Những anh hùng nơi tuyến đầu chống COVID-19

21/02/2020 - 11:57

PNO - Hôm 18/2, Trung Quốc công bố kế hoạch truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho những y bác sĩ đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống COVID-19. Nhưng phải chăng chỉ đến khi mất đi, họ mới được nhớ đến?

Bộ Cựu chiến binh và Cục Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương Trung Quốc đề ra kế hoạch truy tặng danh hiệu liệt sĩ bao gồm những y bác sĩ đã chết khi thực hiện nhiệm vụ chống COVID-19. Tính đến ngày 14/2, hơn 1.700 nhân viên y tế đã bị nhiễm chủng coronavirus mới và 6 bác sĩ đã chết.

Các nhân viên y tế đang làm việc ngày đêm để bảo vệ đất nước khỏi dịch bệnh COVID-19 mà Trung Quốc đang đối mặt.
Các nhân viên y tế đang làm việc ngày đêm để bảo vệ đất nước khỏi dịch bệnh COVID-19 mà Trung Quốc đang đối mặt.

Người đầu tiên là bác sĩ Liang Wudong (62 tuổi) công tác tại Bệnh viện Hubei Xinhua, qua đời vì đau tim vào ngày 25/1. Ông là một trong những bác sĩ hưu trí (rời nhiệm sở vào tháng 3/2019) được yêu cầu quay lại làm việc trước tình trạng thiếu hụt nhân lực ứng phó với dịch bệnh khi thành phố Vũ Hán bắt đầu lệnh phong tỏa từ ngày 23/1.

Bác sĩ Liang Wudong (62 tuổi) qua đời vì cơn đau tim khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Bác sĩ Liang Wudong (62 tuổi) qua đời vì cơn đau tim khi đang thực hiện nhiệm vụ.

Các chuyên gia y tế làm việc quá sức phải đối mặt với những nguy hiểm bên cạnh coronavirus. Tương tự trường hợp của bác sĩ Liang, trang web Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc cũng cho biết một bác sĩ khác đang điều trị cho bệnh nhân ở Vũ Hán đã chết vì cơn đau tim. Dù vậy, đến nay vẫn không rõ liệu bác sĩ Jiang Jijun (51 tuổi) có nhiễm COVID-19 hay không.

Bác sĩ Jiang Jijun làm việc tại tỉnh Giang Tô trước khi được điều động đến hỗ trợ Vũ Hán.
Bác sĩ Jiang Jijun làm việc tại tỉnh Giang Tô trước khi được điều động đến hỗ trợ Vũ Hán

Tiếp đến, vào ngày 3/2, một bác sĩ trẻ tên Song Yingjie, 28 tuổi, là phó trưởng nhóm dược sĩ tại một trung tâm y tế ở quận Heng Sơn, tỉnh Hồ Nam được đồng nghiệp phát hiện đã chết trong phòng nghỉ sau 10 ngày làm việc tại nhóm kiểm tra đường cao tốc địa phương và phân phối vật tư y tế cho các đồng nghiệp.

Báo cáo ban đầu cho rằng bác sĩ Song đã chết vì ngừng tim đột ngột do kiệt sức và làm việc quá mức.

Bác sĩ Song Yingjie qua đời khi chỉ mới 28 tuổi.
Bác sĩ Song Yingjie qua đời khi chỉ mới 28 tuổi.

Dù vậy, sự hy sinh của lực lượng y tế chỉ bắt đầu thu hút sự quan tâm của công chúng khi Li Wenliang (Lý Văn Lượng, 34 tuổi) qua đời vì COVID-19 vào ngày 7/2. Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng nằm trong số 8 người bị cảnh sát ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, khiển trách vì phát tán thông tin "bất hợp pháp và sai sự thật".

Trong nhóm trò chuyện của các y sĩ trên phương tiện truyền thông xã hội, bác sĩ Lượng đã cảnh báo về một loại coronavirus mới "giống Hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS”, vốn đã giết chết gần 800 người trên khắp thế giới vào năm 2002-2003 sau khi bắt nguồn từ Trung Quốc.

Điều này khiến cảnh sát tức giận và bắt bác sĩ Lượng ký vào một biên bản ngày 3/1, nói rằng anh đã "phá vỡ trật tự xã hội nghiêm trọng" và hứa sẽ không tái phạm.

Từ cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người dân Trung Quốc yêu cầu chính quyền quan tâm nhiều hơn đến lực lượng y bác sĩ, đồng thời đòi hỏi quyền tự do thông tin và cho rằng cơ quan chức năng nợ bác sĩ Lượng một lời xin lỗi.
Từ cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người dân Trung Quốc yêu cầu chính quyền quan tâm nhiều hơn đến lực lượng y bác sĩ, đồng thời đòi hỏi quyền tự do thông tin và cho rằng cơ quan chức năng nợ bác sĩ Lượng một lời xin lỗi.

Dù vậy, chỉ một tháng sau đó, cái chết của anh trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho cả xã hội. Người dùng phương tiện truyền thông xã hội gọi bác sĩ Lý Văn Lượng là anh hùng, đồng thời chia sẻ bức ảnh do anh tự chụp lúc nằm trên giường bệnh, đeo mặt nạ oxy và giơ thẻ căn cước Trung Quốc, kèm theo thông điệp "vĩnh biệt Lý Văn Lượng".

Đến ngày 11/2, truyền thông Trung Quốc đưa tin bác sĩ Lin Zhengbin, giáo sư tại Bệnh viện Tongji (Đông Tế) ở thành phố Vũ Hán với 30 năm kinh nghiệm trong cấy ghép thận, đã qua đời vì COVID-19 trong chưa đầy một tháng nhiễm bệnh.

Một đồng nghiệp của ông Lin Zhengbin, bác sĩ Song Jianxin - trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Tongji, thổ lộ: “Ông ấy có sức khỏe tốt và không mắc bệnh gì, do đó không ai nghĩ tình trạng của ông ấy sẽ xấu đi và trở nên nguy kịch nhanh đến vậy”.

Bác sĩ Lin Zhengbin là một trong những chuyên gia đầu ngành tại Trung Quốc về ghép thận.
Bác sĩ Lin Zhengbin là một trong những chuyên gia đầu ngành tại Trung Quốc về ghép thận

Một ngày sau thông tin về cái chết của bác sĩ Lin Zhengbin, Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục đưa tin nữ bác sĩ Xu Hui, phó chủ nghiệm khoa y học cổ truyền Trung Quốc thuộc Bệnh viện Nam Kinh, đã qua đời ở tuổi 51 vào ngày 7/2 vì "đổ bệnh bất ngờ" và kiệt sức sau 18 ngày làm việc không ngừng nghỉ.

Trên trang Twitter của Thời báo Hoàn Cầu, nhiều người đã bày tỏ sự thương tiếc đối với sự ra đi của bác sĩ Xu. Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô vinh danh những đóng góp của bác sĩ Xu, ca ngợi bà là tấm gương cho các nhân viên y tế khác trong cuộc chiến chống COVID-19.

Một tài khoản khác trên Twitter bình luận sau cái chết của bác sĩ Xu Hui: Đáng lẽ bà ấy có thể còn sống và cứu được nhiều người hơn nữa,
Một tài khoản khác trên Twitter bình luận sau cái chết của bác sĩ Xu Hui: "Đáng lẽ bà ấy có thể còn sống và cứu được nhiều người hơn nữa"

Mới nhất, Lưu Chí Minh (51 tuổi) - Giám đốc Bệnh viện Vũ Xương, thành phố Vũ Hán - được xác nhận qua đời vì COVID-19 vào lúc 10g30 (giờ Trung Quốc) sáng ngày 18/2. Theo CCTV, sau những nỗ lực cứu chữa của đội ngũ y bác sĩ, bác sĩ Lưu Chí Minh vẫn không thể qua khỏi.

Bác sĩ Minh là giám đốc bệnh viện đầu tiên chết vì dịch bệnh COVID-19 tính đến thời điểm này tại Trung Quốc.

Thông tin về cái chết của bác sĩ Lưu Chí Minh khá mập mờ, xuất hiện đầu tiên từ tối ngày 17/2. Nhưng đến hơn 10 giờ sáng 18/2 mới chính thức được xác nhận.
Thông tin về cái chết của bác sĩ Lưu Chí Minh khá mập mờ, xuất hiện đầu tiên từ tối ngày 17/2. Nhưng đến hơn 10 giờ sáng 18/2 mới chính thức được xác nhận.

Tuy nhiên, vào chiều ngày 19/2, truyền thông Nhà nước Trung Quốc (China News) cho biết một trường hợp khác, bác sĩ Wang Ping – giám đốc bệnh viện số 8 Vũ Hán, hiện được điều trị tại bệnh viện Jinyintan tại thành phố, và đang trong tình trạng nguy kịch.

Một thông điệp lưu hành trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc vào sáng ngày 19/2 tuyên bố rằng các bác sĩ đang rất cần huyết tương từ những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh để cứu mạng bà Wang.

Dù vậy, cả Bệnh viện số 8 Vũ Hán lẫn Bệnh viện Jinyintan đều không đưa ra tuyên bố chính thức về tình trạng của bác sĩ Wang Ping.

Bác sĩ Wang Ping được cho là đang trong tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Wang Ping được cho là đang trong tình trạng nguy kịch

Tối 20/2, Cục Sức khỏe y tế Khu Giang Hạ, thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) tiếp tục thông báo bác sĩ Bành Ngân Hoa (Peng Yin Hua - 29 tuổi), là chuyên gia hô hấp và hồi sức tích  cực đã qua đời vào lúc 21 giờ 50 cùng ngày vì COVID-19 sau khi bị lây nhiễm lúc đang điều trị cho bệnh nhân ở bệnh viện tuyến đầu tại Vũ Hán.

Ban đầu bác sĩ Bành được đưa vào bệnh viện Nhân dân số 1 Vũ Hán vào ngày 25/1. Tuy nhiên tình hình của anh trở nên tồi tệ hơn vào ngày 30/1 nên được chuyển đến Bệnh viện JinYinTan và không may qua đời vào ngày 20/2/2020.

Vị bác sĩ trẻ đã lên kế hoạch kết hôn vào ngày 2/2 (mùng 8 tháng giêng âm lịch) nhưng hoãn đám cưới vì phải ra tuyến đầu chống dịch. Những tấm thiệp mời đám cưới vẫn còn trong ngăn kéo bàn làm việc của anh.

Bác sĩ Bành Ngân Hoa và hôn thê trong bộ ảnh cưới mà cả hai đã chụp trước khi anh tiến ra tuyến đầu chống dịch.
Bác sĩ Bành Ngân Hoa và hôn thê trong bộ ảnh cưới mà cả hai đã chụp trước khi anh tiến ra tuyến đầu chống dịch

Anh hứa với vị hôn thê: “Sau khi dịch bệnh kết thúc, chúng ta sẽ tiến hành lễ cưới”, và với sự động viên từ nửa kia, bác sĩ Bành đã kiên trì bám trụ sáng đêm với công việc, kể cả vào thời khắc giao thừa năm mới, cho đến khi ngã bệnh. Anh qua đời dù đã được truyền huyết thanh trị liệu từ những bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh.

Theo bài viết chia buồn trên mạng xã hội, người vợ chưa cưới của anh Bành Ngân Hoa đang mang thai.

Bác sĩ Bành đã được truyền huyết thanh từ những người đã khỏi bệnh nhưng vẫn không thể vượt qua ngưỡng cửa tử thần. Anh ra đi để lại người hôn thê và đứa con chưa chào đời.
Bác sĩ Bành đã được truyền huyết thanh từ những người đã khỏi bệnh nhưng vẫn không thể vượt qua ngưỡng cửa tử thần. Anh ra đi để lại người hôn thê và đứa con chưa chào đời.

Nhiều người dân cáo buộc các quan chức cố gắng che đậy cái chết của nhân viên y tế trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe. Các báo cáo về cái chết của bác sĩ Lưu Chí Minh ban đầu được đưa ra vào tối ngày 17/2, nhưng sau đó phải rút lại bởi các quan chức cho rằng nhân viên y tế vẫn đang cố gắng hồi sức cho ông.

Hiện tại, chính phủ Trung Quốc cung cấp khoản bồi thường khó khăn cho mỗi nhân viên y tế bị nhiễm coronavirus là 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng), trong khi gia đình của các bác sĩ đã qua đời sẽ nhận được 5.000 nhân dân tệ (hơn 16,5 triệu đồng). Mặt khác, con cái của các y bác sĩ phục vụ tuyến đầu tại tỉnh Hồ Bắc cũng sẽ được hưởng điểm cộng trong kỳ thi đại học, cao học.

Đáp lại, dư luận xã hội cho rằng những anh hùng thầm lặng này xứng đáng được tri ân và bảo vệ trước khi họ ngã xuống vì kiệt sức, hoặc nhiễm bệnh do thiếu trang thiết bị bảo hộ. Ngoài ra, số tiền bồi thường được cho là quá ít, mang tính biểu trưng và hạ thấp giá trị thực sự của những y bác sĩ; đồng thời chính sách cộng điểm tạo nên sự bất công khi chỉ áp dụng tại tỉnh Hồ Bắc.

Tấn Vĩ (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI