Vượt qua bẫy lừa tình trực tuyến

05/09/2023 - 06:25

PNO - Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ báo cáo: gần 70.000 người dân nước này trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tình cảm trực tuyến vào năm 2022, với mức thiệt hại lên tới 1,3 tỉ USD.

Kẻ xấu không lựa chọn con mồi một cách ngẫu nhiên. Quá trình phạm tội được lên kế hoạch cẩn thận theo các giai đoạn riêng biệt. Nghiên cứu đăng trên Security Journal năm 2015 xác định 5 giai đoạn của lừa đảo tình cảm, bao gồm: dụ nạn nhân bằng thông tin cá nhân hấp dẫn, lấy lòng tin của nạn nhân bằng sự thân mật, tạo khủng hoảng để moi tiền, thao túng nạn nhân và tống tiền, cuối cùng là tiết lộ hành vi lừa đảo.

Tiến sĩ Kate Gould (trái) và ông Collin - một nạn nhân bị lừa đảo tình cảm  nay trở thành đại sứ cho chương trình phục hồi dành cho những người cùng cảnh ngộ - Nguồn ảnh: The Age
Tiến sĩ Kate Gould (trái) và ông Collin - một nạn nhân bị lừa đảo tình cảm nay trở thành đại sứ cho chương trình phục hồi dành cho những người cùng cảnh ngộ - Nguồn ảnh: The Age

Theo Fangzhou Wang - trợ lý giáo sư về tội phạm học và tư pháp hình sự tại Đại học Texas (Mỹ) - trong một số trường hợp, một nhóm những kẻ lừa đảo cùng hợp tác dụ dỗ nạn nhân để bóc lột tài chính. Chúng được chia làm 4 vai trò - “cò mồi”, hậu cần, lập trình và rửa tiền. “Cò mồi” chịu trách nhiệm tương tác với nạn nhân, các thành viên hậu cần xác định mục tiêu và thu thập thông tin về họ, bộ phận lập trình tạo ra các ứng dụng và trang web giả mạo, còn những kẻ rửa tiền xử lý các khoản lợi bất chính thu về.

Collin - một người đàn ông 59 tuổi, sống ở Melbourne, Úc - đã rất đau khổ sau khi bị lừa đảo tình cảm và mất hết số tiền tiết kiệm cả đời. Ông hiện là một phần của chương trình phục hồi dành cho nạn nhân lừa đảo đầu tiên trên thế giới, nhằm giúp họ vượt qua mặc cảm và quay lại cuộc sống bình thường. Chương trình cho phép những nạn nhân lừa đảo chia sẻ câu chuyện của mình với các nạn nhân khác để giải tỏa nỗi xấu hổ và tủi nhục. Phương pháp điều trị - do các nhà nghiên cứu từ Đại học Monash (Úc) dẫn đầu -  bao gồm liệu pháp nhóm được hỗ trợ bởi các đại sứ như Collin. Nhà tâm lý học thần kinh lâm sàng - tiến sĩ Kate Gould cho biết, ông Collin phải mất gần 1 năm mới nhận ra mối quan hệ trực tuyến của mình là không có thật. Collin nói: “Nghĩ lại điều này, tôi cảm thấy xấu hổ và nghĩ mình thật ngu ngốc”.

Khi đang cảm thấy cô đơn và chán nản, Collin khi gặp Doris trên một trang web hẹn hò trực tuyến vào năm 2005. Trong 2 năm, Collin và Doris - người tự nhận là y tá người Canada, sống ở Ghana - đã nói chuyện trực tuyến, chia sẻ những câu chuyện và hình ảnh về cuộc sống của họ.

Collin nghĩ ông đã tìm thấy nửa kia của mình. Một ngày, Doris nói với Collin rằng cô sắp chuyển đến Úc và thuyết phục ông gửi cho cô hàng chục ngàn USD để đầu tư vào thị trường vàng. Yêu cầu về tiền ngày càng tăng cho đến khi Collin chỉ còn lại 60 USD trong ngân hàng.

Tiến sĩ Gould nói, cô cảm thấy sốc vì thiếu nguồn lực và nghiên cứu để giúp đỡ Collin, cũng như các nạn nhân bị lừa đảo khác phục hồi tâm lý. Qua nhiều năm nghiên cứu, nhóm của cô phát hiện ra rằng liệu pháp hồi phục tốt nhất là tập trung trong căn phòng và chia sẻ kinh nghiệm với những người khác cũng bị lừa đảo tình cảm. Đối với Collin, việc chia sẻ câu chuyện của mình không chỉ giúp ông lấy lại giá trị bản thân mà còn mang lại cảm giác rằng ông đang bảo vệ người khác khỏi tội phạm mạng. “Tôi cảm thấy được minh oan. Ngoài ra, bây giờ không ai có thể lừa tôi được nữa” - người cha 2 con - hiện đang theo học chương trình thạc sĩ về khuyết tật và hòa nhập - bộc bạch.

Linh La (theo The Age, The Conversation)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI