Ước mơ của con bạn màu gì?

09/09/2022 - 12:58

PNO - Cứ đến mùa Trung thu, một số khu vui chơi, trung tâm thương mại lại dựng lên những cây ước mơ để các em nhỏ viết ra điều mong ước.

 

Con mong ba trở về với gia đình" 

Bạn có nhớ những ước mơ đầu tiên của con không? Chúng có màu xanh của những chuyến phiêu lưu trong rừng thẳm hay màu cánh buồm đỏ thắm trên mặt đại dương? Chúng buồn cười kiểu “ước mơ ăn” với 100 cái bánh nướng hay kiểu mộng tưởng xa xôi như ngồi gốc cây đa cung trăng cùng chú Cuội…

Và, có khi nào con bạn mơ ước trúng Vietlott hay vấp phải bịch kim cương?

Vào mùa Trung thu hằng năm, một số nơi thường dựng lên những cây ước mơ để các em nhỏ viết ra điều mong ước. Nhiều cặp cha mẹ đã ngồi xuống, kiên nhẫn động viên con chia sẻ khát khao của mình. Trái với câu cửa miệng người lớn hay nói với nhau: "Con nhà này chẳng thích gì", “Tụi nhà mình có thiếu gì đâu", có những ước mơ của con đã khiến cha mẹ bật ngửa vì ngạc nhiên.

Tại một trung tâm thương mại nọ, vào mùa này, giữa sảnh mọc lên một cây ước mơ. Tôi đã tò mò đọc đi đọc lại hàng trăm điều ước treo trên đó. Đa số ước mơ là của trẻ tuổi tiểu học. Chúng rất dễ thương: muốn đi Phú Quốc, muốn có đồ chơi, muốn mua hàng giảm giá, muốn có đôi giày đẹp, muốn đi Mỹ gặp chị J. thần tượng…

Cạnh đó, cũng có những dòng chữ buồn bã như: “Mong bà nội đừng bệnh, bà sống mãi với tụi con nha”, “Ước gì ba mẹ tôi đủ tiền mua nhà” hay dòng viết nhói lòng: “Con mong ba trở về với gia đình”, “Ước bố K. quay lại Việt Nam với mẹ”…

Có những đứa bé chưa biết viết chữ, vẽ ra con thú cưng thay cho ước mơ hồn nhiên nào đó. Bức vẽ nguệch ngoạc, thật khó đoán món đó có ý nghĩa gì.

Cũng chẳng sao, tác giả biết điều mình muốn và gửi nó đi, có nghĩa trẻ sẽ dọn mình ngoan hơn, giỏi hơn và kiên nhẫn chờ điều ước thành hiện thực.

Những dòng chữ “gà bới” hay nắn nót trên tấm thẻ ước mơ luôn để lại cho người lớn nhiều cảm xúc. Các vị khách dừng đọc khá đông. Có lẽ họ muốn biết tâm tư bọn trẻ, để từ đó đoán ra thế giới nội tâm của đứa trẻ nhà mình. 

Con chỉ mơ nhiều tiền 

Hồi ở độ tuổi tiểu học, con trai tôi rất hào hứng với hoạt động “gửi điều ước lên vũ trụ”. Tôi nhớ gần hết những ước mơ của con, dù chúng thay đổi xoành xoạch: là nhà thám hiểm, là ca sĩ nhạc rock, là nhà khoa học… Vì mê sách, có lúc cậu chàng ước đọc được tất cả cuốn sách hay trên đời. Tới cuối cấp II, con ước mơ làm người điều khiển đài không lưu. Hỏi ra mới biết không phải con thích nghề ấy do nhà tôi gần sân bay. Con giải thích: “Chính mẹ nói nghề ấy lương cao, nhiều tiền nhất mà!”.

Có dịp họp nhóm phụ huynh học sinh cấp II, III, chúng tôi hay hỏi nhau việc hướng nghiệp. Bàn về nghề nghiệp thì không thể bỏ qua ước mơ của bọn trẻ.

Nếu mỗi người đều được làm công việc họ mong ước và đam mê, thế giới này có lẽ sẽ bớt đi bao nhiêu buồn phiền, khổ sở. Tuy nhiên hầu hết phụ huynh, bất kể giàu hay nghèo, đều thở dài: "Có con ai như tôi không? Tôi không biết con thích gì luôn. Nó chỉ có mục tiêu kiếm nhiều tiền". Có phải ước mơ của đám trẻ lớn bây giờ chỉ là nhiều tiền? Tiền choán hết tâm trí và mong ước, vậy thì điều ấy có hại không?

Con tôi rõ ràng từng là cậu bé hiền lành và mơ mộng. Lớp Năm, bé vẫn chưa biết tiêu tiền và tin ông già Noël, tin vào thần tiên, ông Bụt. Buổi tối trên sân thượng, con thường nhìn lên trời sao. Buổi chiều mẹ chở về từ trường, con mải ngắm những đám mây và tưởng tượng ra những hình thù đẹp đẽ. Bây giờ, trước ngưỡng cửa đại học, con vẫn chưa biết mình thích gì, muốn gì, ngoài ước mong nhiều tiền “nuôi” từ thời cuối cấp II.

Tôi nghĩ, có lẽ thế giới trẻ sống bây giờ khác thời chúng ta nhiều quá. Khi bạn bè mỗi ngày nhắc quá nhiều tới thẻ tín dụng và hàng hiệu, thật khó để một đứa trẻ tiếp tục mộng mơ hay dựng xây lý tưởng. Nếu có, chúng sẽ trở nên lạc lõng, bị chê cười. Chưa kể, đầy ắp mạng xã hội và báo chí là các xu hướng tiêu dùng, các quan điểm sống chuộng vật chất. Giấc mơ nhiều tiền nảy mầm và lớn dần trong lòng những đứa trẻ. Chúng có cảm giác tiền giải quyết tất cả, nhiều tiền sẽ xinh đẹp, tiền nhiều sẽ hạnh phúc, kiếm được nhiều tiền mới là giỏi giang, thành công… Thế nhưng, suy cho cùng, mong ước nhiều tiền cũng là mong ước có phương tiện tốt cho những mục đích tốt đẹp và xét ở góc độ nào đó, bọn trẻ bây giờ khôn ngoan hơn chúng ta khá nhiều.

Chị bạn tôi có đứa con gái học lớp 11 từng than: “Ước mơ của con là gì hả? Mình chịu, nó giấu biệt, không ai có thể hỏi han hay khảo tra. Thà rằng nó mơ ước đi xe hơi, ở biệt thự, sở hữu hột xoàn thì cũng tốt, vì còn biết đường mà lần…”. Thế rồi một ngày đẹp trời, chị té ngửa khi đọc trộm tin con nhắn cho người bạn, rằng ước mơ lớn nhất của con là được thoát ra khỏi nhà để sống thật, không phải kìm nén, giả tạo như người lớn trong gia đình.

"Mộng mơ nhiều như niêu cơm Thạch Sanh"

Con gái út của tôi năm nay tám tuổi, trong một buổi đi chơi đã nắn nót viết điều ước và cật lực che những con mắt tò mò của tôi và người xung quanh.

Con nói rằng thật “kỳ” khi tò mò về điều ước của người khác, đó là thứ càng cất kín, càng mau đạt được. Con viết xong điều ước thứ nhất cho bản thân rồi xin thêm tờ thẻ thứ hai để viết thêm điều ước cho ba mẹ. Một em bé khác thì xin tới mấy tờ để viết chi chít những dòng ước. Có em bé còn lanh hơn, viết gọn rằng: “Con ước có thật nhiều điều ước”.

“Mộng mơ anh nhiều như niêu cơm của Thạch Sanh” - nhìn những chùm thẻ ước mơ đung đưa lung linh, tôi nhớ tới câu hát trên của nghệ sĩ Đen Vâu.

Treo trên những cành cao nhất, có kiểu chữ cứng cáp, thẻ ước mơ của người lớn thường ghi mong cầu sức khỏe cho gia đình, sự bình an cho bản thân.

Ước mơ của người trưởng thành không phong phú như trẻ nhỏ nhưng tuyệt nhiên không dòng nào đề cập tới vật chất.

Có lẽ sống tới một độ tuổi nào đó, người ta sẽ hiểu tiền của vẫn quan trọng nhưng nó không phải thứ hàng đầu để khát khao như sức khỏe, sự bình an, niềm vui, tình thâm, sự đoàn tụ…

Cây ước mơ ở trung tâm thương mại mùa Trung thu này mỗi ngày thêm dày những tấm thẻ màu đỏ. Vẫn có những điều ước “được gặp chú Cuội, chị Hằng” nhắc rằng thế giới vẫn luôn đẹp tươi khi con người biết sống cùng mơ ước. 

Nếu vì lý do gì mà ai đó mất niềm tin, không có ước mơ thì đời sống chắc hẳn buồn lắm. Thôi thì cứ giúp mỗi đứa trẻ của chúng ta tin rằng cuộc sống này cất giấu rất nhiều phép màu và ai cũng có cơ hội được chia những phép màu ấy. 

Minh Lê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI