Cá voi xanh - Phần 1: Đâu là sự thật đằng sau ‘thử thách tự sát’ trên mạng?

19/01/2019 - 07:02

PNO - “Thử thách Cá voi xanh” đã được xác định là một “trò chơi tự sát” trên mạng nhắm đến các thiếu niên, với luật chơi là thực hiện 50 nhiệm vụ trong 50 ngày.

Thử thách này được cho là có liên quan đến số lượng lớn trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Nhưng “trò chơi” này có nhiều điểm không như người ta nghĩ.

Những nhiệm vụ đầu tiên có vẻ khá vô hại: “thức dậy lúc nửa đêm" hoặc “xem một bộ phim kinh dị". Nhưng sau mỗi ngày, các nhiệm vụ càng trở nên đáng sợ.

“Đứng trên gờ tường của một toà nhà cao tầng”.

“Rạch lên cánh tay hình một chú cá voi”.

Và cuối cùng, người chơi được yêu cầu tự lấy mạng.

Thử thách này được nghi ngờ là khởi phát từ nước Nga, nhưng rất nhanh chóng nó đã lan sang các quốc gia khác như Ukraine, Ấn Độ và Mỹ.

Hàng trăm cái chết đã được xác nhận là liên quan đến “trò chơi tự sát” này. Nhưng các điều tra kỹ càng đã tiết lộ một điểm gây hoang mang: Trò chơi này, ít nhất là như các báo cáo ban đầu miêu tả về nó, dường như còn chưa bao giờ tồn tại.

Ca voi xanh - Phan 1: Dau la su that dang sau ‘thu thach tu sat’ tren mang?
 

Nguồn gốc câu chuyện

Câu chuyện về thử thách Cá voi xanh bắt đầu với Rina Palenkova. Ngày 22/11/2015, Rina, một thiếu niên sống ở vùng đông nam nước Nga, đăng một bức ảnh selfie.

Trong ảnh cô bé đang đang đứng ngoài trời. Một chiếc khăn đen được cuốn quanh miệng và mũi cô bé. Cô đang giơ ngón tay thối về phía máy ảnh. Ngón tay trông như có dính máu khô.

Dưới ảnh là chú thích: “Tạm biệt Nya". Hôm sau, cô bé tự vẫn.

Cái chết của Rina Palenkova được bàn luận trên mạng xã hội lớn nhất ở Nga là VKontakte. Trên đó, các thiếu niên tìm đến để nói với nhau về mọi vấn đề hàng ngày, từ chuyện trường lớp, bạn bè cho đến những chủ đề đen tối hơn như trầm cảm, cô đơn và tự sát.

Chúng trao đổi với nhau những câu chuyện rất đáng sợ. Điểm rùng rợn của những câu chuyện này là chúng rất thật, cho dù chúng hoàn toàn có thể được dựng lên bởi những bức ảnh giả hoặc các đoạn video chỉnh sửa.

Nó cũng giống hệt như cách các bộ phim kinh dị kinh điển hay tuyên bố là “dựa trên sự kiện có thật”. Vì trong những chuyện ma kỳ bí, luôn có một chút gì đó hợp lý.

Chính trong những nhóm chat này, nơi lằn ranh giữa thực tế và hư cấu bị xoá mờ, bọn trẻ nói ra những điều rất quá khích về Rina. Ví dụ, chúng khen ngợi cô vì đã chấm dứt cuộc sống. Các video giả mạo về những giây phút cuối đời của cô bé được đưa lên mạng.

Không lâu sau đó, câu chuyện của Rina được cộng hưởng với các câu chuyện thiếu niên tự sát khác.

Vào ngày Giáng sinh năm 2015, cô bé 12 tuổi Angelina Davydova tự lấy mạng mình ở thành phố Ryazan, Nga. Chỉ khoảng nửa tháng sau đó, cô bé Diana Kuznetsova ở cùng thành phố cũng làm như vậy.

Khi cha mẹ các em kiểm tra các tài khoản trên mạng của con gái, họ thấy một điểm đáng ngờ - hai cô bé đều tham gia các nhóm tương tự nhau trên mạng.

Trong các nhóm này có những bức vẽ về Rina Palenkova, những bài đăng về tự sát và rất nhiều lần nhắc đến cá voi xanh.

Ca voi xanh - Phan 1: Dau la su that dang sau ‘thu thach tu sat’ tren mang?
 

Tại sao lại là cá voi xanh?

Có nhiều giả thuyết về việc tại sao cá voi lại dính dáng đến chuyện tự sát trong các nhóm này. Một số nhà báo cho rằng đó là do ở cá voi có hiện tượng tự lao lên bờ mà các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được. Một số khác cho rằng nó có liên quan đến lời bài hát của một ban nhạc rock ở Nga tên là Lumen.

Tất nhiên rất khó để nói được tại sao các hình ảnh cụ thể này lại được nhắc đến. Cá voi là loài động vật có vẻ cô độc và buồn bã. Chúng được cư dân mạng yêu thích. Một trong những hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất là hình một chú cá voi bay trên bầu trời đêm thành phố. Nó thể hiện được tinh thần của các nhóm này - sầu não và có phần siêu thực.

Nhưng chỉ đến tháng 5/2016, nước Nga mới thực sự thảo luận rộng rãi về những giải thuyết liên hệ giữa cá voi xanh và tự sát. Điều này bắt nguồn từ một bài báo của nhà báo Galina Mursalieva trên tờ báo điều tra Novaya Gazeta.

Mursalieva cho rằng trong các nhóm trên mạng đó, một số em lấy những biệt danh kỳ bí như “Cá voi đại dương" và "f57", có tồn tại một trò chơi. Trong đó, có những người được cho là “quản trò" đặt ra cho người chơi 50 nhiệm vụ trong 50 ngày. Đến ngày cuối, người chơi được ra lệnh phải tự sát.

Bài báo của tờ Novaya Gazeta ước tính đã có 130 em tự sát trong khoảng thời gian từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016 vì đã tham gia vào các nhóm này. Từ đó, cả thế giới biết đến hiện tượng này với cái tên thử thách Cá voi xanh.

Rất nhanh chóng câu chuyện này khiến dư luận vô cùng lo ngại. Thị trưởng thành phố Ulyanovsk ở miền đông nước Nga đã lên truyền hình so sánh thử thách Cá voi xanh nguy hiểm y như tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Sự hoảng loạn không dừng lại bên trong nước Nga. Ở bang Georgia, Mỹ, một cô bé 16 tuổi tự sát. Chỉ đến khi gia đình em tìm hiểu về thử thách Cá voi xanh họ mới chú ý đến ý nghĩa của những bức vẽ cao cả mét mà cô bé đã vẽ ở trường trước khi qua đời.

Đó là những bức vẽ cá voi xanh.

Sau đó có thêm những vụ tự sát khác: một câu bé tên Isaiah Gonzalez, cũng ở Mỹ; một cô gái 19 tuổi ở Hyderabad, Ấn Độ; 2 cô bé người Nga, Yulia Konstantinova và Veronika Volkova. Vài ngày trước khi chết, Konstantinova đã đăng lên tài khoản Instagram của mình một bức ảnh cá voi xanh.

(Còn nữa...)

Đại An (theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI