Sống là phải hưởng thụ?

31/10/2021 - 05:46

PNO - Cứ vui đi khi cuộc đời cho phép vì chẳng ai biết được một ngày nào đó tai ương ập đến và đem ta biến khỏi thế gian này.

Ngày thành phố cho phép các hàng quán bán ăn tại chỗ, cô bạn thân của tôi đã tranh thủ ghé quán phở ưa thích ngay ngày đầu tiên để thưởng thức sau bao tháng nhịn thèm.

Bạn bảo, đừng ai bảo bạn kém cỏi không biết tự nấu nồi phở ở nhà nên phải chờ đến khi các tiệm được phép bán trở lại. Cũng đừng ai nhắc nhở bạn ăn tại quán là nguy hiểm khi mà con vi-rút quái quỷ kia có thể tấn công người ta bất cứ lúc nào, ở đâu.

Cái thú được ăn tại quán nó khác với việc tự nấu ở nhà hay mua ở chính cái quán ưa thích đó mang về nhà ăn, bạn bảo vậy. 

Trải qua một mùa dịch, bao nhiêu người nhận ra bản thân cũng cần được chìu chuộng, nâng niu (Ảnh minh hoạ)
Trải qua một mùa dịch, bao nhiêu người nhận ra bản thân cũng cần được chiều chuộng, nâng niu (Ảnh minh hoạ)

Có thể thấy cái tâm lý “bất chấp” đó khá phổ biến kể từ khi cơn đại dịch càn quét khắp nơi và để lại hậu quả khá nặng nề. Như một cô em tôi quen, kể từ khi theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, cô đã nhịn hẳn các món từng khiến cô “nghiện ngập” một thời như các loại chè, bánh ngọt, trà sữa, thức ăn nhanh...

Thế nhưng, sau khi thành phố bỏ giãn cách xã hội, cô đã bỏ kiêng khem để ăn uống thoải mái. Cô bảo, nếu chẳng may dính COVID-19, mất hết khứu giác, vị giác hay tệ hơn nữa là chẳng ăn uống gì được, có phải mình đã phí phạm một trong những cái “tứ khoái” mà tạo hoá đã ban cho một người bình thường hay không?

Người chị họ của tôi lại bắt đầu giai đoạn bình thường mới bằng việc sửa lại căn nhà đang ở. Bấy lâu nay chị vẫn hài lòng với căn nhà cũ kỹ. Vợ chồng tích cóp được kha khá nhưng chị chẳng dám mua sắm gì đáng kể, với lý do để dành cho con ra riêng sau này, phòng khi bệnh tật, anh chị về hưu có cái để dưỡng già. Chị chỉ vui khi nhìn mớ sổ tiết kiệm trong két sắt ngày càng dày thêm. 

Trải qua mấy mùa dịch, quan điểm của chị tôi thay đổi. Chị gọi thợ sửa lại toàn bộ căn nhà, mua sắm một số vật dụng mới và thẳng tay vứt bỏ những bộ bàn ghế, tủ giường cũ không chút tiếc nuối. Tủ áo của chị bắt đầu xuất hiện vài món đắt tiền, chị bắt đầu tự thưởng cho mình những chai nước hoa, thứ chị vốn mê từ lâu mà chẳng dám mua vì cho đó là thứ xa xỉ. Chứng kiến những đau thương mất mát, những cuộc chia ly bất ngờ trong mùa dịch, chị nhận ra cuộc sống vô thường biết bao. Cứ cắc ca cắc củm tằn tiện để dành có khi chẳng bao giờ được tận hưởng thành quả chắt chiu cả đời.

Cậu em tôi quen trên mạng thì mạnh tay đổi hẳn chiếc xế hộp mà cậu do dự từ lâu dù vợ cậu vẫn chưa thôi càm ràm vì cho là không cần thiết. Chính quan điểm phấn đấu, cày cục cả đời để làm gì khi tương lai quá đỗi bất trắc, mong manh còn cái khiến mình có thể hạnh phúc hơn trong hiện tại thì lại không dám làm đã khiến cậu em quyết định "chơi lớn".

Du lịch là một hình thức tự thưởng cho bản thân thường thấy (Ảnh minh hoạ)
Du lịch là một hình thức "tự thưởng" cho bản thân (Ảnh minh hoạ)

Tôi cũng từng trung thành với lối sống tối giản, tích cốc phòng cơ nên ít khi tiêu xài gì thái quá, càng không ủng hộ quan niệm “sống cho bản thân”, “sống không vì mình trời tru đất diệt”. Trải qua một mùa dịch, cũng như bao nhiêu người khác, tôi nhận ra bản thân cũng cần được chiều chuộng, nâng niu. Chẳng có gì sai khi chúng ta biết cách hưởng thụ cuộc sống trong khả năng của mình. 

Mấy chị bạn tôi hay nói đùa "Cứ vui đi khi cuộc đời cho phép" vì chẳng ai biết được một ngày nào đó tai ương ập đến và đem ta khỏi thế gian này. Chỉ đáng sợ khi người ta phá bỏ mọi giới hạn, buông xuôi, sống bất chấp trong hiện tại và phó mặc tương lai cho sự may rủi khiến bệnh tật đâu chưa thấy đã lâm vào cảnh khốn cùng vì một thảm họa khác.

 

Lê Thị Ngọc Vi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI