Trẻ tai nạn do cha mẹ lơ là: Sợi dây chủ quan rút mãi không hết

27/12/2020 - 15:00

PNO - Trong clip trẻ bị kẹt thang cuốn hội phụ huynh chia sẻ, giữa những tiếng la hét cầu cứu của người lớn là tiếng khóc hoảng loạn của đứa bé. Tôi ám ảnh với tiếng thét ấy của bé.

Mấy hôm nay, nhiều người chia sẻ đoạn clip bé gái bị thang máy cuốn tay tại một siêu thị được cho là ở Đà Lạt.

Tôi không đủ dũng cảm xem hết clip, vì thấy gan ruột mình cồn cào khi giữa những tiếng la hét cầu cứu của người lớn là tiếng khóc trong hoảng loạn của đứa trẻ. Tiếng thét của bé làm tôi ám ảnh.

Hình ảnh em bé bị cuốn tay trong thang máy tại siêu thị được cho là ở Việt Nam (Ảnh internet)
Hình ảnh em bé bị cuốn tay trong thang máy tại siêu thị tại Đà Lạt (Ảnh internet)

Chuyện trẻ em gặp sự cố ở thang cuốn, thang máy không mới, khi đâu đó tại một siêu thị nọ, khách sạn kia hay khu vui chơi nào đó lại xôn xao chuyện đáng tiếc đau lòng. Ai cũng biết rằng, lỗi không phải ở con trẻ mà ở sự bất cẩn của người lớn, đặt biệt là cha mẹ ông bà đi cùng các cháu. 

Hậu quả có thể là thương tật để lại trên cơ thể con, hay nỗi ám ảnh khó phai khi bị kẻ xấu hành hung, kẻ gian bắt cóc. Đau lòng hơn nữa là các vụ tai nạn từ nhà cao tầng, người mẹ vĩnh viễn mất con vì suy nghĩ: “Con ở nhà một chút xíu, mẹ chạy xuống dưới chung cư mua rau rồi về ngay”. Chỉ đến khi nghe tin báo có tai nạn, người mẹ chạy tới, chết trân nhìn con nằm bất động.

Nhiều ông bố bà mẹ sống suốt phần sau của cuộc đời với hai chữ “giá như” đầy đau đớn: “Giá như hôm ấy tôi đội mũ bảo hiểm cho con thì đâu đến nỗi bị xe tông mà chấn thương sọ não”, “giá như bố đừng ôm điện thoại để con không bỏng nồi canh”, “giá như mẹ rút chìa khóa xe máy trước khi xuống thì làm sao có cảnh con trẻ cùng chiếc xe lao thẳng vào cánh cổng ”…

Nhiều lắm những cái nhắm mắt, lắc đầu của những bậc làm cha làm mẹ khi sự thể đã rồi. Nhiều người muốn một cơ hội để sửa chữa, nhưng quá muộn. Có người cha 30 năm nay vẫn ở lại nước Nga, mong một lần được gặp lại đứa con gái mất tích trên bãi biển. Vì bận bảo vệ luận án, vợ chồng anh đã gửi con sang nhà bạn. Ngày nắng đẹp trên bãi biển, cũng là ngày vợ chồng anh vứt hết sự nghiệp khi biết tin con mình bị bắt cóc. Chỉ qua một đêm, người cha tội nghiệp đã bạc trắng mái đầu. 

Không còn tâm trí để làm gì, họ đi từng hang cùng ngõ hẻm với tấm ảnh của con gái trên tay, vậy mà vẫn bặt vô âm tín. Kể từ đó họ chưa về Việt Nam bởi vẫn còn nuôi hy vọng “biết đâu con bé còn sống và đang đi tìm mình”.

Sự bất cẩn đến từ thái độ chủ quan, ham công tiếc việc hay đơn giản chỉ một giây mất tập trung hoặc bị ức chế tâm lý của người lớn. Một tích tắc chẳng đáng mấy thời gian, nhưng nỗi đau và sự dằn vặt  lại mang theo suốt cuộc đời.

Có những nguy hiểm với con nhỏ mà cha mẹ không lường hết được (Ảnh minh họa)
Có những nguy hiểm với con nhỏ mà cha mẹ không lường hết được (Ảnh minh họa)

Bệnh chủ quan còn đến từ sự thiếu hiểu biết. Chị Trang ở Thái Nguyên ân hận khi nhìn con trai 2 tháng tuổi phải tháo ngón tay cái vì mang bao tay quá chặt. Cháu bé 5 tháng tuổi ở Trà Vinh bị sặc đến tím tái khi người mẹ trẻ bón cơm nhai. Anh thanh niên 25 tuổi ở Nghệ An mất khả năng sinh con vì lúc nhỏ anh mắc bệnh quai bị mà mẹ và bà ngoại chỉ cho uống mấy bài thuốc lá.

Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sinh ra lành lặn, khỏe mạnh và bình an. Nhưng lơ là trước con là tội lỗi, mà ôm con khư khư trong vòng tay quá cũng mệt, cũng căng thẳng.

Chị họ tôi không dám cho con ra ngoài vì sợ gió, sợ nắng, sợ xe cộ chạy qua chạy lại. Thành ra, em tôi suốt ngày ru rú từ nhà trong ra nhà ngoài. Đi học, em nhút nhát hơn đám bạn, ai nói gì cũng tin, nên thường xuyên bị bạn bè chọc phá, doạ nạt... Nhiều khi nhìn em thèm đi chơi cùng bạn bè, tôi thấy ái ngại. Sự cẩn thận quá mức của người mẹ đã o bế con trong nỗi sợ hãi vô hình.

Giành thời gian để chơi cùng con, dõi theo từng bước chân con trưởng thành là điều mà cha mẹ nào cũng nên làm để khỏi phải ân hận (Ảnh minh họa)
Dành thời gian để chơi cùng con, dõi theo từng bước chân con trưởng thành là điều mà cha mẹ nào cũng nên làm để khỏi phải ân hận (Ảnh minh họa)

Làm sao để tốt nhất cho con, để con được vui chơi, thoải mái phát triển tinh thần và vận động, mà vẫn trong vòng an toàn? Bài học nhãn tiền thì nhiều, kinh nghiệm chia sẻ cũng đã không ít, nhưng cân đối và linh hoạt thế nào để không bảo bọc trẻ quá mức và cũng không thả con vào nguy hiểm, có lẽ mỗi người sẽ phải tuỳ hoàn cảnh, tuỳ cá tính của trẻ và điều kiện của môi trường sống để xác lập.

Chỉ biết, trên hành trình giúp con lớn lên, dạy con tự chủ và trang bị cho con kỹ năng sống, việc dõi mắt theo, giám sát, hướng dẫn con của phụ huynh là bắt buộc. Đừng để sợi dây chủ quan rút miệt mài mà không hết...

Lâm Hoàng

                                            

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI