“Mái ấm” thứ ba

15/10/2013 - 07:55

PNO - PNO - Cha mẹ ly hôn, con cái thường được giao cho một người nuôi dưỡng. Mái ấm, khi ấy bị chia đôi. Nhưng, có nhiều gia đình, sau cuộc chia tay của người lớn, những đứa trẻ bị đẩy về một “mái ấm” thứ ba với nhiều hệ lụy.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mái ấm tự đi tìm

Ly hôn nửa năm thì cha cưới vợ, Thảo ở với mẹ được hai năm bà lại đi bước nữa. Cha mẹ ai cũng có mái ấm riêng, lần lượt sinh con, tình thương dành cho đứa con chung vẫn còn nhưng trách nhiệm và sự quan tâm cứ ngày một cạn. Ở bên mẹ buồn, Thảo chạy sang cha. Chán cảnh nhà cha, Thảo lại về với mẹ. Cứ thế, cuộc sống của em là sự luân phiên, chạy qua chạy lại giữa hai mái ấm. Một ngày, Thảo gặp và kết thân với Nhật (18 tuổi, nghỉ học đi làm hồ). Thảo gần như “bấu víu” người bạn này, cùng đi chơi, cùng sẻ chia mọi chuyện. Tình cảnh của Thảo được Nhật kể với mẹ. Mẹ Nhật cũng thương cho Thảo. Cô bé thường xuyên đến nhà bạn chơi sau giờ học, ăn uống, sinh hoạt như một thành viên của gia đình, chỉ về nhà khi mặt trời khuất bóng.

“Mai am” thu ba
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thảo đã coi gia đình Nhật là “mái ấm” thứ ba của mình. Ở đó, em có cảm giác được thương yêu, lo lắng, quan tâm… Những khi ấy, cha mẹ Thảo gần như không hề tìm kiếm đứa con chung của một thời hương lửa; cha thì nghĩ “Thảo chắc đang ở với mẹ” và ngược lại. Một ngày, mẹ Nhật không biết Thảo ở lại qua đêm, ngay trong phòng Nhật. Hai đứa đã bước qua giới hạn tình bạn để trở thành người tình. Sớm hôm sau, Nhật đưa người yêu về, giữa đường bị mẹ Thảo bắt gặp. Việc ầm ỉ lên, Nhật bị bắt vì lúc đó còn hai tháng nữa Thảo mới được 13 tuổi!
Hôm tòa xử Nhật tội hiếp dâm trẻ em, mẹ Nhật đã cố trình lên cho hội đồng xét xử lá đơn của Thảo. Đơn viết: “Hai đứa con yêu nhau nhiều lắm. Con chán nản vì sống với cha mẹ nên tự nguyện theo anh Nhật. Nếu không có ảnh động viên, con đã bỏ nhà đi lâu rồi vì không biết dựa dẫm vào ai. Nếu anh Nhật đi tù, con sẽ tự vẫn…”. Tất nhiên, bức tâm thư bộc phát của cô học sinh lớp Sáu không được xem xét bởi không có hiệu lực pháp lý. Nhưng, nó mang đến bao ngậm ngùi, xót xa.

Mái ấm không mong muốn

Chị được quyền nuôi con sau phán quyết ly hôn của tòa ba năm trước. Chị là giám đốc chi nhánh một ngân hàng, thu nhập cao nên đứa con trai bảy tuổi được chị cho theo học tại một trường quốc tế, đi - về có xe đưa rước của trường. Chị gần như không phải bận tâm đến việc học hành, các mối quan hệ của con vì mọi chuyện đều có… tiền giải quyết. Con ở trường, chị nhờ cô giáo K. “để ý” giúp đỡ, con về đến nhà thì đã có người giúp việc và hai gia sư. Tất cả họ là “mái ấm” thứ ba của con trai chị. Rồi chị có người yêu. An tâm con đã có người lo toan, chị khá thảnh thơi trong mối quan hệ mới. Hôm theo người tình ra Hà Nội gặp gỡ gia đình anh, sự bận bịu khiến chị quên mất cú điện thoại của cô K.: “Thằng bé có dấu hiệu tự kỷ, không giao du, kết bạn, học hành sa sút, thích ngồi một chỗ”, và cả dòng tin nhắn của gia sư: “Con trai chị vừa xé vở”… Chị về lại thành phố, hay tin con đang ở bệnh viện với cha. Mấy ngày qua, con chị phải nghỉ học để điều trị bệnh tự kỷ. Sau lần đó, chồng chị đề nghị thay đổi quyền trực tiếp nuôi con, chị vẫn một giọng: “Lương anh đủ lo cho anh chưa?”.

“Mai am” thu ba
 

Nhà trọ tôi ở có hai anh em ruột cùng là sinh viên mà đối xử với nhau như người dưng nước lã. Phòng trọ của họ được chia đôi bằng một bức rèm mỏng, hai người hai bếp, hai tivi, hai nồi cơm điện… Anh em mà cứ hai, ba ngày là hàng xóm lại nghe họ lời qua tiếng lại, xô xát nhau. Đó là kết quả từ cuộc ly hôn của cha mẹ cách nay đã 16 năm. Sau cuộc chia tay ấy, cha mẹ họ mỗi người sớm tạo dựng mái ấm riêng cho mình, hai con chung rẽ về hai hướng, đứa về ở với nội tận Vĩnh Long, đứa được mẹ gửi cho bà ngoại ở Khánh Hòa nuôi dưỡng.

Mái ấm chia tư. Những tưởng sự cách trở và hoàn cảnh đó sẽ khiến họ yêu thương nhau hơn khi cả hai đều lên thành phố học đại học, nhưng từ nhỏ đã sống xa nhau, lại ít liên lạc, cả hai đều có cá tính riêng, cái tôi riêng, sự hòa hợp gần như không có. Chỉ một điều duy nhất kéo họ lại gần nhau là nghèo và hai bên nội ngoại “bắt” phải ở chung nhau. Mới đây, người anh có việc làm thêm nên tuyên bố sẽ ra riêng, người em hớn hở cho biết sẽ rủ bạn về ở. Liệu đến bao giờ trong họ mới thức dậy mối thâm tình, máu mủ?

Ly hôn là chuyện của người lớn nhưng con trẻ lại là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, mất mát nhất. Sự thiệt thòi và hệ lụy càng cao khi mái ấm không dừng ở mức chia đôi.
 

NGÂN DU
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI