Về quê ăn Tết

31/01/2016 - 06:29

PNO - “Về quê ăn tết” chỉ bốn từ bình dị như sắn, như khoai nhưng gợi trong tâm tưởng của bao người một âm vang da diết.

Sau số báo này, báo Phụ Nữ Chủ nhật nghỉ Tết. Số báo Tân niên sẽ ra mắt bạn đọc vào ngày 21/2/2016. Xin trân trọng cảm ơn độc giả đã ủng hộ, đồng hành cùng chúng tôi suốt năm qua. Kính chúc quý bạn đọc một năm mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng. Mọi thông tin thời sự sẽ được tiếp tục cập nhật và chuyển tải trên phunuonline.com.vn.

Hà Nội đang trải qua đợt lạnh nhất trong vòng 40 năm qua. Lần đầu tiên Hà Nội có tuyết. Chỉ là tuyết rơi chứ không là bão tuyết như email của người bạn Mỹ. Tưởng rằng, chỉ là chuyện thời tiết xa xôi, không ngờ… bạn đâu có nói về thời tiết. Bạn đang nói về lòng mình.

Ve que an Tet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Thì đây, người bạn Huế vừa điện thoại bảo: mưa ở đây đang dầm dề, lạnh buốt. Bạn đang thấy lòng lạnh buốt đúng không? Tôi cũng nói về thời tiết, rằng vùng đất phương Nam vẫn có nắng. Nắng như sắc mai vàng đang khoe sắc thắm. Không có chút rét mướt nào nhưng trong lòng vẫn hiu hiu gió thoảng, bởi tâm hồn đang như sợi tơ chùng vì biết rằng tết đang đến từng ngày. Tết đang quay về theo gót thời gian lặng lẽ và nhanh chóng. Sắp tết rồi đó.

Tôi đi giang hồ từ năm mười sáu

Còn quay đầu nhìn lại Ngũ Hành Sơn

Lại nhớ đến câu thơ đã viết. Nhớ, vì đó là lúc tôi chuẩn bị quay về quê nhà Đà Nẵng. Ngày Tết, ai cũng có một quê nhà để về, không về được thì bứt rứt không nguôi. “Về quê ăn tết” chỉ bốn từ bình dị như sắn, như khoai nhưng gợi trong tâm tưởng của bao người một âm vang da diết.

Tết làm người ta bùi ngùi vì đây là dịp để hồi cố, để bày tỏ lòng biết ơn. Thật lạ, ông bà ta luôn dạy con cháu phải biết ơn những gì, những ai đã giúp mình dù ít, dù nhiều trong quá khứ. “Giã ơn cái cối, cái chày/ Nửa khuya giã gạo có mày có tao”.

Cứ nghe như một lời thủ thỉ tâm sự. Cái chày, cái cối kia không còn là vật vô tri vô giác, nó đã là người bạn của những lúc “tối lửa tắt đèn” có nhau. Xã hội Việt Nam thuở xưa sống bằng nghề nông, thường ngày “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” thì ngày tết “con trâu là đầu cơ nghiệp” cũng... ăn tết.

Bà ngoại tôi kể, ngày xưa ở Quảng Nam, chiều ba mươi tết là chuồng trâu, bò được dọn sạch sẽ và chúng được nghỉ xả hơi. Qua ngày mồng bốn, chúng được đưa ra đồng với cái lễ vui vẻ có cả bánh tét, bánh chưng hẳn hòi.

Sau khi khấn vái, người ta dán giấy vàng mã lên sừng trâu bò, con nghé thì được dán giữa trán - như lời cầu chúc cho chúng luôn khỏe mạnh, không ốm đau, không trở chứng xao nhãng công việc. Cúng xong, bánh trái ấy được phân phát cho đám trẻ mục đồng. Ấy cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn với gia súc đã quanh năm cùng gắn bó cùng mình “trên đồng cạn dưới đồng sâu”.

Mỗi lần tết đến, nhiều người lại nhớ những món ăn mẹ nấu thuở ấu thơ, nó luôn ám ảnh trong trí nhớ, ngọt bùi trong ký ức. Có thể sau này, khi lớn lên ta được ăn biết bao “món ngon vật lạ” trên đời nhưng cũng không thể sánh nổi... Bởi món ăn của ngày xa xưa ấy không chỉ có ý nghĩa vật chất mà nó còn cả tấm lòng, tình yêu thương vô bờ bến của mẹ.

Món ăn ngày tết, tôi thích nhất là thịt heo ngâm nước mắm. Không rõ, trong Nam ngoài Bắc có món này không? Là những miếng thịt heo thật ngon, đem luộc chín (nhưng chín đến mức độ nào là một “bí quyết” của người nội trợ tài hoa).

Sau đó, vớt ra chờ ráo nước, rồi đặt vào trong thẩu và đổ nước mắm vào. Điều khó nhất là phải pha chế nước mắm như thế nào cho “đúng điệu”? Cũng là một... “bí mật”! Dù thế nào đi nữa, nhưng chắc chắn phải là loại thượng hạng, cỡ như nước mắm Nam Ô thì mới... đúng “bài bản”!

Tôi đã lớn. Mẹ đã già. Tết, không còn được ai làm cho món ăn ấy nữa. Nghĩ lại, thấy bùi ngùi và thương tiếc năm tháng đã xa...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI