Đàn ông cần được… khóc

Rối loạn tâm lý - bức tranh bế tắc của nhiều người đàn ông

09/04/2022 - 14:43

PNO - Hầu hết bệnh nhân chịu đựng rối loạn tâm lý một mình. Họ luôn giấu giếm gia đình, bạn bè và phải xuất hiện trong vẻ ngoài “từ ổn tới rất ổn”.

 

Có gì đâu mà rối loạn?

Một nam ca sĩ trẻ nổi tiếng của V-pop vừa tiết lộ anh đã sống với chứng rối loạn lưỡng cực suốt 12 năm nay và đã "quen rồi". 

Thông tin trên khiến nhiều người hâm mộ lo lắng. Các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội dẫn lại dòng viết anh nhắc về đám tang của mình, nói nhiều về việc anh muốn kết thúc sự sống, việc anh nhạy cảm ra sao khi đối đầu với những khen chê trên mạng xã hội. Nhiều người lục lại những dòng tâm trạng thất thường của anh trên trang cá nhân và bày tỏ: “Theo dõi anh lâu rồi, thấy anh hay đăng linh tinh, cũng thấy anh hay giằng xé nội tâm. Thương anh”.

Liên quan nội dung này, phần bình luận, khá nhiều nam nữ thanh niên tiết lộ mình cũng bị rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, có người rối loạn hoang tưởng, thường xuyên hình dung cảnh mình trả thù, chém giết bạn bè, gia đình, hàng xóm.

Thời gian mắc bệnh của các cá nhân thường kéo dài, 2 năm, 5 năm, 9 năm. Có người chia sẻ họ đang bị các chứng rối loạn tâm lý hành hạ mỗi ngày và tuyệt vọng vì không mong có thể thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, u ám, muốn hủy diệt tất cả. Bức tranh về sức khỏe tâm lý được vén ra, bộc lộ nhiều góc tối kinh hoàng.

Khí rối loạn cảm xúc, nhiều người đàn ông xó xu hướng bạo lực với bản thân hay những người xung quanh (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Khi rối loạn cảm xúc, nhiều người đàn ông có xu hướng bạo lực với bản thân hay những người xung quanh (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Đọc về nam ca sĩ, tôi chợt nhớ người đồng nghiệp tên K. Rất nhiều năm, anh sống trong bất an, lo lắng, khó kiểm soát lời nói và hành động. Thế nhưng, anh chỉ đi khám sức khỏe chung chung tại một bệnh viện đa khoa ở Q.10, TP.HCM. 

Đi thăm anh, chúng tôi ngạc nhiên khi anh mới 40 tuổi lại nằm dưỡng bệnh trong một khoa dành cho người già. Toa thuốc bác sĩ kê cho anh cũng là một toa thuốc củng cố các chứng chung chung của người lớn tuổi như mất ngủ, thiếu chất…

Bạn bè khuyên anh tới bệnh viện tâm thần khám, mãi sau này anh mới đi nhưng là đi lén vì phải giấu gia đình. Vốn là trụ cột kinh tế của cả nhà, anh không muốn vợ con suy sụp, càng không dám nghỉ việc để điều trị căn bệnh mà sau này anh thẳng thắn gọi là “bệnh điên”. 

Trong phòng làm việc của tôi lúc đó, không khí sợ hãi, căng thẳng luôn bao trùm lên mười con người. Sau khi anh K. rụt rè cho xem đơn thuốc của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM với dòng chẩn đoán “rối loạn lo âu”, chúng tôi vội lên Google tìm hiểu.

Sau đó, những con dao gọt trái cây, dao rọc giấy, những vật sắc nhọn anh có thể dùng làm hại mình hoặc hại người khác được dọn sạch. Ổ khóa phòng cũng như "vô tình" bị hỏng để không ai có thể chốt cửa phía trong. 

Suốt thời kỳ uống các toa thuốc của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, anh vẫn ráng đi làm nhưng thường xuyên ngồi bất động trong các cuộc họp. Anh luôn làm hỏng các hợp đồng của cả nhóm vì hầu như không thể xử lý được công việc. Anh vẫn chạy xe máy nhưng nhiều hôm lạc sang phía tây thành phố trong khi nhà anh phía đông.

Anh miêu tả những cơn hồi hộp với trống ngực đập dồn. Anh sợ mất việc, sợ bị phê bình, sợ bị bỏ rơi, sợ gây lỗi và vì thế anh càng gây lỗi. Có lúc, anh la hét, tố cáo đồng nghiệp muốn hại anh.

Đêm về, trước mỗi giấc ngủ, anh lại nghĩ về sự sống và cái chết. Anh bày tỏ rằng anh sợ chết nhưng càng sợ chết anh càng nghĩ về cách thức để chết nhiều hơn. 

Vậy nhưng, có lần tôi gặp chị gái anh K., chị nói anh ngoại tình với một cô gái trẻ, rồi cô ấy đi lấy chồng nên anh đau khổ vì thất tình chứ “có ai làm gì nó đâu mà lo âu với trầm cảm”.

Chúng tôi từng hỏi anh K. về nguyên nhân khiến anh rối loạn tâm lý, anh bảo cả bác sĩ điều trị cũng không đưa ra lý do chính xác; bởi với căn bệnh này, nguyên nhân có khi là một biến cố tình cảm, một cú sốc tâm lý nhưng cũng có khi là hàng loạt nguyên nhân nhỏ lẻ tích tụ mỗi ngày và cộng dồn, để tới một điểm quá tải nào đó của thần kinh sẽ chuyển thành bệnh lý. 

Càng sợ cái chết, người bệnh càng nghĩ về cách kết thúc cuộc sống nhiều hơn (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Càng sợ cái chết, người bệnh càng nghĩ về cách kết thúc cuộc sống nhiều hơn (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Không lối thoát

Thử tìm trên Facebook, bạn sẽ dễ dàng thấy rất nhiều nhóm có số thành viên rất lớn mang các tên như: Hội những người rối loạn lưỡng cực/trầm cảm; Hội những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu; Vượt qua trầm cảm; Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu và muốn tự tử… Là người có tâm lý khỏe mạnh, nếu gia nhập các nhóm này, bạn có thể hoảng sợ với những nội dung các thành viên nhóm đăng tải.

Quá nhiều bi kịch, quá nhiều nỗi bất an, lo lắng cùng cảm giác chênh vênh bủa vây người yếu ớt về tâm lý. Không khó để tìm ra những chia sẻ “tôi thèm được chết”, “tôi muốn giết hết chúng nó rồi chết”, “tôi mong ai đó ngăn mình tự tử”, “có bạn nào cho mình một lý do để sống không”…

Vậy nhưng, nếu bạn đang rơi vào những bất ổn tâm lý hoặc từng chống chọi với căn bệnh trầm cảm, bạn sẽ tìm ra khá nhiều sự cảm thông, chia sẻ, những lời động viên tích cực. Thông tin về thuốc, về các chuyên gia cũng được các thành viên nhiệt tình mách nước. Không bàn về mức độ đúng sai của những lời mách nước ấy, nhưng nhìn bức tranh tổng thể có thể nhận thấy: rất ít giải pháp, lối đi cho các bệnh nhân rối loạn tâm lý hoặc có bệnh lý nặng về tâm thần. 

Có thể do tính chất đại chúng của mạng xã hội nên phần đông những người mang tâm tư phơi bày trong các diễn đàn mạng xã hội về sức khỏe tâm thần là người trẻ, làm các công việc có thu nhập thấp hoặc thất nghiệp. 

Một bộ phận không nhỏ trầm cảm, rối loạn vì không có việc làm, vì ám ảnh bị mất việc, vì gia đình khó khăn không lối thoát… Rất đông trong số họ đang sống ở vùng sâu vùng xa và nghèo khó.

Họ từng không biết mình “làm sao lại thế” nhưng nhờ đọc các tài liệu trên mạng và xem phim nước ngoài nên “tự chẩn đoán” qua các triệu chứng. Rất nhiều lời than không có tiền khám chữa bệnh, không có cơ hội vào thành phố lớn để gặp bác sĩ chuyên khoa…

Một số khác chia sẻ triệu chứng trầm trọng, bất ổn và nghĩ tới tự tử nhiều hơn khi sử dụng các toa thuốc được kê nhưng không biết khám ở nơi nào ngoài chỗ đã được mách.

 Vợ anh đã đồng hành cùng chồng ở giai đoạn sau, chị thu xếp mua miếng đất ở vùng núi cao cho anh tĩnh dưỡng (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Vợ anh đã đồng hành cùng chồng ở giai đoạn anh công khai bệnh tật, chị thu xếp mua miếng đất ở vùng núi cao cho anh tĩnh dưỡng (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Trên tất cả, hầu hết các bệnh nhân chịu đựng căn bệnh này một mình. Không ít người nói họ thèm được thả lỏng, được bỏ tất cả để tới một vùng đất xa xôi mà chữa lành, bình ổn tâm lý. Tuy nhiên, áp lực của gia đình và xã hội càng khiến họ mắc kẹt và đó là lý do khiến tình trạng bệnh của họ nặng thêm.

Số liệu từ các chuyên gia trong nước và thế giới cho biết, tuy “cơ hội” mắc các bệnh liên quan tới tâm thần là như nhau nhưng tỷ lệ nam bệnh nhân trầm cảm tìm tới cách thức chấm dứt cuộc sống lại cao hơn gấp bốn lần.

Một vài lý giải liên quan con số này là: có thể về mặt sinh học, đàn ông có sức chịu đựng kém hơn phụ nữ. Có thể về mặt xã hội, họ vốn phản ứng mạnh và giải quyết mọi thứ nhanh gọn hơn và có lẽ ở phái nữ, tình trạng bất ổn tâm lý nhận được nhiều cảm thông hơn. (Ít nhất thì một số chứng bệnh liên quan sự trồi sụt hoóc-môn như trầm cảm sau sinh được nhắc tới nhiều và trong sinh hoạt đời thường, phái nữ có cơ hội được yếu đuối, khóc lóc; cách thức giải tỏa tâm lý cũng phong phú hơn…).

Anh K. (đồng nghiệp tôi ở trên) sau này bị công ty cho nghỉ việc kèm một số tiền hỗ trợ khá lớn để tập trung điều trị bệnh. Tới khi ấy, gia đình mới thừa nhận tình trạng của anh và bán nhà. Vợ anh thu xếp mua miếng đất ở vùng núi cao cho anh tĩnh dưỡng.

Anh đã mất đến hai năm nỗ lực tìm thầy tìm thuốc. Mới đây, khi gặp lại, anh khoe đã khỏi bệnh và sẵn sàng tìm việc mới. Cả phòng tôi thở phào và cầu mong thật nhiều người như anh tìm được sự giúp đỡ để vượt qua giai đoạn nguy khốn về sức khỏe tâm thần. 

Minh Lê

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI