thời. Từ năm 1999, Chính phủ Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần. Mục tiêu cụ thể của chiến lược từ năm 2020 là sử dụng 5% ngân sách y tế và mở rộng nguồn lực cho vấn đề sức khỏe tâm thần vào năm 2025. Tuy nhiên, chiến lược này đến nay chỉ bao phủ khoảng 30% dân số của đất nước và sử dụng một danh sách bệnh tâm thần rất hẹp; phần lớn bệnh nhân vẫn chưa được điều trị hoặc có nhưng chẩn đoán sai.

Theo khảo sát mới nhất của WHO, Việt Nam chỉ có 0,91 bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân. Hệ thống bệnh viện tâm thần ở Việt Nam hiện tại bao gồm các bệnh viện nhà nước với 36 bệnh viện, 6.000 giường bệnh được bố trí rộng khắp cả nước nhưng chỉ dành cho những bệnh nhân nặng. Trong khi hiện nay, tác động của đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, bắt nguồn từ sự lo âu, sợ hãi, nỗi cô đơn, sự cô lập về xã hội.

Phó giao sư - tiến sĩ Đặng Hoàng Minh (Trung tâm Thông tin hướng nghiệp và Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các yếu tố nguy cơ dẫn đến những vấn đề tâm lý ở trẻ gồm sự cô lập về cảm xúc khiến chúng lựa chọn không chia sẻ cảm xúc với ai, sử dụng quá nhiều mạng xã hội, gia đình quá nghiêm khắc, kỳ vọng cao của cha mẹ, áp lực học tập, thiếu sự hỗ trợ, bị bắt nạt, sống xa gia đình… Một nửa số bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14 nhưng phần lớn đều không được phát hiện, điều trị. Trong đó, trầm cảm được xem là rối loạn tâm thần phổ biến thứ ba trong thanh, thiếu niên và tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trong nhóm tuổi từ 15-29.

Câu chuyện về cái chết của cậu sinh viên người Bình Định ám ảnh chúng ta về 10kg gạch đá trong ba-lô. Tiffanie DeBartolo - tiểu thuyết gia - nhà làm phim người Mỹ - từng nói: “Những người tự tử chắc gì đã muốn chết? Họ chỉ muốn chấm dứt nỗi đau đớn mà thôi”. Có lẽ cậu trai 19 tuổi này là vậy. Sẽ có thêm bao nhiêu đứa trẻ như cậu muốn chấm dứt nỗi đau đớn của chúng khi sức khỏe tâm thần vẫn bị coi nhẹ ở Việt Nam? 

Con số trẻ tự sát do trầm cảm bởi những vấn đề về tâm thần không đáng sợ bằng con số trẻ tự tìm cách chữa bằng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích hay kể cả việc quan hệ tình dục hoặc cả những hành động mà chúng ta vẫn thường lên án như đua xe, bạo lực, bắt nạt... bởi đó là những biểu hiện cho thấy trẻ muốn tự chữa cho mình. 

“Trầm cảm à, cố gắng lên” chính là cách chúng ta khiến người trầm cảm đi đến chỗ tự sát. 

Hoàng Anh Tú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI