Thanh âm của hạnh phúc - Thanh âm của… lặng im

20/03/2021 - 11:19

PNO - Nhìn những ngón tay ra hiệu liên tục, thật khó để hình dung câu chuyện họ đang nói với nhau. Thế nhưng người ta lại cảm nhận rất rõ nguồn năng lượng sống dồi dào, mạnh mẽ đang tuôn chảy theo từng động tác ấy.

Anh và chị đều bị câm điếc bẩm sinh, nhưng câu chuyện của anh chị đã trở thành một thanh âm rất đẹp truyền đến cộng đồng.

Một quán ăn kỳ lạ

Con đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu ẩm thực. Tại đây, người ta có thể tìm thấy hàng loạt món ngon ba miền với những lời rao, mời gọi huyên náo. Thế nhưng, tại một gian hàng nhỏ nằm lọt thỏm giữa những bảng hiệu đầy màu sắc, có một sự im lặng kỳ lạ. 

Khách muốn gọi món thì viết vào giấy hoặc chỉ lên thực đơn. Ông bà chủ quán chỉ giao tiếp với nhau bằng những động tác hình thể. Trừ tiếng chảo, vá va vào nhau, những con người nơi đây đều im lặng. 

Vợ chồng anh Lê Trường Sơn và chị Lê Thị Mộng Thúy luôn sát cánh bên nhau trong cuộc mưu sinh. ẢNH: TAM NGUYÊN
Vợ chồng anh Lê Trường Sơn và chị Lê Thị Mộng Thúy luôn sát cánh bên nhau trong cuộc mưu sinh. Ảnh: Tam Nguyên

Đó không phải là chiêu thức kinh doanh tạo sự khác biệt để gây chú ý, mà bởi từ khi sinh ra, họ - chủ quán và cả người phục vụ - đã chịu sự thiệt thòi khi không thể nghe thấy những thanh âm của cuộc sống, cũng chẳng thể nói chuyện như người bình thường. 

Nhìn những ngón tay ra hiệu liên tục, thật khó để hình dung câu chuyện họ đang nói với nhau. Thế nhưng người ta lại cảm nhận rất rõ nguồn năng lượng sống dồi dào, mạnh mẽ đang tuôn chảy theo từng động tác ấy. 

Người phụ nữ tuổi trạc tứ tuần, liên tục nở nụ cười thật tươi với khách. Chị nêm nếm gia vị, dọn dẹp, bưng đồ ăn thoăn thoắt, nhanh tay xếp lại những chiếc ghế, bàn chưa gọn gàng.

Người đàn ông thân hình gầy, cao dong dỏng với nước da ngăm đen liên tục tán cơm, xoay chảo để tạo nên những đĩa cơm cháy vàng rụm, thơm phức. Khi ngón tay cái được đưa lên, người ta ngầm hiểu câu chuyện của người trong cuộc đã kết thúc. 

Giữa một không gian nhỏ bé như thế của Sài Gòn có đến hai thế giới đang tồn tại, mà có lẽ bên nào cũng muốn bước vào thế giới của bên còn lại nhưng không hề dễ dàng, bởi đôi lúc thực khách cũng không hiểu anh, chị chủ quán đang muốn nói gì và ngược lại.

Gian hàng nhỏ gọn với bánh tráng nướng, cơm cháy kho quẹt không khó để tìm thấy ở Sài Gòn. Tuy nhiên, phần lớn những người đến đây, một là khách quen, hai là những tâm hồn đồng điệu, đều thấu hiểu câu chuyện gia đình của anh chị. Bấy nhiêu nguyên liệu, mùi vị quen thuộc, nhưng có lẽ cái tình, nghị lực sống được dồn vào từng đĩa thức ăn cũng khiến thực khách cảm thấy ngon miệng, ấm áp hơn.

Quán ăn với dòng chữ dễ thương thu hút khách - Ảnh Tam Nguyên
Quán ăn với dòng chữ dễ thương thu hút khách - Ảnh Tam Nguyên

Hạnh phúc bình dị

Khi một điều quá đỗi bình thường với đám đông lại trở thành ước mơ xa xỉ nhất với ai đó, thật khó để khiến người ta không xúc động, thương cảm. Song, những nụ cười ấm áp luôn nở trên môi họ dường như đã khiến sự u buồn đó tan biến.

Chủ hàng là anh Lê Trường Sơn (45 tuổi) và chị Lê Thị Mộng Thúy (39 tuổi). Họ đã buôn bán ở đây được bảy năm, ban đầu là bánh tráng nướng, sau này có thêm món cơm cháy kho quẹt. Chiếc xe đẩy nhỏ gọn cùng vài chiếc bàn nhựa được kê san sát nhau là cả gia tài, mang theo những giấc mơ về một ngày mai tươi sáng hơn của anh chị. 

Cả hai từng là bạn học tại Trường câm điếc Lái Thiêu (Bình Dương). Sau khi học xong 11 năm tại đây, chị Thúy lập gia đình, có hai con gái nay đang học lớp 12 và 10. Không may, tám năm trước, chồng chị qua đời. 

Sau đó, chị và anh Sơn có dịp gặp lại nhau trong một lần họp mặt. Họ cảm mến nhau, rồi dần nảy sinh tình yêu. Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, chị lại bẽn lẽn như cô gái mới biết yêu, đôi má ửng hồng. 

Lúc đó, chị bán trái cây ngoài chợ. Anh ra phụ giúp mỗi ngày. Cảm mến sự siêng năng, chịu khó của anh, chị gật đầu về làm vợ anh. Còn anh thương chị vì tính chịu thương, chịu khó, đảm đang công việc gia đình. “Đám cưới” chỉ là một buổi gặp mặt của hai gia đình. Còn bữa tiệc nhỏ để chung vui cùng mọi người vẫn là ước mơ dở dang.

Với cả hai, có được nhau, cùng nhau đi qua những ngày tháng gian khổ, niềm hạnh phúc đó lớn hơn rất nhiều những thiệt thòi họ đã gánh chịu. Chị Thúy nhớ lại ngày đi xin việc, đâu đâu cũng từ chối, khiến chị muốn gục ngã. 

Mang thai đứa con đầu, chị phải đi rửa chén thuê đến loét cả da tay với thu nhập chỉ 50.000 đồng/đêm. Tuy nhiên với chị, những đồng tiền ít ỏi đó vô cùng quý giá. “Từ sớm, tôi đã hiểu được việc kiếm tiền chưa bao giờ dễ dàng. Vì thế, tôi không ngại khổ, miễn đó là việc làm chính đáng”, mẹ ruột chị, bà Phạm Thị Hoa, “phiên dịch” lại.

Sau đó, bà Hoa giúp con mở một hàng trái cây ở chợ. Từ khi chị lập gia đình với anh Sơn, cả hai đứng ra kinh doanh riêng. Mỗi sáng chị đi chợ rồi chuẩn bị mọi thứ để dọn hàng vào lúc 3 giờ chiều. Hết hàng, có khi phải đến 1 giờ sáng hôm sau.

Vòng quay cuộc sống cứ lặng lẽ trôi như thế nhưng sự tự ti ngày nào đã biến mất dần khi họ hiểu rõ về giá trị của chính mình.

Cơm cháy kho quẹt là món ngon nổi tiếng của quán - Ảnh: Thành Lâm
Cơm cháy kho quẹt là món ngon nổi tiếng của quán - Ảnh: Phùng Huy

Cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những va chạm. Khi ấy, bà Hoa lại là người đứng ra hòa giải cho hai con. “Anh ấy có tật hay giỡn, chọc ghẹo, đôi khi nóng tính. Tôi thì không thích như thế. Mỗi lần xảy ra chuyện, tôi sẽ méc mẹ. Mẹ sẽ động viên, phân tích cho cả hai cùng hiểu.

Cũng vì đó mà chưa bao giờ vợ chồng tôi giận nhau quá lâu. Hai cuộc đời khiếm khuyết được gặp nhau, đồng cảm, chia sẻ cùng nhau đã là điều quý giá nhất trên đời bởi chúng tôi không chỉ sống cho mình mà còn cả cho con nữa. Chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn gia đình”, chị Thúy chia sẻ bằng thủ ngữ.

Anh chị tung hứng nhịp nhàng để có món ăn ngon nhất cho khách.
Anh chị tung hứng nhịp nhàng để có món ăn ngon nhất cho khách- Ảnh: Phùng Huy

Hy vọng ở tương lai

Ngôi nhà thuê nhỏ xíu chừng 20m2 nằm lọt thỏm trong con hẻm trên đường Vạn Kiếp là nơi che nắng mưa cho đôi vợ chồng những năm qua. 

Hai đứa con lớn được chị gửi cho mẹ ruột giúp nuôi dưỡng. Đứa thứ ba, hiện đang học lớp Hai thì thường xuyên di chuyển qua lại giữa nhà bà ngoại và nhà cha mẹ. Bà Phạm Thị Hoa cho biết, bà vẫn đang giúp hai con nuôi cháu vì vợ chồng chị Thúy không thể xoay xở được. 

“Tôi đã ngoài 60 tuổi, việc nuôi dạy cháu cũng khó khăn nhưng sẽ cố gắng, được tới đâu hay tới đó”, bà Hoa nói.

Chị lặng im, nhìn vào đôi mắt mẹ, đầy thấu hiểu. Có lẽ giữa khao khát muốn tự mình nuôi dạy con và thực tế có một khoảng cách quá xa, mà dù cố gắng đến mấy chị cũng không thể rút ngắn được.

“Thấy các con được nghe, nói bình thường, tôi hạnh phúc lắm. Cuộc đời tôi đã trải qua quá nhiều đau khổ, nay chỉ mong các con có được tương lai tươi sáng hơn”, bà Hoa thuật lại lời chị Thúy.

Nhờ sự hỗ trợ của mạng xã hội, câu chuyện của anh chị được nhiều người biết đến. Cũng nhờ đó, quán ăn đông khách hơn. Sắp tới, anh chị dự định thuê một mặt bằng lớn hơn để có thể phục vụ thêm nhiều khách. 

Mỗi lượt khách đến cũng là khi ước mơ của anh chị được tiếp thêm sức mạnh. Trước hết, lo cho con ăn học đến nơi đến chốn là điều chị Thúy mong mỏi nhất, bởi chị hiểu chỉ khi có nền tảng giáo dục tốt, cuộc đời các con mới sáng hơn anh chị. Tiếp theo, anh chị sẽ cố gắng tích cóp mua một căn nhà nhỏ để cả gia đình chung sống.

Những thông điệp thầm lặng nơi quán nhỏ khiến nhiều người xao lòng
Những thông điệp thầm lặng nơi quán nhỏ khiến nhiều người xao lòng. Ảnh: Tam Nguyên
Quán ăn của anh Sơn, chị Thuý luôn tấp nập khách 

 Sài Gòn vốn dĩ nhộn nhịp, ồn ào, nhưng Sài Gòn vẫn luôn có những khoảng lặng đủ khiến người ta cảm thấy nhẹ tênh, mỉm cười thật hạnh phúc sau một ngày dài vất vả. Đó không chỉ là tình yêu mà còn truyền đi một niềm tin sống mãnh liệt. Khi còn ý chí và sự cố gắng, bạn sẽ còn cơ hội để thay đổi cuộc đời mình. 

Nguyễn Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI