Dịch COVID-19 giảm dần, TPHCM đang chào “bình thường mới”

22/10/2021 - 06:28

PNO - Sau hơn hai tuần thực hiện Chỉ thị 18, TPHCM không phát hiện ổ dịch COVID-19 mới. Thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã làm nhiều người thở phào nhẹ nhõm.

Giảm giường bệnh dã chiến

Ngày 21/9, anh N.V.H. (40 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) hoảng hốt khi kết quả xét nghiệm cho thấy vợ chồng và con trai ba tuổi của anh đều bị nhiễm COVID-19. Trước đó vài ngày, người ở phòng trọ đối diện phòng anh cũng dương tính và đã được đưa đi cách ly tập trung. Do có con trai nhỏ, vợ chồng anh báo y tế phường để xin thuốc uống và điều trị tại nhà. Chỉ sau một tuần, các kết quả xét nghiệm COVID-19 của gia đình anh trở lại âm tính. Một tuần sau đó, dãy phòng trọ của anh lại nhộn nhịp người về, những “cựu F0” đã trở lại. 

Những giường bệnh tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM đã vắng người - ẢNH: BỆNH VIỆN CHỢ RẪY
Những giường bệnh tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM đã vắng người - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy

Anh H. chia sẻ: “Tôi không ngờ COVID-19 lại đến và đi nhanh gọn như vậy. Thậm chí, những cảm giác khó thở hay ho khan cũng không xuất hiện. Những người cùng khu trọ đều xuất viện rất nhanh và không có biến chứng nào. Có lẽ, gia đình tôi may mắn khi mắc bệnh ở thời điểm dịch bắt đầu lắng xuống”. Sau năm lần xét nghiệm âm tính liên tục, cả nhà anh được thông báo đã khỏi bệnh.

Việc đầu tiên của anh H. là đưa vợ con ra ngoài, ngắm xe cộ và dòng người, nhâm nhi ly cà phê bên đường. Dù đến lúc này, TPHCM chưa cho phép hàng quán phục vụ tại chỗ nhưng có lẽ xuất phát từ những thông tin an toàn về dịch COVID-19 nên một số nơi đã bán cà phê tại chỗ cho khách đã tiêm hai mũi vắc xin hoặc người đã khỏi bệnh. 

Chỉ thị 18 của UBND TPHCM về nới lỏng giãn cách xã hội bắt đầu từ ngày 1/10 có thể đã đi “rất khớp” với nhịp độ giảm dần của dịch COVID-19. Số ca tử vong giảm dần, từ đỉnh cao khoảng 350 người/ngày vào cuối tháng 8/2021, giảm xuống còn 150 người/ngày vào cuối tháng 9/2021. Ngày 30/9, giảm còn hai con số với 96 ca tử vong. Đến ngày 21/10, giảm xuống con số 41. 

Song hành cùng những con số tử vong giảm dần là những bệnh viện dã chiến thu hẹp dần. Ngày 13/10, cơ sở điều trị COVID-19 đầu tiên là Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đảm trách đã được bàn giao lại cho Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Sau đó, ngày 15/10, Trung tâm Hồi sức COVID-19 tại thành phố của Bệnh viện Bạch Mai bàn giao cho Bệnh viện Gia Định. Theo lộ trình của Sở Y tế TPHCM, ngày 31/10 sẽ ngưng hoạt động năm bệnh viện dã chiến. Ngày 31/11, sẽ tiếp tục ngưng hoạt động năm bệnh viện dã chiến khác.

Lộ trình ngừng hoạt động các bệnh viện dã chiến sẽ kéo dài đến cuối năm 2021 và đầu 2022. Những bệnh viện dã chiến này được bàn giao về cho các bệnh viện tại TPHCM quản lý, chuyển sang hoạt động như một cơ sở điều trị COVID-19 đa tầng, tiếp nhận bệnh nhân từ nhẹ đến nặng. 

Nhịp sống bình thường đã len vào bệnh viện

Ngay trong những nơi đang điều trị COVID-19, cuộc sống “bình thường mới” cũng đã len lỏi vào tận phòng bệnh. Nhánh bông hồng mà phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Minh Khôi, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tặng cho nữ bệnh nhân vào ngày 20/10 - ngày bà xuất viện được nhiều người chia sẻ trên Facebook là minh chứng cho những sắc màu sự sống đã dần hồi sinh.

Nữ bệnh nhân rưng rưng xúc động: “Tui mừng quá bác, mà nhớ nhà quá rồi bác”. Theo bác sĩ Khôi, nữ bệnh nhân đã điều trị hơn một tháng. Khi Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận Trung tâm Hồi sức COVID-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bà cũng được chuyển về theo.

Bác sĩ Lê Minh Khôi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tặng hoa cho nữ bệnh nhân được xuất viện đúng vào ngày 20/10 - ẢNH: BÁC SĨ CUNG CẤP
Bác sĩ Lê Minh Khôi, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tặng hoa cho nữ bệnh nhân được xuất viện đúng vào ngày 20/10 - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP.Thủ Đức), số lượng bệnh nhân nhập viện, nhất là bệnh nhân nặng và nguy kịch đã giảm nhiều so với lúc trước. Nhiều khoa được nhập lại với nhau, giải thể một số khoa. Đặc biệt, Khoa Cấp cứu đã bắt đầu rơi vào tình trạng “ế” - một điều khiến ai cũng mừng vui. Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Chợ Rẫy), đã rời nơi này để về hỗ trợ tỉnh Cà Mau chống dịch.

Ông chia sẻ: “Chúng tôi mong sao khi cuộc chiến này kết thúc, những đồng đội của chúng tôi có thể gặp lại nhau, cùng nhau gắn kết; làm sao trở lại cuộc sống bình thường nhất có thể, sau khi đã phủ vắc-xin, sau khi có thể xem đây là một bệnh truyền nhiễm, sau khi có thể thay đổi hành vi, lối sống của con người… để đạt đến sự tự do thật sự trong đời sống hằng ngày”. 

Để cuộc sống được trở lại những ngày “bình thường mới”, TPHCM đã mạnh dạn cho phép những chợ truyền thống được hoạt động trở lại. Chỉ trong ngày 15/10, có 20 chợ truyền thống ở nhiều quận, huyện, trong đó quận Tân Bình có đến tám chợ được hoạt động. Sau đó, lần lượt 16 chợ truyền thống khác sẽ được hoạt động. Ngoài các chợ quy mô nhỏ, thành phố cho phép chợ có quy mô lớn như Bến Thành (quận 1), Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5)… mở cửa trở lại.

Riêng TP. Thủ Đức sau khi cho phép hoạt động 19 chợ vào ngày 23/10 thì sẽ cho phép mở cửa lại tất cả chợ vào ngày 30/10. Mới đây, vào ngày 19/10, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, đã đề xuất UBND thành phố cho phép hàng quán được phục vụ tại chỗ, trừ loại hình kinh doanh bia rượu. Công suất hoạt động dưới 50% và kết thúc trước 21 giờ hằng ngày. 

Bà Nguyễn Thị Gi sau một tháng rưỡi điều trị tích cực từ nguy kịch đã được xuất viện tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (TP.Thủ Đức). Bà cũng là người cuối cùng trong đại gia đình có 11 người phải vào viện điều trị COVID-19 và đều khỏi bệnh - Ảnh: Hà Văn Đạo (Bộ Y tế)
Bà Nguyễn Thị Gi sau một tháng rưỡi điều trị tích cực từ nguy kịch đã được xuất viện tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (TP. Thủ Đức). Bà cũng là người cuối cùng trong đại gia đình có 11 người phải vào viện điều trị COVID-19 và đều khỏi bệnh - Ảnh: Hà Văn Đạo (Bộ Y tế)

UBND TPHCM cũng đã xác định lộ trình khôi phục hoạt động du lịch với ba giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 1/10 đến ngày 31/10, thành phố sẽ mở lại hoạt động du lịch nội vùng theo tiến trình kiểm soát dịch của các địa phương (chỉ mở trên địa bàn “vùng xanh”). Giai đoạn 2, từ ngày 1/11 đến 31/12, thành phố mở các hoạt động du lịch nội vùng và liên tỉnh theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương, chủ yếu tại “vùng xanh”. Giai đoạn 3, năm 2022, thành phố mở hoạt động du lịch nội vùng, liên tỉnh và quốc tế theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương và các quốc gia. 

Cùng với việc dần khôi phục các hoạt động giao thương, thành phố bước đầu “thử” cho phép học sinh học trực tiếp. UBND huyện Cần Giờ quyết định mở cửa lại trường học để học sinh các khối Một, Hai, Sáu, Chín, 12 được học tập, sinh hoạt trực tiếp tại các trường ở xã đảo Thạnh An từ ngày 20/10. 

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, căn cứ theo hướng dẫn phân cấp độ dịch tại Quyết định 4800 của Bộ Y tế, TPHCM đang ở cấp độ 2 - nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng (tuần trước là cấp độ 3). Trong thời gian tới, ngành y tế thành phố sẽ tập trung tăng cường giám sát để cảnh báo dịch; cập nhật cách phát hiện và xử lý các trường hợp F0 trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế; đánh giá cấp độ dịch thường xuyên theo từng cấp phường - xã, quận - huyện để kịp thời có biện pháp phù hợp.

Thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM ngày 20/10 cho thấy, người trên 18 tuổi đã tiêm một mũi là: 98,9%; người tiêm đủ hai mũi là: 76,6%; người trên 65 tuổi được tiêm hai mũi là: 89,71%; người trên 50 tuổi được tiêm hai mũi là 78,02%… 

Không phong tỏa,  cách ly như trước

Khi phát hiện ca mắc mới, địa phương không phải khoanh vùng, phong tỏa khu vực; yêu cầu F0, F1 phải đi cách ly, điều trị như trước mà phải xem xét tình hình dịch bệnh, cũng như sức khỏe F0 rồi mới quyết định những bước tiếp theo. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin như thế tại cuộc họp thông tin về phòng, chống COVID-19 tại TPHCM vào chiều 21/10.

Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, trước đây khi có một ca mắc mới trong cộng đồng, y tế phải phối hợp với cơ quan chức năng địa phương lập tức cách ly người bệnh, khoanh vùng dịch tễ, truy vết các trường hợp tiếp xúc, phong tỏa khu vực, xử lý triệt để trong kiểm soát dịch…

Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, khi phát hiện ca F0 trong cộng đồng có hai khái niệm: Đối với ổ dịch hộ gia đình, nếu mỗi hộ chỉ có một ca F0, cơ quan y tế, địa phương sẽ đến khám sàng lọc, đánh giá tình trạng. Trường hợp nếu đủ điều kiện, cơ quan chức năng sẽ để bệnh nhân cách ly tại nhà. Nếu có triệu chứng nặng hoặc SpO2 dưới 95%, nhân viên y tế có nghi ngờ về kết quả xét nghiệm, bệnh nhân sẽ được đưa đến trạm y tế xét nghiệm. 

“Trong thời gian tới, TPHCM sẽ thu hẹp khoảng 2/3 số lượng bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện đa khoa sẽ thành lập Khoa COVID-19. Các quận, huyện thành lập ít nhất một bệnh viện dã chiến nhằm điều trị cho các bệnh nhân mắc mới”, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm.

Phạm An

 Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI