Vẫn kịp yêu thương

07/03/2014 - 08:00

PNO - PNO - Ngày cha mẹ tôi ra riêng, tôi tròn hai tuổi, ở lại với ông bà. Ông bà nội tôi có bốn người con trai và một người con gái. Chắc có lẽ vì thế nên tôi được thương yêu nhiều hơn vì là cháu gái đầu tiên.

edf40wrjww2tblPage:Content

Những năm học mẫu giáo, bà dắt tôi đi. Lớn hơn một chút, trong bài văn tả một người thân, tôi vẫn không quên kể những con đường đi học có bà đưa đón. Đường lầy lội và cơn mưa như trút, có dáng bà liêu xiêu che miếng mũ trắng- lấy từ trong bao phân bón lúa - đợi đón tôi về. Hai bà cháu cứ thế mà đi. Vậy mà con đường thật ấm cúng biết bao! Thời tôi học cấp một, nhà nghèo, quà bánh là điều xa xỉ, bà vẫn dành cho tôi những món ngon mà tôi không thể nào quên. Đó là chai nước ngọt có màu xanh và mùi thật nồng. Cái mùi nồng ấy tôi cảm nhận như cái mùi mồ hôi trên áo bà tôi mỗi khi cõng tôi trên lưng. Nó làm cho tôi cảm thấy thật dễ chịu.

Nhà có chiếc xe đạp không có vè, không thắng, hai bà cháu tôi đã thay phiên nhau đạp để đi thăm chú tôi dạy học cách đó gần 20 cây số. Cái nắng gay gắt trưa hè không làm bà nao núng bởi vì biết rằng mình sẽ được gặp con. Bài học về tình yêu và sức mạnh - của người mẹ- tôi đã được học rất sớm từ lúc ấy. Bà dẫn tôi đi theo hầu như tất cả những nơi bà đến, và có cả những nơi mà bà bán từng lọ mắm nêm nhỏ để giúp- đỡ- thằng- con- trai- vất- vả - của mình.

Có khi, cả tháng trời bà đi mót lúa ở xa, tôi ở nhà với ông ăn cơm gạo đỏ, nước mắt lưng tròng mong nhớ không biết bao giờ bà mới về. Giữa khuya nào, bà cũng lục đục đi xuống chòi để cắt bầu cắt bí kịp đem ra chợ bỏ mối cho bạn hàng buổi sớm. Có bận mệt mỏi trong giấc ngủ lơ mơ thì một ông điên đến hét vô lỗ tai làm bà hoảng vía. Cái sợ của người phụ nữ tảo tần khi ấy đã biến thành câu chuyện dí dỏm cho tôi nghe trước khi tôi ngủ. Có những đêm, tôi giật mình tỉnh giấc với bao nỗi sợ hãi, lo lắng cho bà. Tôi ước mình lớn thật nhanh để có thể giúp bà.

Van kip yeu thuong

Bà Hà Lệ Hoa, bà nội của tác giả, nhân vật trong bài

Mười tám tuổi, tôi thật hạnh phúc khi vẫn có bà ở cạnh bên. Trên con đường đá đỏ ngày nào, giờ bà đi trước dẫn xe, tôi đi sau vịn bao gạo. Bà lại đưa tôi đi trên con đường tương lai rộng mở. Tôi học đại học. Thỉnh thoảng hai tuần bà lại lên thăm. Đường sá không rành nhưng bằng lòng thương cháu vô bờ bến, bà đã không quản ngại xa xôi để đem cho tôi những thứ mà đứa sinh viên xa nhà, ăn uống tằn tiện rất thèm khát. Những trái cà chua, dưa leo, hột gà, hột vịt, mấy trái dừa xiêm…và mấy chục ngàn tiền ông mới bán gà gửi bà đem lên cho tôi. Tôi ao ước mình có thể hoá cánh chim đại bàng ngay tức khắc, bay giữa cuộc đời vẫy vùng để làm được những điều lớn lao. Ý nghĩ ấy tuy nhiều mơ mộng và bay bổng nhưng nó thôi thúc tôi học hành chăm chỉ, cố gắng cho kịp và xứng đáng với sự chờ mong của bà. Nhất là kịp để yêu thương và chăm sóc, kịp để bù đắp những ngày vất vả mà bà đã trải qua.

Tôi ba mươi ba tuổi, và bà bảy mươi bảy. Bà tôi mắt không còn níu lâu ánh sáng. Tôi giận mình bất lực. Nhưng tôi vẫn cám ơn cuộc đời đã cho bà ở bên tôi đến lúc này. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi thấy bà mái tóc đã bạc phơ vẫn vui đùa cùng con tôi. Nụ cười ấy theo thời gian đã hao mòn nhiều lắm nhưng ở bà vẫn toát lên nghị lực sống và đức hi sinh vô bờ của người mẹ thương con, người bà thương cháu. Hơn bảy mươi nhưng ngày nào bà cũng đạp xe đạp xuống thăm cha mẹ tôi và các cháu. Ngần ấy tuổi đã đủ cho bà thấm thía bao mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi, vậy mà bà vẫn lo lắng từng đêm cho cha tôi trong công việc đồng áng hằng ngày. Thấy cha tôi hái dưa leo không kịp buổi sáng để giao cho bạn hàng, bà lụi hụi đẩy xe cút kít mang dưa từ ruộng vào nhà phụ cha tôi: “Tội nghiệp nó! Cầu trời cho nó mau lấy vốn. Còn dưa đèo để má bán phụ cho con!” Câu nói này gần hai mươi năm trước tôi đã nghe rồi. Bây giờ nghe lại vẫn thấy tươi mới tình cảm của bà dành cho con cháu.

Ngày mai, bạn sẽ được lên một chức vụ cao hơn? Ngày tới, bạn sẽ giàu có hơn? …Còn tôi, ngày sau tôi có được làm bà nội, tôi sẽ dành cho con cháu mình những tình yêu và sự hi sinh lớn lao như bà nội đã dành cho tôi. Và ngàn ngày sau nữa, tôi mong ước một điều ước nhỏ nhoi thôi là được nghe tiếng trả lời thân thương của bà “Cha mày!” mỗi khi đi xa về, tôi gọi: “Nội ơi!”.

 HÀ VÂN


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI