Tôi thành công nhờ nghe theo lời ba dạy

31/01/2015 - 13:01

PNO - PN - “Lúc nhỏ, tôi thường nghe ba tôi bảo: nhà mình nghèo, ba không có tiền bạc của cải gì cả, nên ba chỉ biết ráng tạo đức để dành cho các con. Những gì ba nói ngày xưa, giờ nghĩ lại đều thấy đúng”. Chị Võ Thị Lấn, Giám...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Hại người tức là hại mình…”

Cái đức mà ba chị để lại chính là việc cả đời hành nghề bốc thuốc Nam của mình, ông chưa một lần nhận tiền của ai, dù công việc tìm kiếm, đào bới củ, rễ những cây thuốc trong rừng không phải là nhẹ nhàng và dù gánh nặng một vợ chín con trong nhà luôn oằn trên đôi vai của một người đàn ông trụ cột ở xóm Bưng Vừng, ấp Phước Lợi, xã Phước Lưu, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. “Nhiều người lén ba dúi cho tôi vài đồng tiền. Liếc thấy ba không nhìn, tôi mừng lắm, định bụng sẽ để dành tiền mua cho mình cây viết mới. Nhưng khi khách về, ông gọi lại và bảo: trả lại tiền cho người ta đi con, ba làm phước tích đức, không muốn con nhận tiền của người ta. Tôi mang tiền đi trả mà nước mắt lưng tròng.

Mấy năm đi học, viết bằng cây viết chấm mực bằng đọt trúc ba làm, nên tôi cứ ao ước mình có cây viết máy bơm mực như bạn bè. Lúc đi trả tiền xong, quay về nhà, thấy tôi khóc, ba kêu lại hỏi: Con lấy tiền để làm gì? Tôi vừa thút thít vừa nói: Cây viết con bị rè ngòi, viết rách tập! Nghe xong, ba kéo tôi lại gần, vuốt đầu tôi, dỗ dành: Để ba lo! Tối đó, tôi thấy ba lụi cụi ngồi mài lại cái ngòi viết cũ, viết thử rồi mài cho đến khi viết êm, không bị xóc. Ông lọ mọ đi kiếm cây trúc già, cắt ra rồi chuốt lại cho thiệt đẹp. Ông lại gắn ngòi viết vừa mài rồi đưa cho con gái cây viết đẹp... như mới!”.

Ba giỏi võ, nhưng ông không hề dạy cho con gái chiêu nào để phòng thân. Chị nài nỉ mãi, ông chỉ cho chiêu... tẩu vi thượng sách. Người ta muốn đánh mình, thì mình... chạy đi! Khi nào họ qua cơn nóng giận, mình có thể nói phải quấy với họ, để hiểu nhau hơn, xóa bớt thù hằn… Khó có thể nhớ hết một lúc những bài học làm người từ ba mình, nhưng điều chị không bao giờ quên đó là: giúp người được gì thì làm, còn hại người thì không. Bởi, hại người tức là hại mình vậy.

 Toi thanh cong nho nghe theo loi ba day

Chị Võ Thị Lấn đang kiểm tra khâu chọn giống cây - Ảnh: Đại Dương

Chia sẻ lợi ích

Nhà đông con, mẹ lại mất sớm, khi học hết lớp nhất (lớp 5 bây giờ) ba bắt chị ở nhà. Trong chín anh chị em, chị bảo mình là người sáng dạ nhất nhà, nhưng cũng cực nhất nhà. Thầy giáo dạy một chị đã biết hai, vở toàn điểm chín, mười. Vậy mà chị phải bỏ ngang để chăn trâu, đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc các em thay mẹ. Ngày ngày, chị chèo ghe ra sông cắt chuối nước, hái đọt mướp. Lúc rảnh rỗi, chị lẽo đẽo theo ba vô rừng đào cây thuốc. Vác được gì giúp ba thì vác, không vác được thì chất lên chiếc xe đạp cũ.

Chị kể, mình mang trong người đủ thứ bệnh. Vì thế, chị luôn tìm những cây thuốc Nam giống ba khi xưa để tự cứu mình. Sau một thời gian dùng những thứ rễ, lá, nhiều triệu chứng bệnh của chị giảm rõ rệt. Chị lại làm theo ba “bốc thuốc” giúp cho mọi người. Tiếng lành đồn xa, dù “bài thuốc” của chị chỉ là lá cây hoàn ngọc, cây lược vàng, là hoa cúc, hoa kim ngân... Nhiều người dùng “thuốc” thấy lợi ích, khuyên chị nên chế biến quy mô lớn hơn để mọi người cùng được sử dụng. Và thế là, chị nảy ra ý tưởng lập cơ sở chế biến trà thảo dược.

Huân chương Lao động hạng III vừa được Nhà nước trao tặng là sự ghi nhận chính thức quá trình cống hiến và thành quả đạt được từ năm 2008 đến nay của chị. Lúc đầu công ty của chị chỉ là cơ sở chế biến gia công trà thảo dược với số công nhân đếm trên đầu ngón tay; nguyên liệu chủ yếu thu mua từ các hộ dân. Khi đó, chất lượng nguyên liệu đầu vào tùy thuộc vào sự tự giác của người trồng. Vì vậy, có kẻ xấu đã tung tin “cơ sở Tâm Lan của bà Lấn chế biến thức uống từ... rác thải ngoài chợ”.

Vàng thật không sợ lửa. Công ty trà Tâm Lan được công nhận đạt chuẩn thực hành tốt trồng cây thuốc (GAP) và thực hành tốt thu hái dược liệu hoang dã (GCP) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (gọi chung là tiêu chuẩn GACP - WHO), với diện tích 35 hecta. Hơn 200 người nghèo, cơ nhỡ… trong khu vực được nhận vào làm trong công ty của chị với quy trình sản xuất khép kín, hệ thống dây chuyền hiện đại.

Giữ đúng cái tâm mà ba đã theo đuổi, làm đúng những lời ba dặn, phần lãi ròng hàng năm chị “dành ba phần để tích lũy, bảy phần đóng góp cho xã hội, giúp đỡ người nghèo...”. Ngoài hàng trăm, hàng ngàn suất quà tết cho người nghèo, từ năm 2010, công ty của chị Lấn luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu của tỉnh ủng hộ một cách thiết thực cho phong trào hướng về biển đảo thân yêu…

 NGUYỄN THIỆN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI