Sóc Trăng: Mẹ chồng - nàng dâu và sổ tiết kiệm 20 tỷ mất chủ

24/03/2021 - 06:08

PNO - Để chứng minh số tiền 20 tỷ là của mình, bà K. phải cho thấy được nguồn tiền từ tài khoản của bà đến sổ tiết kiệm của anh T. thông qua các chứng từ, lời khai của người có quyền - nghĩa vụ liên quan, người làm chứng…

Anh Tài T. (sống ở TP.HCM) bị tai nạn giao thông qua đời ở tuổi 33 để lại vợ và hai con nhỏ cùng nhiều tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, không di chúc, trong đó có sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng.

Mẹ ruột anh T. là bà Mỹ K. (làm nghề kinh doanh, sống ở Sóc Trăng) quả quyết số tiền đó của bà, bà chỉ nhờ con đứng tên và bây giờ bà khởi kiện để lấy lại. Trong khi đó, chị Kim M. (vợ anh T.) nói rằng chị chỉ trả lại mẹ chồng nếu số tiền này thực sự là của bà.

Ai là chủ nhân thực sự của cuốn sổ tiết kiệm 20 tỷ?

Nộp hồ sơ khởi kiện lên Tòa án nhân dân (TAND) H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng bà K. khẳng định số tiền 20 tỷ đồng anh T. gửi tiết kiệm vào ngày 14/12/2018 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là từ tiền của bà. 

Mười ngày sau khi anh T. mở sổ, bà dùng sổ này để thế chấp vay cũng ở BIDV nhằm được hưởng lãi suất ưu đãi theo chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn của Chính phủ.

Bảng kê thu tiền mặt của anh T. khi mở sổ tiết kiệm
Bảng kê thu tiền mặt của anh T. khi mở sổ tiết kiệm

Sau khi anh T. mất và khoản nợ được tất toán, bà K. cùng chị M. đến văn phòng công chứng Trần Vũ Ngân Bình (H.Mỹ Xuyên) làm thủ tục liên quan đến sổ tiết kiệm đã thế chấp và các tài sản khác của anh T. để lại.

Khai tại tòa, bà K. nói và mẹ con chị M. đều có quyền thừa kế. Nhưng để thủ tục nhanh gọn văn phòng công chứng tư vấn bà nên từ chối nhận thừa kế để toàn bộ di sản thuộc về mẹ con chị M. Chị M. cũng hứa sau khi nhận tài sản sẽ bàn giao toàn bộ cho bà K.

Tuy nhiên, sau khi ký, bà nhận ra con dâu thất hứa và mình bị lừa nên đã nộp đơn khởi kiện phòng công chứng. Nội dung đơn yêu cầu hủy văn bản từ chối di sản và sau đó bổ sung khởi kiện yêu cầu công nhận các tài sản thuộc quyền sở hữu của bà.

Tại phiên xử sơ thẩm, bà K. nói: “Cô M. muốn thì phải xin tôi chứ không thể tranh giành với tôi như vậy!”. Bà K. trình bày: sổ tiết kiệm mà anh T. đứng tên là tiền từ tài khoản 20 tỷ đồng của bà, số tiền này bà có được do mượn người quen 18,7 tỷ đồng và nhân viên công ty bà nộp vào 1,3 tỷ đồng. 

Tiền của mẹ sang qua sổ tiết kiệm của con bằng cách nào?

Để chứng minh số tiền 20 tỷ là của mình, bà K. phải cho thấy được nguồn tiền từ tài khoản của bà đến sổ tiết kiệm của anh T. thông qua các chứng từ, lời khai của người có quyền - nghĩa vụ liên quan, người làm chứng…

Thế nhưng tại tòa, người đại diện theo ủy quyền của BIDV – chi nhánh Sóc Trăng là phó giám đốc, phụ trách phòng giao dịch Trần Đề (nơi bà K. khai anh T. mở sổ tiết kiệm) và cũng là người trực tiếp giao sổ cho bà K. khai rằng ông không nhớ rõ ngày 14/12/2018 có mặt anh T. tại phòng giao dịch (PGD) Trần Đề không, chỉ khẳng định về mặt chứng từ thì anh T. đã ký tên đầy đủ. Bà K. khai anh T. không có mặt tại PGD Trần Đề vào ngày hôm ấy.

Tại tòa, luật sư Võ Thị Anh Loan (Đoàn Luật sư TP.HCM, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị M. và hai con) chất vấn: “Theo quy định thì việc mở tài khoản là sổ tiết kiệm thì chính người đó tới ký tên hay ủy quyền cho người khác mở?”. Người đại diện BIDV - chi nhánh Sóc Trăng trả lời: “Cái này không nằm trong trọng tâm vụ án nên tôi xin phép không trả lời”. 

Luật sư Anh Loan phân tích, tại thời điểm anh T. mở sổ thì Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN đang được áp dụng, tại điều 8 quy định về thủ tục gửi tiền gửi tiết kiệm nêu rõ: “Người gửi tiền phải trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và xuất trình các giấy tờ như giấy chứng minh nhân dân đối với người gửi tiền là cá nhân Việt Nam…”.

Nếu anh T. không có mặt ở PGD Trần Đề vào ngày 14/12/2018 nhưng có sổ tiết kiệm được mở đúng vào ngày đó, thì cần xác minh liệu anh có gửi tiền ở địa chỉ giao dịch khác cùng hệ thống BIDV hay không.

Luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TP.HCM, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị M. và hai con) hỏi: “Tài liệu chứng từ anh T. ký tên mở sổ, ngân hàng đã cung cấp cho tòa án chưa? Trong các chứng từ có cụm từ nào hay dòng chữ nào thể hiện bà K. nhờ anh T. đứng tên sổ tiết kiệm không? Chứng từ anh T. nộp tiền mặt, hay tiền ở đâu chuyển về để anh T. có mà mở sổ tiết kiệm?”. Người đại diện BIDV - chi nhánh Sóc Trăng đáp: “Tôi đã nộp cho tòa. Đề nghị luật sư xem hồ sơ”. 

Các luật sư vẫn chưa được tiếp cận chứng từ nêu trên nên đề nghị hội đồng xét xử công bố hết chứng cứ tài liệu và tạm dừng phiên tòa để quay lại thủ tục kiểm tra, giao nộp chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa bỏ qua đề nghị của luật sư. 

Theo lập luận của các luật sư, thì trên sổ tiết kiệm của anh T. có con dấu của BIDV chi nhánh Sóc Trăng nhưng người đại diện BIDV - chi nhánh Sóc Trăng, phụ trách PGD Trần Đề và bà K. đều khai anh T. lập sổ ở PGD Trần Đề (hai nơi cách nhau 30km).

Vậy thực ra anh T. đã mở sổ tại đâu? 20 tỷ đồng trong tài khoản bà K. và 20 tỷ đồng anh T. mở sổ tiết kiệm được đổi chủ hay là hai gói tiền khác nhau? Nếu là đổi chủ thì tiền từ tài khoản bà K. chuyển qua anh T. bằng con đường nào trong khi không có chứng từ?

Vừa chơi với con, chị Kim M. vừa ủi quần áo để giao cho khách hàng
Vừa chơi với con, chị Kim M. vừa ủi quần áo để giao cho khách hàng

Mong một phán quyết công tâm!

Kết thúc phiên sơ thẩm, TAND Mỹ Xuyên tuyên hủy văn bản từ chối di sản bà K. đã ký tại văn phòng công chứng và cho phép bà K. được rút sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng do anh T. đứng tên.

Bất bình trước phán quyết này của tòa, khẳng định việc từ chối di sản là do bà K. tự nguyện chứ công chứng viên không thúc ép hay tư vấn sai lệch, văn phòng công chứng (bị đơn) đã kháng cáo. Cho rằng tòa xử chưa thấu tình đạt lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của ba mẹ con mình, chị Kim M. cũng đã kháng cáo.

Trong những lần tòa triệu tập, chị M. đều nhờ người đại diện chứ không trực tiếp tham dự. Gửi đơn yêu cầu Báo Phụ Nữ TP.HCM can thiệp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chị và các con, chị M. chia sẻ: “Những lần tôi nói chuyện với bà K., bà đều không muốn thỏa thuận. Bà thường nói vợ chồng tôi sống bám đồng tiền của bà và bêu xấu nên tôi rất sợ. Tôi từng hứa phần tài sản nào mà bà K. chứng minh được là của bà thì tôi sẽ trả lại hết cho bà. Có thể bà K. nghe nhầm rằng tôi hứa giao toàn bộ”. 

Khi chồng mất, chị M. không về Sóc Trăng ở với gia đình chồng vì muốn tiếp tục việc buôn bán và các con có điều kiện học tốt hơn tại TP.HCM. Cuộc sống của ba mẹ con chị hiện ổn định. Chị mong một bản án công bằng, nhân văn; nếu bà K. chứng minh được đó là tiền của bà, chị sẵn sàng giao cho bà. 

Phiên tòa phúc thẩm tại TAND tỉnh Sóc Trăng dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3/2021 (gần hai năm sau khi anh T. qua đời). Hiện đã có thêm chứng cứ quan trọng được TAND Sóc Trăng thu thập sau khi thụ lý vụ án, trong đó có bảng kê thu tiền mặt của anh T. tại BIDV chi nhánh Sóc Trăng khi mở sổ tiết kiệm.

Hy vọng rằng người chết không cất nên lời nhưng sự thật sẽ nói thay! Khi tòa xác minh cẩn trọng, đa chiều và ra phán quyết công tâm, các đương sự, nhất là những người trong gia đình sẽ nhìn lại mình, tôn trọng các giới hạn và giúp các mối quan hệ được hàn gắn. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI