Xin mẹ đừng khước từ!

20/12/2016 - 11:30

PNO - Từ một gia đình gương mẫu nổi tiếng, chúng tôi đã phải dự vài cuộc họp hòa giải của khu phố. Càng ngạc nhiên khi giờ đây anh Tư lại đệ đơn thưa kiện người em kế, người hoàn toàn không có tên trong di chúc.

Trước đây, đọc tin tức về những vụ người thân thưa kiện ra tòa vì tài sản thừa kế, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ rơi vào trường hợp như vậy. Nhưng giờ đây, chính tôi phải dự một phiên tòa do anh ruột của mình thưa kiện chị ruột mà tôi là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.

Theo di chúc do ba để lại có chữ ký của cả ba và mẹ tôi, khi nào hai người qua đời thì nhà cửa, đất đai sẽ để lại cho ba người con, hai trai và một gái. Người con gái duy nhất trong bốn người con gái được “chia phần” chính là tôi. Tôi ngạc nhiên và không lấy làm vui mừng vì mình được hưởng một phần tài sản, trong khi các chị thì không. Đều là con như nhau nhưng liệu có công bằng khi người có người không? Tôi càng ngạc nhiên khi anh Hai và các chị không hề phản ứng hay xin ba mẹ thay đổi di chúc. Mọi người vui lòng chấp nhận và tôn trọng tâm nguyện cuối cùng của ba.

Trong gia đình, ba là người nghiêm khắc, mọi lời nói của ba, con cái đều phải nghe theo. Ba dạy các con sống có trên có dưới, tự lực, không ỷ lại. Ba tôi giải thích việc chia phần nhà đất cho ông anh thứ tư nhiều hơn là vì anh này có vợ và con cái, vợ chồng anh sẽ có nhiệm vụ phụng dưỡng mẹ khi còn sống, lo cúng kiếng những dịp tết, giỗ... Phần nhà cửa của anh Tư là nhà từ đường, để con cháu sau này ở xa về có chỗ lưu trú và thắp nhang cho ông bà, tổ tiên.

Xin me dung khuoc tu!
Ảnh minh họa.

Mọi người vui vẻ tuân theo sự sắp đặt của ba. Nhưng chỉ sau khi ba mất vài năm, anh Tư đã yêu cầu mẹ tôi làm giấy tờ sang tên chủ quyền. Việc này trong gia đình không ai đồng ý vì mẹ vẫn còn sống, mọi người phải tôn trọng tâm nguyện của ba. Thế là những mâu thuẫn trong gia đình bắt đầu nảy sinh giữa anh Tư với tất cả anh em còn lại.

Từ một gia đình gương mẫu nổi tiếng trong phường, chúng tôi đã phải dự vài cuộc họp hòa giải của khu phố vì thưa kiện và gây mất trật tự. Càng ngạc nhiên khi giờ đây anh Tư lại đệ đơn thưa kiện người em kế, người hoàn toàn không có tên trong di chúc ra tòa vì “tranh giành di sản thừa kế”. Nhà vẫn còn là nhà chung do ba mẹ đứng tên nhưng anh Tư đã mặc định là nhà của mình và ngăn cản mọi người sử dụng dù di chúc chung chưa được thực hiện.

Để mau chóng nhận tài sản hợp pháp, với sự hướng dẫn nhiệt tình của luật sư, anh Tư đã bất chấp mọi thủ đoạn dụ dỗ mẹ lấy lại phần 50% của bà và bổ sung vào đơn đang thưa kiện. Buồn thay, những lời phân tích của các con không còn lọt vào tai của mẹ nữa.

Anh Tư đã âm thầm đưa mẹ đi mổ mắt hai lần dù mọi người trong gia đình không ai được thông báo vì sao phải mổ, mổ ở đâu khi người bị bệnh tim như mẹ phải rất cẩn thận với mổ xẻ. Ngày mẹ đặt stent (bệnh về tim mạch) lần thứ hai gần đây nhất ở Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Tư giấu nhẹm mọi thông tin về ngày giờ mổ, số phòng, sức khỏe... của mẹ. Dù chị em tôi nhiều lần nhờ người hỏi giúp nhưng vẫn bị từ chối cung cấp thông tin.

Ghê tởm hơn, người ta còn cài đặt chức năng chặn cuộc gọi của tôi trong điện thoại của mẹ để mẹ không biết mà trách tôi không gọi điện hỏi thăm, bỏ liều không quan tâm, lo lắng. Nhiều việc được sắp đặt để đẩy mẹ con tôi xa nhau mà có nói ra cũng không ai tin là do chính anh ruột của tôi làm. Anh Tư còn lén lút chở mẹ đi làm giấy cớ mất giấy chủ quyền để xin cấp mới, trong khi anh Tư biết rõ giấy tờ do anh Hai đang giữ. Còn bao nhiêu việc lén lút và bí mật khác mà chúng tôi hoàn toàn không được biết.

Nếu anh Tư vì vụ lợi cá nhân mà không còn tôn trọng tâm nguyện của ba, thì giờ đây, ở phiên tòa này, mẹ cũng đã phản bội ba để thay đổi di chúc thiêng liêng ấy - điều mà khi ba còn sống, cả mẹ và anh Tư không thể làm được. Với lý do ngoài người con thứ tư ra, con cái không ai quan tâm chăm sóc, thương yêu nên mẹ muốn thay đổi 50% phần của mẹ thì cũng đành chấp nhận, vì đó là quyền của mẹ theo pháp luật.

Nhưng chỉ mong trong lương tâm của mẹ còn giữ lại những hình ảnh con cái đã quan tâm chăm sóc như thế nào và bị mẹ khước từ như thế nào. Bây giờ, vì sự xúi giục của anh Tư mà mẹ nói bất hiếu, chúng tôi cũng đành chịu. Mẹ có nói sai hay đúng, chúng tôi cũng không trách mẹ vì trên đời chỉ có một mẹ mà thôi.

Không ai giúp mẹ xây dựng một cây cầu để nối lại hai bến bờ, nhưng giờ đây người ta đang dùng pháp luật để giúp mẹ xây dựng một bức tường ngăn cản con cái lại gần nhau. Một khi đã ra tòa thì tình cảm sẽ không còn. Của cải mất đi có thể tìm lại được nhưng tình anh em một khi đã mất đi thì…

Anh Tư có thể tính nhanh phần nhà đất được thừa hưởng là bao nhiêu mét vuông, trị giá bao nhiêu tỷ đồng, nhưng với tôi và các anh chị thì nó là vô giá, vì đó là sự hãnh diện được sống trong chính căn nhà do chính tay ba thiết kế và xây dựng nên từ 50 năm trước, là nơi “chứa” tuổi thơ đầy ắp tiếng cười của các anh chị em tôi trong sự yêu thương của ba mẹ. Tất cả chỉ là hoài niệm. Giờ đây nó sắp được phân chia chỉ vì lòng tham của một con người bất chấp cả đạo lý làm người.

Đêm nay, tôi ngồi hướng về phía căn phòng mẹ và viết những dòng này: “Cảm ơn mẹ đã sinh ra con. Mẹ hãy giữ gìn sức khỏe. Hiện tại mẹ như đang đóng một vai diễn do người ta phân vai là một người mẹ bị con cái bỏ rơi không chăm sóc để thay đổi 50% phần tài sản của mẹ một cách hợp lý. Xin đừng vì ai xúi giục mà phải tự xa lánh con cái, phải sống khép mình cô độc như vậy. Mấy ngày nay nhìn mẹ tự nấu ăn, tự giặt giũ, đóng cửa tắt đèn giả vờ ngủ sớm, sao tim con đau nhói. Con biết mẹ rất cô đơn và buồn. Cuộc sống có còn bao nhiêu ngày nữa. Bằng tuổi mẹ, người ta đang sống vui vẻ bên con cháu chứ không giống như mẹ. Hãy để con cái được tiếp tục chăm sóc mẹ. Xin đừng khước từ nữa!”.

Hoàng Nhung (Bà Rịa - Vũng Tàu)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI