“Tôi đã quên chuyện đời mình”

08/06/2014 - 16:15

PNO - PN - Dẫn chúng tôi đến căn nhà tuềnh toàng chắp vá từng mảnh tôn cũ, vải bạt và ván gỗ giữa một xóm vạn bên sông Thu Bồn (xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), người hàng xóm của anh nói: “Coi tồi tàn vậy chớ chừng nào...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Hư đâu vá đó”

Giữa nhà là chiếc bàn vừa để tiếp khách, ăn cơm, vừa làm bàn học của hai đứa con; hai bên là hai cái giường, một của cha con anh Thuận, một của bà Hồ Thị Tám, mẹ vợ anh. Nhà anh Thuận được người làng ví von là “nhắm mắt chạy từ trên xuống dưới không đụng phải cái gì”. Bà Tám ái ngại nhìn quanh nhà, chép miệng: “Nó làm hoài cũng chỉ đủ ăn, nhà cửa thì làm đỡ để ở, hư đâu vá đó”.

Gia đình vợ anh Thuận ngày trước vốn sống đời sông nước, rày đây mai đó. Khi anh về làm rể, cả nhà cùng “lên bờ”, dựng căn nhà tạm trên mảnh đất được nhà nước cấp cho. Vợ bỏ đi năm anh 33 tuổi. Đau khổ, bàng hoàng, nhưng rồi nhìn mẹ già và hai đứa con thơ, anh quyết: “Người đi thì cũng đi rồi, cha con, bà cháu đành cùng nhau bù đắp, cho nhau một gia đình”.

Vượt qua tủi hờn, mới thấy gánh nặng áo cơm lừng lững phía trước, cảnh cơ hàn vốn trước chia đôi, nay ập cả lên vai anh. Ở nông thôn nhưng lại không có ruộng vườn, anh phải long đong chống chèo gia đình với nghề phụ hồ bữa có bữa không. Yên ổn thì cả nhà cơm cháo qua ngày, nhưng mỗi lúc con ốm đau, hay phải đóng tiền trường, mọi thứ lại vượt ra ngoài khả năng của anh. Sợ cái nghèo làm con mình lạc loài giữa chúng bạn, anh đâm sợ luôn những ngày Tết, ngày khai trường. Mùa khai trường vừa rồi, anh phải bán chiếc xe gắn máy cũ - tài sản lớn nhất của anh, để có tiền nộp học phí cho con.

Cuộc sống đâu chỉ gói gọn trong miếng cơm, manh áo. Sức khỏe của mẹ vợ anh đang yếu dần cùng những căn bệnh tuổi già, con trai nhỏ của anh - Nguyễn Công Thương lại mắc bệnh tim. Nhiều lần đang làm việc, nghe người thân gọi báo tin con trai lên cơn đau, là anh ném cái bay, quáng quàng đạp xe về đưa con vượt 30km đi bệnh viện. Cứ vậy, chút tiền dôi ra những tháng nhiều việc cũng chẳng thấm tháp gì. Nhà còn hai chiếc xe đạp cũ cho ba người, mỗi lần hai con học khác giờ, anh phải đi bộ đến chỗ làm, nhường xe cho con. Những ngày trời nóng bức, anh phải ra ngủ nhờ ghe của dân chài, vì chiếc giường gỗ cũ kỹ đã không còn vừa vặn với cả ba cha con.

“Mỗi lần thằng Thuận làm xa, tôi lại sợ nó ngán cảnh nghèo mà bỏ đi mất”, bà Tám lo lắng. Nhưng, dù làm xa đến mấy, dăm bữa nửa tháng là anh lại về. Một lần, trời miền Trung mưa dai dẳng, thợ hồ thất nghiệp, anh tìm vào TP.HCM phụ hồ. Ở không được bao lâu, nghĩ tới cảnh ba bà cháu đang ở nhà giữa trời mưa gió, anh nóng ruột, quay về. Nhà ở mé sông, lại không có điều kiện lắp máy bơm nước sạch, ngày nắng, cả nhà phải ra sông để tắm táp, giặt giũ. Mùa lụt lội, nước dâng cao đến tận nóc, cả nhà bốn người phải lênh đênh trên ghe giữa trời mưa gió. Bao mùa mưa bão rồi, căn nhà xập xệ vẫn còn che nắng che mưa được là nhờ một tay anh che đậy, chèn chống.

“Toi da quen chuyen doi minh”

Hai anh em bảo ban nhau học hành.

Tất cả vì con

Hồi vợ anh mới bỏ đi, mấy cha con - bà cháu nuôi nhau không đặng, mọi người khuyên anh gửi con vào trại trẻ mồ côi để khỏi cảnh đói rét. Anh lần lữa rồi cũng gật đầu. Nhưng, khi mọi chuyện xong xuôi, còn lại trong căn nhà với mẹ vợ, anh thấy mình như người bỏ đi. Hình ảnh hai đứa con nhỏ dại ôm gói đồ bước vào một mái ấm xa lạ cứ ám ảnh anh những đêm mất ngủ. Cuối cùng, không thể chịu được sự dằn vặt và nỗi nhớ con, anh đón con về, gồng mình nuôi con.

Chị Hồ Thị Trừng, chị dâu của anh Thuận rưng rưng kể, mỗi lần nhà có đám, thấy cha con anh chở nhau trên một chiếc xe đạp về đến đầu ngõ, ai cũng xót xa. Rất nhiều lần gia đình cố tình mai mối, mong anh có được người phụ nữ để san sẻ, nhưng anh khước từ: “Chuyện đời mình, tôi đã quên lâu rồi, giờ chỉ muốn làm mọi thứ cho con”.

Nói là quên, nhưng cuộc sống thiếu thốn tình thương của con vẫn khiến anh mặc cảm khôn nguôi. Anh thừa nhận, trong việc nuôi dạy con của mình, sự bù đắp đã trở thành quán tính. Mỗi lần con mắc lỗi, anh lại ân cần, nhỏ nhẹ khuyên can, tránh cho con cái cảm giác bị trách giận, ghét bỏ. Cũng vì muốn bù đắp, mỗi cuối tuần anh đều thu xếp cho con đến gặp mẹ, từ khi chị cùng người tình dắt díu nhau về lại cất nhà bên kia sông. “Xưa nhà nghèo nhưng em được ba lo cho đầy đủ hết, áo rách ba cũng khâu, giờ thì em sướng nhất đời rồi, vì còn được ba cho đi gặp mẹ nữa”, em Nguyễn Công Tình - con đầu của anh nói. Thấy bọn trẻ vui mừng gặp lại mẹ, anh nuốt nước mắt vào lòng, gượng cười theo con. Người ta trách anh nhu nhược khi “thỏa hiệp” chuyện con cái với người vợ bội bạc. Nhưng, chỉ với một lý lẽ duy nhất là vì con, anh chua chát nhắc lại: “Tôi đã quên mất chuyện đời mình”.

Vá víu bao năm, mới đây, anh phải ôm con ra đi, nhường căn nhà chứa nhiều kỷ niệm buồn thương lại cho anh vợ. May mà giữa cảnh màn trời chiếu đất cận kề, con trai anh nhận được tài trợ của quỹ học bổng Khăn Quàng Đỏ của huyện Duy Xuyên, cất được căn nhà nhỏ trên mảnh đất vườn nhà nội. Thầy giáo Nguyễn Xuân Mạnh, người đã giúp hai em hoàn tất hồ sơ xin hỗ trợ, chia sẻ: “Biết Thuận từ hồi vợ ảnh mới bỏ đi, đến giờ tôi vẫn thấy khâm phục, dù những gì anh làm được cũng rất đời thường”.

Chỉ là những điều rất đời thường, nhưng làm sao có thể vượt qua đắng cay cơ cực mà níu giữ cho tới hôm nay, nếu như không có tấm lòng của một người mẹ trong anh?

 MINH TRÂM

Bài 2: Thăm thẳm đường dài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI