“Làng học”

05/11/2013 - 14:24

PNO - PN - Làng tôi nghèo, đất chỉ trồng lúa, không canh tác được các loại hoa màu khác để cải thiện, vì thế trăm sự nhờ vào hạt lúa. Những năm được mùa, bà con rất phấn khởi. Ngược lại, thiên tai bão lũ ập đến, họ trở thành kẻ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thời điểm đó, nhà nào cũng đông con, thiếu trước hụt sau. Dù vậy, người làng tôi rất trọng việc học, luôn tạo điều kiện cho con cái đến trường. Theo sự chỉ dạy của bố mẹ: học để mở mang kiến thức, có cơ hội thoát nghèo, chúng tôi đua nhau học tập, mặc cho sự thiếu thốn, trường thì xa, giao thông nông thôn còn nhiều trở ngại. Mới sáng sớm, trong làng đã dậy tiếng đọc bài của trẻ con, rồi tiếng í ới gọi nhau tới trường. Sau này nhiều người đỗ đạt, rời làng, vươn cao ở những miền đất mới. Bạn bè làng bên trân trọng gọi chúng tôi là “làng học”. Đó là niềm tự hào của người làng tôi, càng khích lệ thế hệ sau tiếp bước. Nhớ xưa, chúng tôi vừa học, vừa lao động giúp đỡ gia đình.

“Lang hoc”
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet (FB)

Tuổi thơ gắn liền với ruộng lúa, với đàn trâu, chỉ được vui chơi vào những dịp lễ cổ truyền như Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, vui Trung thu, hay hội làng; thỉnh thoảng được theo mẹ, theo chị xem những vở cải lương hay những bộ phim màn ảnh rộng được chiếu ở sân bãi. Chúng tôi đến trường bằng những bộ quần áo “đồng phục” thời tem phiếu, bằng ngòi bút lá tre chấm mực mùng tơi. Mọi sinh hoạt, học tập đều trông chờ vào đàn heo của mẹ và cả những vạt lúa non ngoài đồng. Ra đường, lúc nào cũng thấy ông bà, cha mẹ quần xắn ống cao ống thấp, chân lấm tay bùn, nhưng nụ cười thì luôn nở trên môi. Với họ, sự vất vả hôm nay nhằm mong mọi điều tốt đẹp cho con cháu trong tương lai. Vì thế, chúng tôi gắng sức học để thoát nghèo, dù hành trình đi tìm con chữ ngày ấy lắm gian nan.

Thế hệ ông bà, cha mẹ chúng tôi nay kẻ còn người mất. Người còn sống hay kể về làng với nhiều ký ức khó quên, lại khen cho đám trẻ thời nay giỏi giang, đã làm thay đổi bộ mặt xóm làng. Làng tôi nhà nào cũng có “ông cử, bà cử”. Có người ở lại xây dựng quê hương, có người thành đạt rồi lập nghiệp xứ người. Những dịp tụ tập, chúng tôi dẫn con cháu mình ra ruộng ra nương hít thở khí trời, kể về tuổi thơ của ông bà bố mẹ, về ngôi làng thân yêu vẫn còn đó cây đa, giếng nước, bờ ao. Lâu ngày về làng, thấy làng rộn rịp hơn, thay đổi nhiều hơn, ai cũng mừng ra mặt. Theo lệ làng, mỗi năm làng họp mặt con cháu một lần vào dịp cận Tết. Đây là thời điểm thích hợp để con cháu tề tựu, gặp gỡ, thăm hỏi, động viên nhau, ôn lại nét đẹp của văn hóa làng.

 Khánh Thi

Từ khóa Làng học
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI