WHO cảnh báo cơ hội chống lại COVID-19 đang thu hẹp

22/02/2020 - 12:32

PNO - Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại về số trường hợp nhiễm coronavirus không có liên kết rõ ràng với Trung Quốc và cảnh báo thời gian chống dịch đang “thu hẹp”.

Những bình luận của Tổng giám đốc WHO - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - theo sau thông báo của Iran về hai cái chết do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng của nước này lên 4.

Bác sĩ Tedros cho biết số ca mắc coronavirus bên ngoài Trung Quốc là "tương đối nhỏ" nhưng mô hình lây nhiễm rất đáng lo ngại: "Chúng tôi lo ngại về số lượng các trường hợp không có liên kết dịch tễ rõ ràng, chẳng hạn như lịch sử du lịch hoặc liên hệ với một trường hợp được xác nhận”.

Đồng thời, ông Tedros cảnh báo khoảng thời gian cơ hội để thế giới chống lại dịch bệnh đang “thu hẹp”.

COVID-19 bắt đầu phủ bóng đen lên các quốc gia vùng Trung Đông. Trong ảnh là các nhân viên y tế Iraq kiểm tra thân nhiệt hành khách đến từ Iran.
COVID-19 bắt đầu phủ bóng đen lên các quốc gia vùng Trung Đông. Trong ảnh là các nhân viên y tế Iraq kiểm tra thân nhiệt hành khách đến từ Iran.

Về vấn đề tại Iran, những cái chết và ca lây nhiễm mới theo WHO là rất “đáng quan ngại”, các quan chức y tế Iran cho biết virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể đã có mặt ở "tất cả các thành phố của Iran" với tổng cộng 18 trường hợp đã được xác nhận trong nước tính đến cuối ngày 21/2.

Lebanon báo cáo trường hợp được xác nhận đầu tiên - một phụ nữ 45 tuổi, được phát hiện khi cô đến Beirut từ Qom. Các Tiểu Vương quốc Ả Rập, Israel và Ai Cập cũng đã báo cáo các trường hợp nhiễm COVID-19.

WHO cho biết, cả Iran và Lebanon đều có khả năng cơ bản để phát hiện virus và WHO đã liên hệ với họ để hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, Tiến sĩ Tedros nói rằng tổ chức đang lo ngại về sự lây lan của virus ở các quốc gia có hệ thống y tế yếu.

Người dân Seoul đeo khẩu trang khi ra đường. Chỉ trong vài ngày, số trường hợp dương tính với COVID-19 tại Hàn Quốc đã vượt qua 340.
Người dân Seoul đeo khẩu trang khi ra đường. Chỉ trong vài ngày, số trường hợp dương tính với COVID-19 tại Hàn Quốc đã vượt qua 340.

Bên ngoài Trung Quốc, 1.152 trường hợp nhiễm virus đã được xác nhận tại 26 quốc gia và đã có 8 trường hợp tử vong.

Chúng bao gồm hai trường hợp tử vong ở Hàn Quốc, nơi có cụm trường hợp được xác nhận lớn nhất ngoài Trung Quốc và một tàu du lịch bị cách ly ở Nhật Bản. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) xác nhận thêm 142 trường hợp mắc COVID-19 tính đến 9 giờ sáng vào thứ Bảy (giờ địa phương), nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 346.

Hôm thứ Sáu 21/2, các bác sĩ ở Ý cho biết một người đàn ông 78 tuổi đã trở thành người đầu tiên ở nước này chết vì chủng coronavirus mới.

Cùng ngày, các nhà khoa học Trung Quốc đưa ra bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể lây lan bởi những bệnh nhân không thể hiện triệu chứng.

Theo báo cáo của Tiến sĩ Meiyun Wang thuộc Bệnh viện Nhân dân Đại học Trịnh Châu và các đồng nghiệp, một nữ bệnh nhân 20 tuổi đã đi từ Vũ Hán đến Anyang vào ngày 10/1 và thăm một số người thân.

Khi số họ hàng bắt đầu bị bệnh, các bác sĩ đã cách ly người phụ nữ để kiểm tra. Ban đầu, người phụ nữ trẻ âm tính với virus, nhưng xét nghiệm theo dõi lại trở thành dương tính.

Cả năm người thân của cô đều bị viêm phổi COVID-19, nhưng đến ngày 11/2, người phụ nữ trẻ vẫn không có bất kỳ triệu chứng nào, ảnh chụp CT ngực của cô vẫn bình thường và cô không bị sốt, triệu chứng dạ dày hoặc hô hấp, như ho hoặc đau họng.

Theo giới chuyên môn, nếu phát hiện được bệnh cảnh trên ở diện rộng, thì việc ngăn ngừa COVID-19 có thể đối mặt thách thức đáng quan tâm.

Các nhà khoa học Trung Quốc công bố một báo cáo đáng quan ngại trên Tạp chí của Hiệp hội y khoa Mỹ hôm 21/2, theo đó bệnh nhận nhiễm COVID-19 có thể lây truyền bệnh rất lâu trước khi biểu hiện triệu chứng.
Các nhà khoa học Trung Quốc công bố một báo cáo đáng quan ngại trên Tạp chí của Hiệp hội y khoa Mỹ hôm 21/2, theo đó bệnh nhận nhiễm COVID-19 có thể lây truyền bệnh rất lâu trước khi biểu hiện triệu chứng.

Hiện tại, dù số ca nhiễm coronavirus mới đang có chiều hướng giảm ở Trung Quốc, nhưng Zhao Jianping - người đang lãnh đạo một nhóm chuyên gia chống dịch tại tỉnh Hồ Bắc – nhận định: “Chúng ta không nên chủ quan. Con số có thể tăng trở lại".

Ông Zhao cho biết có những trường hợp bệnh nhân hồi phục nhưng vẫn cho thấy dấu vết của virus thông qua các xét nghiệm ở cấp độ di truyền nhân tế bào. Phát hiện này trùng khớp với cảnh báo của các nhà khoa học ở Canada, nơi mẫu xét nghiệm được lấy từ hai bệnh nhân đã hồi phục cho thấy họ vẫn còn dấu vết của virus.

Ông Zhao bình luận: "Điều này rất nguy hiểm. Bạn sẽ đặt những bệnh nhân này ở đâu? Bạn không thể để họ về nhà vì họ có thể lây bệnh cho người khác, nhưng bạn cũng không thể đưa họ vào bệnh viện vì các cơ sở đã quá tải”.

Tấn Vĩ (Theo BBC, reuters, news.com.au)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI