Sắt cầm hảo hiệp

12/02/2014 - 11:39

PNO - PN - Đang tỉa lại nhánh hoa điệp vàng, ông An Chi nở nụ cười hồn hậu đón khách. Ông bảo, khoảnh sân này chỉ 30m2 nhưng là cả một “trời hoa mộng”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ông dẫn tôi vào nhà, vẫn ngập ánh sáng trời, nhưng đầy ắp sách. Ông già người Sài Gòn “chính hiệu” này từ lâu đã được nhiều người kính mến gọi là học giả, nhưng ông hóm hỉnh: “Tui thì ngán hai tiếng “học giả” lắm!”. Những người đam mê chữ nghĩa nể ông ở thái độ làm việc nghiêm cẩn và bền bỉ; không ít người ghiền đọc phần giải đáp thắc mắc về chữ nghĩa trên Tạp chí Kiến thức ngày nay của ông vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước. Người ngoài còn “kết” ông đến vậy, nói chi người bạn đời của ông - bà Đặng Thị Tuyết Điểu. Ông đã ở tuổi 79, bà thua ông đúng một giáp…

Thuận vợ thuận chồng

Những năm cuối thập kỷ 70, khi còn công tác ở Phòng Giáo dục Q.1, đã ngoài 40 nhưng ông vẫn độc thân. Bà là giáo viên dạy văn tại một trường của quận. Như cơ duyên, bà được chuyển công tác lên Phòng Giáo dục quận, hai người có điều kiện hiểu nhau rồi bén duyên. Năm 1980, bà về làm dâu ở Q.Bình Thạnh, nơi ông đang sống với gia đình.

Lúc ông bà mới cưới là thời điểm khó khăn chung của cả nước, kinh tế của hai vợ chồng cùng làm trong ngành giáo dục khá eo hẹp, nhưng ông vẫn giữ thói quen suốt ngày vùi đầu vào sách vở. Ông cần mẫn đọc, ghi ghi chép chép mỗi ngày, không cần biết việc đó sẽ đưa mình đến đâu. Quý là ở chỗ, dù chuyện sinh hoạt hằng ngày ra sao, bà vẫn tôn trọng nếp sống “sách vở” của chồng. Bà cười: “Mãi đến năm 1990, khi ông nhà tôi cộng tác với Kiến thức ngày nay, tôi mới thực sự thấy công việc của ông đem lại kết quả”.

Năm 49 tuổi, ông xin về hưu non để - như ông nói - đọc sách và nuôi chim kiểng chơi! Cách đây hơn 10 năm, bà cũng về hưu, có thêm thời gian chăm sóc chồng. “Làm công tác nghiên cứu, lại kỹ lưỡng như vậy, chắc ông An Chi khó tính lắm?”, bà nhẹ nhàng: “Ông ấy chỉ khó tính một cách đặc biệt với những gì liên quan đến sách vở thôi; còn ăn mặc, giao tiếp, đối đãi với người thân quen, ông ấy không phải là người khắt khe”. Bà kể, vợ cầm quyển sách của chồng, đọc xong, đẩy qua cho chồng, liền bị trách: “Em phải nhấc lên, đẩy như vậy sách xước bìa thì sao?”. Bà cũng phải luôn đọc sách ở tư thế ngồi, vì ông cho rằng, nếu nằm đọc, thể nào cũng cuộn trang sách, khiến sách hư gáy. Bà bảo: “Liên quan đến sách, chiều ổng một chút, cũng chẳng phải nặng nề gì”.

Giờ giấc làm việc của học giả An Chi khá đặc biệt. Ông thức đến hai, ba giờ sáng là thường, có khi đến quá bốn giờ. Bà cũng quen với nếp làm việc của chồng nên chẳng nề hà. Lúc đầu, bà thường thức khuya cùng chồng để châm trà, pha cà phê, nhưng ông khuyên bà cứ nghỉ ngơi bình thường, vì có như thế thì ông mới yên tâm thức để làm việc. Có lẽ, thời còn độc thân, dù lạc quan đến mấy, ông cũng không dám mơ mình tìm được một ý trung nhân tuyệt vời đến vậy. Ông bảo: “Nếu nói vợ chồng tôi là “sắt cầm hảo hiệp” (cách nói của người xưa, vợ chồng hòa hợp với nhau như đàn cầm, đàn sắt - PV) cũng không sai”.

Sat cam hao hiep

Phút thư thái của vợ chồng học giả An Chi

“Càng về cuối, càng mặn nồng”

Ông đã tổng kết như vậy khi nhìn lại hơn 30 năm chung sống. Ông bảo: “Tôi may mắn khi cưới được vợ hiền. Nếu gặp một người phụ nữ khác, không chắc tôi đã có nhiều điều kiện để nghiên cứu chữ nghĩa như thế”. Ông phát âm hai chữ “vợ hiền” thật chậm, như để nhấn thêm ý nghĩa. Mà cũng phải, thời hiện đại, đâu dễ tìm ra người vợ chiều được một người mê chữ như ông.

Không chỉ giỏi chăm sóc chồng, bà An Chi còn nổi tiếng là dâu thảo trong gia tộc nhà chồng. Một cụ già người Mỹ, bạn của mẹ ông An Chi, khi được nghe chuyện bà An Chi chăm sóc mẹ chồng đã khen ở Mỹ trong một triệu phụ nữ, mới có một người con dâu tuyệt vời như thế. Những năm mẹ chồng còn sống, bà thường trải một manh chiếu nhỏ nằm dưới đất, cạnh giường của mẹ chồng để tiện chăm sóc. Bà có việc ra khỏi nhà một lúc là đã “bị” mẹ chồng nhớ, gọi tên luôn miệng. Có thời điểm, dì chồng bệnh nặng, nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Điểu phải “phân thân”, chạy qua chạy lại chăm sóc mẹ và dì chồng.

Học giả An Chi nói: “Không có lý thuyết chung cho hạnh phúc, mỗi trường hợp mỗi khác. Vợ chồng tôi tôn trọng, quan tâm đến nhau từ những cái nhỏ nhặt, lại có thời gian kề cận bên nhau nhiều, nên cảm giác hầu như không thể cách xa. Phần mình, tôi ngày càng thương quý vợ hơn ở phẩm hạnh, ở sự hy sinh bà ấy dành cho chồng, cho gia đình chồng. Hiểu được tâm tính nhau, lại chung nhiều sở thích, đặc biệt là trong những vấn đề căn bản, đại sự nên chúng tôi chẳng bao giờ tranh cãi với nhau. Hành động tốt đẹp dành cho nhau được góp nhặt, bồi đắp qua từng ngày giúp tình cảm càng cháy đượm hơn. Tôi nghĩ, khi vợ chồng xây dựng được tình yêu chân chính và sâu sắc, sẽ là nền tảng để mối quan hệ đó ngày càng bền chặt”.

 Trần Triều

Bài 2: Tình già

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI