Tự lập lần hai

21/03/2013 - 16:26

PNO - “Một hôm, con gái tôi ở nhà riêng về thăm bố mẹ. Nó vào phòng tôi la ầm lên: “Trời ơi, toàn kiến lửa…Má ơi, má ăn chén chè sao không chịu rửa đi, ghê quá, kiến chui vô quần áo cắn má chết”.

Tiện thể, nó lên lớp luôn một bài về…sống sạch: “Nói ba má về ở chung với tụi con, thì không chịu, sợ mất tự do, mà ba má ở vậy là thấy không ổn, phải tự lo được cho mình, tụi con mới yên tâm chứ” - Một bà khá già, khá mập đang tâm sự với người bạn đang cùng đi bộ với mình, giọng lẫy bà nói tiếp: “Con cái gì mà toàn “dạy” bố mẹ phải làm thế này, thế kia…Nhà cửa của mình làm ra, mà nó cứ phê bình sao giống nhà kho, cái gì cũ cũng cất, cũng nhét vào góc, cho đầy nhà, lấy đâu không khí mà sống”.

Tu lap lan hai
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Thôi, bà ơi - người bạn đồng hành tỏ ra rất thông cảm - con trai tui cũng vậy, nó ở chung với tôi, trong bữa ăn thỉnh thoảng nó lại nói: “Nhà mình ai cũng phải tự lập hết nghen. Ai ở đây bao gồm cả thằng cháu nội mới 4 tuổi phải tự ăn, tự mặc quần áo và lẫn ông bà nội luôn phải tự lo sức khỏe của mình. Nó khen thằng cu tự xúc ăn cơm được, nó cũng khen ông bà tự giác đi tập thể dục. Nhưng đôi khi nó phê bình ông nhà tui quên uống thuốc tiểu đường, không chịu ăn uống đúng cách nào, có nghĩa là tự lập, tự lo kém, thiếu ý thức bảo vệ và yêu quý bản thân. Còn tui thì bị nó nhắc, má phải ăn cho đầy đủ, má cứ lo nấu ăn mà quên ăn, hôm nào tụi con về trễ, má khỏi chờ, để quá bữa, làm sao ăn ngon được”.

Hai bà bạn cùng nhìn nhận: Sao thấy mình giống như…con của con mình. Những gì mình nói với nó lúc nó còn nhỏ, giờ nó nói lại y chang với mình. Thì hồi nó nhỏ mình che chở nó, kiếm tiền nuôi nó, nhưng cũng yêu cầu nó tự lập: phải lo học, biết chọn bạn, phải chơi thể thao…bây giờ, nó che chở mình, nó cho tiền, cũng bảo bố mẹ phải tự lo sống …”Tụi con cái nó nói đúng đó bà ơi, mình già, ở trong nhà sợ buồn, thì ra đường tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh, hội thơ, thậm chí khiêu vũ cũng được…tự mình phải tìm niềm vui cho mình mới sống vui, sống khỏe, sống có ích”.

Mới năm ngoái, bà Hoàng Thị Trúc ( phường 5, Gò Vấp, cứ mỗi năm đến Tết là man mác… buồn, vì cứ xong mồng Một là vợ chồng con cái thằng con trai kéo nhau đi về ngoại, rồi đi du lịch nước ngoài gần hết tháng Giêng. Bà cứ trong héo ngoài tươi, giả vờ vui để con yên tâm lên đường. Ông xã bà mất, bà một mình nuôi con từ lúc thằng con mới lên 10. Nó lấy vợ, có con, nên bà không còn độc quyền hưởng trọn tình thương và trách nhiệm, nghĩa vụ của con trai. Bà cứ trách nó chỉ biết đưa tiền cho mẹ, quên hết sở thích của mẹ, ít nói chuyện thân tình với mẹ…Nói chung, là con bà chỉ quan tâm đến mẹ về mặt vật chất, mà coi nhẹ mặt tinh thần.

Một lần, bà bạn hàng xóm rủ bà đi du lịch tận miền Bắc. Con trai, con dâu bà ủng hộ nhiệt liệt, chuẩn bị chu đáo, sắp xếp quần áo cho mẹ. Sau chuyến đi đó, gặp được nhiều bạn bè cùng trang lứa, bà vỡ ra một điều: Mình hoàn toàn có thể tự tìm niềm vui cho mình, chỉ cần ra khỏi nhà là vui rồi. Bà thay đổi hẳn nếp sinh hoạt, đọc báo, xem tivi để biết tin tức (có đề tài nói chuyện với bạn). Con trai bà tặng mẹ cái laptop, để mẹ “meo” qua “meo” lại với bạn. Rồi tự nhiên, bà phát hiện mình có năng khiến… vẽ. Vậy là bà đi học, trong lớp cũng không ít người già. Bây giờ, bà bận lắm, không còn thời gian rảnh để buồn, để trách “Sao không ai lo cho tui”.

Tu lap lan hai
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Người già còn mắc bệnh…sợ đủ thứ. Lúc đi làm sợ đã đành, sợ sếp la, sợ làm không hết việc, đến khi về hưu, lại sợ… nghỉ ngơi, nên phải đi kiếm chuyện làm. Đi làm mệt, bệnh, lại bị con nó la um sùm. Đấy là “hoàn cảnh” của bà Trương Thị Minh ( phường 21, quận Bình Thạnh). Dưới mắt của con, bà thật yếu đuối, cần phải học cách “nâng cao sức mạnh tinh thần”. Con trai bà hay nói: “Mẹ ở nhà, có lương hưu, thêm tiền của con cho, đủ sống, đi làm chỉ cho vui, mà bị bệnh thì làm sao vui nổi. Mẹ cứ đi tập yoga, làm thơ, còn đưa đón cháu đi học, thì còn đâu thời gian mà…buồn”. Bà kết luận: “Bây giờ, thì cha mẹ phải nghe lời con, bởi vì bệnh xuống, con cái bận công chuyện, lo không nổi". 

Dẫu biết “Bé cậy cha, già cậy con”, nhưng cậy không có nghĩa là ỷ lại, là lệ thuộc, vậy mới có thể thoải mái tinh thần.

Theo Tuổi Trẻ Cười

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI