Sao kê tài sản của anh, của em

31/12/2021 - 12:41

PNO - Khi kết hôn, ít người chú trọng về tiền bạc, vật chất, hoặc cho rằng những thứ ấy là phù du, là vật ngoài thân, vấn đề quan trọng hơn là sống hết lòng, yêu thương nhau…

 

Rất nhiều cặp đôi không chú trọng các quy định về chế độ tài sản chung, riêng; đăng ký xác lập chủ quyền về tài sản trước và sau khi kết hôn… Tuy nhiên, sau khi chung sống một thời gian và có mâu thuẫn phải ra tòa ly hôn… đây lại là chuyện lớn. Tranh chấp phổ biến và gay gắt nhất trong các vụ việc về hôn nhân và gia đình vẫn là tài sản chung, tài sản riêng. 

Bị hủy hôn vì đề nghị sao kê

Anh N. là một Việt kiều nhiều năm định cư ở Mỹ, có quan hệ tình cảm với chị T., ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Anh chị đã tìm hiểu, yêu nhau và đã đính hôn vào tháng 10/2020, dự định sang năm 2021 anh sẽ về Việt Nam kết hôn với chị. Dịch bệnh bùng phát, các bên lùi lại, chờ khi bớt dịch, anh sẽ về Việt Nam để đăng ký kết hôn và làm đám cưới.

Anh N. khá thành đạt và có nhiều tài sản, như nhà, xe, tài khoản ngân hàng, có của thừa kế là nhà đất ở Việt Nam. Chị T. thì đang ở chung với cha mẹ, có một chiếc xe cha mẹ cho và một ít tiền gửi ngân hàng. Trước khi kết hôn, anh N. có ý nguyện sẽ lập văn bản thỏa thuận tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng và nhờ công chứng chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Anh đề nghị với chị T. liên hệ luật sư và văn phòng công chứng ở Việt Nam soạn sẵn mẫu gửi cho anh xem, đồng thời đợi khi nào anh về nước sẽ ra công chứng và sau đó đăng ký kết hôn, tổ chức đám cưới. Anh sao kê toàn bộ tài sản gửi email về cho chị T. Do sinh sống ở nước ngoài, việc này theo anh N. là bình thường. Biết người Việt có câu thành ngữ “Mất lòng trước, được lòng sau”, nên anh N. nghĩ đề nghị của anh cũng không có gì quá đáng, chỉ tốt cho đôi bên.

Tuy nhiên, chị T. cho rằng anh N. quá tính toán trong tình yêu hôn nhân; anh kỹ tính quá thì liệu có phù hợp khi sống chung về sau này hay không. Cha mẹ của chị T. biết tin này nổi giận, cho rằng anh N. làm như thế là xem thường, không tôn trọng nhà gái; “xúc phạm” con gái mình và gia đình nhà gái, nên nhất quyết đòi hủy hôn…

Cứ đăng ký kết hôn, rồi ly hôn ngay 

Anh M. và chị D. (ở Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) đều là doanh nhân thành đạt trên thương trường, và đều dang dở đối với cuộc hôn nhân đầu tiên.

Anh chị đã chung sống như vợ chồng nhưng chưa làm đám cưới. Lý do là anh chị không muốn rình rang, công khai vì cũng ngại không biết tình cảm liệu có lâu bền. Đã lỡ một lần đò, nên cả hai đều hết sức dè dặt và cẩn trọng. 

Chuyện đăng ký kết hôn họ càng không nghĩ tới, vì cả hai không muốn ràng buộc với nhau, nếu không hợp sẽ đường ai nấy đi không phải làm bất cứ thủ tục nào trước pháp luật. Nghĩ thế, nhưng thực sự trong cuộc sống chung vợ chồng, anh M. và chị D. hòa hợp với nhau về mọi mặt, họ sống hết mình, vui vẻ, không bận tâm về tiền bạc. Trong đó, anh M. lo phần lớn chi phí sinh hoạt cho cuộc sống chung.

Mỗi người đều có con riêng. Tuy nhiên, anh chị vẫn còn khát khao có thêm đứa con chung. Sống chung đã sáu năm mà họ vẫn chưa thấy tin vui. Đi khám chuyên khoa hiếm muộn, bác sĩ cho biết trường hợp của anh chị phải nhờ đến phương thức tạo phôi, thụ tinh trong ống nghiệm và đưa vào cơ thể phụ nữ để mang thai.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Anh M. và chị D. đồng ý, nhưng để làm điều đó, anh chị phải có giấy chứng nhận kết hôn để sau này đăng ký khai sinh cho con. 
Do các bên có nhiều tài sản, nên có nhu cầu muốn lập văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn. Anh M. đã tìm hiểu và liên hệ với các tổ chức hành nghề công chứng để hỏi thủ tục. Tuy nhiên hầu hết các công chứng viên đều yêu cầu anh chị cung cấp danh mục tài sản kèm theo giấy tờ chủ quyền tài sản, tài khoản thẻ tiết kiệm ngân hàng… đầy đủ, mới công chứng được.

Anh M. thất vọng, vì tài sản của anh khá nhiều, trong đó có cả tài sản của cha mẹ và gia đình bên anh, chưa kể phần hùn vốn góp trong công ty nên anh không muốn công khai; trong khi chị D. cũng có tài sản, tuy ít hơn nhưng vẫn muốn giữ bí mật, chứ không muốn liệt kê chi tiết. Anh M. và chị D. loay hoay mãi vẫn chưa chứng nhận được văn bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng. Trong khi sự khao khát “có con”, khiến chị D. đề nghị táo bạo “cứ đăng ký kết hôn, rồi sau đó ly hôn ngay!”. 

Thái Thanh

NÊN THỎA THUẬN TÀI SẢN TIỀN HÔN NHÂN

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã quy định nhiều nội dung mới và nhân văn, đó là “Xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận” bên cạnh định chế truyền thống có từ lâu là “Xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo pháp luật”. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. 

Tuy nhiên, trong thực tiễn hành nghề luật sư, tôi nhận thấy rất ít đôi vợ chồng yêu cầu giúp đỡ về thủ tục xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, trong khi xu hướng giới trẻ hiện nay và nhất là với những người thành đạt, có nhiều tài sản nhưng bị đổ vỡ trong hôn nhân… có nhu cầu và rất quan tâm về chế độ “hôn khế”, theo kiểu rạch ròi tài sản “chung, riêng” trước khi kết hôn.

Nguyên nhân là do các đôi nam nữ có tâm lý ngại việc “rạch ròi” quá sẽ ảnh hưởng chuyện tình cảm vợ chồng; một phần các tổ chức hành nghề công chứng hiện nay hay yêu cầu các đương sự phải cung cấp (theo kiểu liệt kê) cụ thể danh mục các tài sản riêng trước khi kết hôn, thì mới có cơ sở để chứng nhận, trong khi người trong cuộc vì nhiều lý do tế nhị họ không muốn công khai tất cả các tài sản hiện có…

Chính sự “cứng nhắc” đó làm cho các đôi vợ chồng chần chừ trong việc đăng ký kết hôn, dù rằng nhiều trường hợp họ đã cưới nhau, chung sống với nhau, rất hợp nhau và thậm chí đã có con chung với nhau.

Như vậy, làm thế nào để vừa đăng ký kết hôn, hợp thức hóa hôn nhân, đảm bảo quyền lợi của con trẻ, mà vẫn bảo đảm vấn đề tài sản riêng chung theo thỏa thuận mà các bên vẫn vui vẻ, tin yêu và sống hạnh phúc bên nhau?

Thực tiễn công tác pháp lý, thời gian qua tôi đã tư vấn và thực hiện thành công một số trường hợp vợ chồng lập văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản trước khi kết hôn theo kiểu “có chung, có riêng” và đặc biệt là với tài sản riêng trước khi kết hôn thì “không cần liệt kê”.

Theo đó, nội dung chính cần thể hiện tại văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng là:

Tài sản được xác định là tài sản riêng, bao gồm:
- Toàn bộ tài sản chỉ ghi tên của người nào trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, trao đổi, góp vốn và các văn bản, hợp đồng khác mà có trước khi đăng ký kết hôn thuộc sở hữu riêng của người đó. 
- Toàn bộ tài sản chỉ ghi tên của người nào trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, trao đổi, góp vốn và các văn bản, hợp đồng khác mà có sau khi đăng ký kết hôn thuộc sở hữu riêng của người đó. 
Tài sản được xác định là tài sản chung, bao gồm: 
- Toàn bộ tài sản ghi tên của cả vợ và chồng trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, trao đổi, góp vốn và các văn bản, hợp đồng khác mà có sau khi đăng ký kết hôn thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Về thủ tục, văn bản này phải được công chứng theo quy định của pháp luật. Nội dung thỏa thuận nói trên phù hợp, an toàn và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản cho các bên trong điều kiện hiện tại và cả trong tương lai. 

Sau khi kết hôn, nếu vợ hoặc chồng muốn bán tài sản mà mình có được trước khi kết hôn, kể cả tài sản trong thời kỳ hôn nhân mà người đó đứng tên riêng thì chỉ cần xuất trình văn bản nói trên là có thể toàn quyền định đoạt mà không cần hỏi ý kiến của người kia. 

Trường hợp vợ hoặc chồng muốn mua, tạo lập tài sản trong thời kỳ hôn nhân và muốn đứng tên riêng thì căn cứ hợp đồng mua bán và văn bản này thì người đó sẽ được đăng ký cấp giấy chứng nhận chủ quyền riêng, các cơ quan có thẩm quyền cũng không đòi hỏi ý kiến hoặc văn bản xác nhận tài sản riêng của người kia.

Như vậy, giải pháp trên sẽ giúp các bên yên tâm trong việc đăng ký kết hôn, chung sống lâu dài với nhau, trọn vẹn chữ “lý, tình”; trường hợp lỡ có ly hôn, chia tay nhau thì tài sản cũng đã được quy định rạch ròi, tránh những tranh chấp, thiệt thòi, bất công cho một hoặc cả hai bên về sau.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI