Sau đổ vỡ, họ lại yêu

29/03/2024 - 14:31

PNO - “Rất nhiều người luôn hỏi thăm, động viên chúng tôi nên sinh con để tình cảm thêm gắn kết. Nhưng với chúng tôi, việc có con chung hay không không ảnh hưởng tới tình yêu và hạnh phúc hiện tại” - chị Nguyễn Trà My chia sẻ.

Chị Trà My sinh năm 1986, hiện đang làm việc tự do. Anh Vũ Tiên Lâm sinh năm 1978, là phóng viên thể thao. Họ từng qua đổ vỡ, gặp nhau ở Hà Nội, yêu nhau và chung sống dưới một mái nhà đến nay đã 5 năm. Dù chưa kết hôn, chưa có con chung, tình cảm họ vẫn luôn bền chặt, lãng mạn. Ngoài sẻ chia cuộc sống, chị Trà My và anh Tiên Lâm còn chung niềm vui khi cùng nhau làm thiện nguyện.

Có cậu con trai ở cùng, họ trở thành một gia đình
Có cậu con trai ở cùng, họ trở thành một gia đình

Không kiểm tra điện thoại, tài khoản của nhau

Chị Trà My học tập và làm việc ở Hà Nội từ năm 2004. Năm 2016, chị chuyển về Hải Phòng làm việc. Cuộc hôn nhân không trọn vẹn, chị trở thành mẹ đơn thân. Ở Hải Phòng được 2 năm, chị vẫn nhớ Hà Nội, nhớ môi trường, văn hóa công sở hơn nên chị đã trở lại. Năm 2019, tại nơi làm việc, chị gặp anh Lâm.

“Câu chuyện bắt đầu từ việc mọi người rủ nhau cùng ăn cơm chung. Thức ăn thì có thể mang đi từ nhà, cơm và rau thì nấu trên bếp của công ty. Tôi ấn tượng với anh vì trong nhiều người, chỉ có tôi và anh chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cho việc này. Nhớ mỗi buổi trưa, cứ đúng giờ là anh rời khỏi bàn, đong gạo cắm cơm. Tôi đã cảm thấy một người thích ăn cơm nhà như vậy hẳn sẽ là một người đàn ông tốt của gia đình” - chị Trà My kể lại.

Tình cảm bắt đầu sau những giờ làm, khi anh chị ở lại muộn hơn để tham gia một số trò chơi. Nhớ có lần, anh Lâm đã chuẩn bị đồ để đi đá bóng, nhưng mãi vẫn không đi. Chị Trà My hỏi: “Sao anh không đi nữa?”, anh trả lời: “Anh thích ở lại trò chuyện với em hơn”. Sau đó, họ đi ăn, nói với nhau rất nhiều chủ đề. Và những buổi tối, cứ tan làm là họ lại hẹn nhau đi ăn, đi xem phim, đưa nhau về, nhắn tin gần như suốt đêm…

Anh Lâm cũng đã ly hôn, con trai sống cùng với mẹ ở nước ngoài. Còn chị, con trai chị sống cùng ông bà ngoại, cuối tuần chị về thăm con. 2 người đều không ràng buộc nên nhanh chóng đến với nhau. Đều thuộc típ người “lãng mạn” nên anh chị dành cho nhau cảm xúc như chưa từng yêu lần nào, không chút dè dặt, thoải mái thể hiện tình cảm. “Gặp anh, tôi không cho rằng mình là người từng thất bại trong tình yêu nữa” - chị Trà My bộc bạch.

Anh chị cũng có thời gian bàn bạc căng thẳng trước khi chuẩn bị đón con trai riêng của chị Trà My lên ở cùng. Anh lo lắng “không dễ dàng để cuộc sống của 2 người có thêm 1 đứa trẻ”, còn chị thì tự ái và tổn thương. Nhưng rồi sau những bất đồng, họ đã ngồi lại để cùng thẳng thắn nói về vấn đề, đưa ra giải pháp.

Cùng qua đổ vỡ, họ lại yêu nhau như chưa yêu lần nào
Cùng qua đổ vỡ, họ lại yêu nhau như chưa yêu lần nào

“Cuối cùng, điều tuyệt vời nhất là tuy không phải con chung nhưng việc cậu con trai lên sống cùng lại khiến chúng tôi giống một gia đình thực sự. 2 bố con rất hợp nhau. Anh chơi cùng con, dạy con, chăm sóc và trò chuyện với con có khi còn tình cảm hơn rất nhiều người bố thực sự khác. Anh mang đến cho con trai tôi cảm giác rằng anh chính là bố đẻ của con” - chị Trà My kể về điều ngọt ngào mà chị nghĩ xứng đáng để đánh đổi nhiều thứ.

Anh chị có chung những sở thích như về quê, thích đi du lịch, chụp ảnh, khám phá, làm từ thiện… Cả hai tôn trọng thời gian và các mối quan hệ riêng tư như không xem điện thoại, không kiểm tra tài khoản của nhau. Chị có những cuộc uống trà đến tận đêm khuya, còn anh có thể đi đánh bi da với bạn đến gần sáng, miễn chỉ cần biết người kia đi đâu, với ai là được.

Mỗi người đều cảm thấy may mắn khi gặp được một người phù hợp, có thể nói với nhau mọi chuyện. Cũng có nhiều lần cãi vã, to tiếng nhưng thường làm lành nhanh. “Tôi nhớ hồi đầu mới yêu, khi vừa cãi nhau và anh rời đi, chỉ 1 phút sau tôi nhận được tin nhắn: “Anh yêu em”. Tự dưng mọi bực dọc cũng vì thế mà tan biến” - chị Trà My cười.

“Bố mẹ là người tốt”

Sau gần 6 năm, 2 người vẫn giữ thói quen hôn tạm biệt khi ra khỏi nhà, thường xuyên nói yêu và nhớ nhau, nắm tay hoặc ôm khi ngủ. Có thể mỗi người một việc trước khi ngủ, thậm chí mỗi người một cái điện thoại, nhưng khi một người bỏ điện thoại xuống thì người kia cũng tắt máy. Trước mặt con, 2 người vẫn ôm và hôn nhau, ôm và hôn con để con hiểu đó là cách thể hiện tình yêu…

Chị Trà My chia sẻ, ngay từ khi bắt đầu, họ đã xác định đây là mối quan hệ nghiêm túc, do cả hai đều đã trải qua những vấp váp, thất bại trong tình yêu, hôn nhân. Tuy đôi bên đã qua lại nói chuyện nhiều lần, anh chị vẫn chưa chính thức kết hôn, do cảm thấy việc này chưa cần thiết. Dù việc kết hôn và sinh em bé đều nằm trong kế hoạch, nhưng điều này không quyết định tình cảm của họ dành cho nhau.

“Tình yêu là câu chuyện của 2 người. Nếu đủ tôn trọng, yêu thương và thấu hiểu thì tất cả những điều khác chỉ là thêm thắt mà thôi. Từ khi yêu nhau đến giờ, anh ấy đã hơn cả một người con rể, anh rể, một người bố, vì anh ấy rất hòa hợp với gia đình tôi. Anh ấy thậm chí còn về quê ăn tết với nhà tôi 4 năm liền. Tôi cũng yêu quý, hòa hợp với gia đình anh ấy, dù không sống chung” - chị Trà My nói.

Anh chị có sở thích chung rất đặc biệt là làm từ thiện. Anh đã làm việc 5 năm cho quỹ hỗ trợ phòng chống thiên tai miền Trung. Năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ ở Hà Nội, anh chị cùng tham gia các công tác vận chuyển, kêu gọi, trực tiếp trao quà cứu trợ cho nhiều điểm bị phong tỏa và những người khó khăn. Anh lái những “chuyến xe 0 đồng” khắp thành phố từ sáng sớm đến đêm để chuyên chở thực phẩm cứu trợ.

Cả hai đều hạnh phúc khi tìm được người phù hợp, cùng sở thích và có thể chia sẻ với nhau mọi điều
Cả hai đều hạnh phúc khi tìm được người phù hợp, cùng sở thích và có thể chia sẻ với nhau mọi điều

Sau đó, anh chị cùng làm tình nguyện viên cho một quán cơm 2.000 đồng, hằng ngày nấu cơm, nấu phở phát tại cổng Bệnh viện K3 Tân Triều; tham gia cùng quán tổ chức các chương trình tặng quà, từ thiện khác suốt hơn 1 năm. Đầu năm 2023, khi biết tin quán dừng hoạt động, anh chị đã rất tiếc nuối.

“Nhờ sự chung tay và động viên của bạn bè, hàng xóm quanh quán, chúng tôi đã quyết tâm mở lại và lấy tên là “Quán Nụ cười Shinbi - Cơm 2K”. Quán bán các suất cơm tại chỗ và mang về các buổi chiều từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần; mỗi suất đầy đủ 4 món ăn, 1 tráng miệng và quà tặng mang về chỉ với giá 2.000 đồng. Khách đến ăn cơm chủ yếu là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện K3 Tân Triều” - chị Trà My chia sẻ về công việc chung.

So với ngày mới yêu, anh đã thay đổi vị trí làm việc, còn chị đã xin nghỉ làm để kinh doanh tự do nên có thể cùng nhau tập trung toàn bộ thời gian, công sức cho việc vận hành, quản lý quán. Hiện tại, mỗi ngày anh chị cùng các tình nguyện viên phục vụ 350-800 suất cơm, phở.

Sau 1 năm, số lượng tình nguyện viên từng tham gia hỗ trợ quán đã lên gần 100 người, số lượt ủng hộ cả tài chính và vật chất lên tới 4.000-5.000 lượt. Ngoài quán cơm, anh chị cũng tài trợ và trực tiếp tổ chức vận động xây nhà bán trú và làm tiệc buffet cho học sinh vùng cao; tổ chức các chương trình tết thiếu nhi, tết Trung thu cho các bệnh nhi ở 3 bệnh viện: Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

“Một trong những điều khiến tôi thấy ý nghĩa nhất đó là cậu con trai rất vui vì “bố mẹ là người tốt”. Con trai rất thích xuống quán cơm, đi học về rất nhanh chóng ra hỗ trợ tặng quà cho bà con. Chúng tôi không chỉ đơn thuần là tổ chức được những bữa cơm ngon lành, sạch sẽ, nóng hổi và đủ dinh dưỡng cho những người kém may mắn, mà còn tạo ra một môi trường nơi ai cũng có thể tham gia làm việc thiện” - chị Trà My tự hào.

Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI