Trẻ con làm sao biết 'giữ thân'?

19/04/2017 - 12:10

PNO - “Mày phải biết giữ thân, ngu thì ráng chịu nghen con!” - đó là lời dạy phổ biến, là cách thức phòng chống xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE)… gọn nhẹ nhất mà nhiều bậc cha mẹ áp dụng.

Nhưng đó cũng là cách thức bất lực và nguy hại nhất, bởi nếu không may gặp chuyện con trẻ sẽ chẳng dám hé răng vì sợ những lời phủ đầu của cha mẹ: ngu, hư hèn, học đòi…

Thử hỏi, con “giữ thân” có dễ không khi cha mẹ đi làm, nhốt con trong nhà và gửi chìa khóa cho người quen; khi ban ngày mẹ đi làm, dượng ở nhà vừa vá sửa xe vừa “trông chừng” con? Trong nhiều trường hợp, chính cha mẹ đã “giao trứng cho ác”, không đề phòng những mối nguy đang rình rập con mình.

Tre con lam sao biet 'giu than'?
Luật sư Bích Liên (bìa phải), bác sĩ Quỳnh Trang (giữa) trao đổi với phụ huynh trong buổi nói chuyện Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

“Nó nói lung tung, nó khùng rồi bác sĩ!”

Những đứa trẻ câm lặng và cả những đứa trẻ đã nói ra nhưng không được người lớn tin - đó là rào cản đầu tiên khiến tội ác không bị vạch mặt.

Trong buổi nói chuyện chuyên đề Phòng, chống XHTDTE do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức ngày 9/4, bác sĩ (BS) Hoàng Vũ Quỳnh Trang (BS nhi khoa phát triển hành vi, Khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 1) kể lại những ca chị từng can thiệp, mà nỗi đau còn hiện rõ trên gương mặt chị. “Nó khùng rồi BS, nó cứ nói lung tung, nói ba ruột nó làm chuyện đồi bại đó với nó… Nó khùng rồi BS!” - người mẹ đưa con đến khám mà cứ khăng khăng rủa con như thế.

Vậy thì ai là người cảm nhận và chia sẻ được nỗi đau trong lòng đứa trẻ? Cha đi nhậu về hôi hám, mẹ muốn tránh gần gũi nên bắt con gái vào ngủ chung với cha. Vô tình con gái thành vật thế thân cho mẹ. 

Chuyện xấu xảy ra, người tố giác sẽ là ai? Tất nhiên không phải cha bé vì ông ta là thủ phạm. Cũng không phải bé vì bé không đủ hiểu biết và sức mạnh. Chỉ còn người mẹ nhưng mẹ lại không dám đối diện với sự thật, nên hướng vấn đề vào việc “chữa khùng” cho con.

Người BS thấy rõ đứa bé cần được pháp luật và các tổ chức xã hội bảo vệ, và biết mình hoàn toàn có quyền lên tiếng, tố giác sự việc thay đứa bé; nhưng nào có đơn giản vì người mẹ vẫn sờ sờ cạnh con. Nhiều người mẹ biết rõ thủ phạm là cha, là dượng, là cậu, là người thân quen của đứa bé, nhưng vì thể diện của gia đình mà bao che, bất chấp nỗi đau câm lặng của con.

Đáng sợ hơn là cha mẹ vẫn không thay đổi môi trường sống cho trẻ, vẫn để trẻ tiếp xúc hằng ngày với kẻ thủ ác và vòng xoáy tội lỗi đó vẫn còn điều kiện để tiếp tục nhấn chìm trẻ. 

Nhiều trẻ bị ruồng bỏ, bị lên án vì mắc một tật xấu nào đó chỉ vì người lớn không chịu tìm đến nguyên nhân sâu xa, không hiểu trẻ chỉ là nạn nhân đáng thương. Vì thế, người lớn không chỉ không cứu giúp được trẻ mà còn vô tình góp phần bức hại trẻ.

Tre con lam sao biet 'giu than'?
 

“Nó tệ lắm rồi! Tôi làm ơn mắc oán!” - người mợ của đứa trẻ lắc đầu nói với BS và ném về phía cháu trai mình cái nhìn chán ghét. Cậu bé khoảng 14 tuổi, được nhiều người cùng đưa đến khám nhưng không ai trong số đó là cha mẹ cậu. Cha cậu bị tai nạn giao thông nằm liệt; mẹ bị chậm phát triển, lại còn phải chăm sóc ông bà già yếu.

Cậu bé được gửi ở nhà cậu mợ, hàng ngày tự đi học. Đơn độc trong đời, chẳng ai dìu dắt, kiến thức giới tính là một khoảng trắng. Cậu bé tò mò lên mạng… tự học. Nhà cậu mợ chật chội, trống hoác, cậu mợ lại hớ hênh chuyện chăn gối khiến cậu bé trông thấy; mợ tắm cậu nhìn trộm qua kẽ vách…

Rồi cậu bé thường xuyên thủ dâm, còn rủ con của cậu mợ làm trò người lớn. Thế là cậu bị lên án, bị xem là một thứ cặn bã ai cũng muốn tống đi cho khuất mắt. Đúng là cậu bé đã gây lỗi lầm, nhưng lẽ ra chuyện đó đã có thể tránh được nếu cậu không sống trong hoàn cảnh như thế.

Bên dưới “tảng băng”

“Ai là người giúp cho việc thực thi pháp luật và phòng tránh XHTDTE hiệu quả trong trường hợp trẻ là nạn nhân lẫn chủ thể xâm hại người khác?”, BS Quỳnh Trang đặt vấn đề và tự xác định câu trả lời: “Chính là phụ huynh!”.

Theo BS Quỳnh Trang, ngay cả khái niệm XHTD phụ huynh cũng còn lờ mờ thì sao có thể phát hiện, hỗ trợ con và lên tiếng tố cáo? Không phải giao cấu mới là XHTD, mà từ hành vi phơi bày sách báo, hình ảnh khiêu dâm cho trẻ xem, thực hiện hành vi tình dục trước mặt trẻ, sờ soạng thân thể trẻ, đưa cơ quan sinh dục vào miệng trẻ, thúc đẩy trẻ thực hiện hành vi… cũng đều là XHTD.

Nhiều phụ huynh vẫn cho là sờ soạng thì có đáng gì, mà không hiểu đó cũng là hành vi không thể chấp nhận và sẽ leo thang. Tùy hành vi tác động, trẻ có thể chịu hậu quả về thực thể, tinh thần, hoặc cả hai. Trẻ có thể đau, chảy máu, nhiễm trùng âm đạo, trực tràng, lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục.

Trẻ bị ảnh hưởng xấu đến chuyện ăn ngủ, học hành, rối loạn kiểm soát thần kinh về tiểu tiện, xuất hiện những nhu cầu không đúng với lứa tuổi… Trẻ sẽ sợ hãi, thu mình lại, giận dữ, trầm cảm, tránh né, phản ứng quá mức trước những tác động.

Trẻ có hành vi vô cớ, dễ lạm dụng chất kích thích, có thái độ bất cần, nuôi ý định tự tử. Nếu gặp điều tra viên là nam giới (cùng giới tính của thủ phạm) trẻ càng bị chồng thêm sang chấn tâm lý. 

Tre con lam sao biet 'giu than'?
Các bà mẹ rất quan tâm đến việc phòng chống XHTDTE

BS Quỳnh Trang diễn giải ý nghĩa của “tảng băng” như là một công cụ để hiểu trẻ, bởi trẻ nín lặng không có nghĩa là không có gì. Nếu trẻ đột nhiên nằng nặc đòi về sống với ông bà, không chịu ở chung với mẹ và dượng nữa, người mẹ phải đặt ngay câu hỏi là con mình đang gặp chuyện gì, có điều gì dưới “tảng băng”?

Lại có những trẻ bỗng trở chứng đập phá, phản đối quyết liệt khi có một chú quen xuất hiện. Vấn đề có đúng là trẻ ương bướng, thiếu lễ độ không? Theo BS Quỳnh Trang, tuyệt đối không được cho trẻ dưới 13 tuổi ở nhà một mình; nếu cha mẹ bận việc, phải gửi trẻ cho người khác trông giữ thì phải hết sức cẩn trọng trong việc “chọn mặt”.

Chị Nguyệt Thu (một phụ huynh ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng, ngày nay nạn XHTDTE xảy ra rất nhiều là do nhiều cha mẹ đơn thân nuôi con, thiếu sự quản lý; gia đình nhiều thế hệ sống chung xô bồ; với người thân quen thì đến người lớn còn mất cảnh giác huống chi trẻ.

Nguy hại nhất là tệ nhậu nhẹt say xỉn. Nếu cha nhậu xỉn, mẹ cắm cúi lo công việc, thì ai sẽ trông giữ con cái? Nhiều trường hợp chính bạn nhậu của cha hiếp dâm trẻ. 

Là người từng bị XHTD khi còn nhỏ, đã vượt qua nỗi đau, hiện đã có chồng, sinh con, chị Đỗ Uyên (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho rằng, việc công an thẩm vấn trẻ về XHTD cũng là một cơn ác mộng, có thể chồng chất lên trẻ nỗi khiếp hãi thứ hai. Nếu chú công an la mắng, đập bàn hỏi: “Mày có bị thật hay chỉ đặt chuyện?”, tức thì trẻ hoang mang, hoảng sợ, có thể lúc nói có lúc nói không.

Phụ huynh phải hết sức lưu ý vấn đề này, hỗ trợ tâm lý cho con, tránh làm con tổn thương thêm trên hành trình đi tìm công lý. Thực tế, đã có những trẻ tự tử vì uất ức khi sự việc không được xử lý khách quan, thỏa đáng. 

Luật sư Đào Thị Bích Liên (Chi hội phó Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho biết: “Ở một số nước quy định điều tra viên trong những vụ XHTD phải là nữ, có bằng cấp nhất định về tâm lý, có kỹ năng trò chuyện với trẻ.

Ví dụ trường hợp trẻ ba-bốn tuổi nghi bị cha ruột XHTD, điều tra viên không thể hỏi cháu theo kiểu: bị xâm hại phải không? Bị bao nhiêu lần, thời điểm nào? Có đau không? Đau như thế nào?... Điều tra viên phải biết “đi đường vòng”, hỏi: Cháu có khỏe không? Chơi có vui không? Cháu có nhớ cha không?... và nắm bắt ánh mắt, thái độ, lời nói của trẻ khi nhắc đến cha. Luật sư Liên khuyến cáo: “Phụ huynh nên thật bình tĩnh khi thấy có dấu hiệu con em mình bị XHTD.

Mọi hành động nóng giận, đòi ba mặt một lời, đòi đánh giết “yêu râu xanh” vô tình có thể đánh động khiến thủ phạm cao chạy xa bay, đánh mất chứng cứ vì chứng cứ chỉ có thể thu thập trong một thời gian nhất định.

Những gì cha mẹ cần làm là vỗ về con, nghe con kể, có thể âm thầm ghi âm lời kể ban đầu của trẻ, chụp lại những thương tích (nếu có) trên thân thể con. Không cho con thay đồ, tắm, giữ lại cả quần áo lót.

Đưa con đến ngay bệnh viện kiểm tra và trình báo cơ quan công an địa phương, đề nghị trưng cầu giám định pháp y, yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can…”.

Tô Diệu Hiền

Phim ngắn Không ai biết (kịch bản và đạo diễn: Pil Nguyễn) có nội dung cảnh báo về nạn XHTD vừa được trình chiếu miễn phí vào cuối tháng 3/2017 tại TP.HCM. Phim thuộc dự án “Xi-nê cho bạn” do Pil Nguyễn - trưởng dự án, cùng nhóm cộng sự tự bỏ kinh phí đầu tư và nhận đóng góp thiện nguyện từ những người quan tâm vì lợi ích cộng đồng. Nhóm sẵn sàng phục vụ chiếu phim miễn phí cho những tổ chức, địa phương, trường học… có nhu cầu, nhất là ở vùng sâu vùng xa, nơi các em thiếu nhi ít được tiếp cận thông tin về giáo dục giới tính, kỹ năng tự bảo vệ... Đối tượng xem phim tốt nhất là từ 11 tuổi trở lên. Có nhu cầu xem phim, các đơn vị liên hệ qua trang web: www.phi-productions.com.vn, email: phi@phi-productions.com.vn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI