Rốt cuộc yêu là gì?: Yêu là một cuộc lột xác ngoạn mục

14/02/2022 - 08:02

PNO - Trong mỗi chúng ta luôn có những hạt giống tình yêu chực nảy mầm và chưa bao giờ những mầm cây ngừng vươn về phía ánh sáng. Tình yêu là một thực thể riêng biệt: nó có ngôn ngữ riêng, tư duy riêng, ý chí riêng, xúc cảm riêng...

1. Trong quan niệm về tình yêu của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Sokrates, tình yêu là sự khao khát cái đẹp, sự hoàn hảo, trí tuệ. Yêu là nhận thấy sự hoàn hảo ở người mình yêu, từ vẻ đẹp cơ thể đến vẻ đẹp tâm hồn, rồi từ đó vươn tới dạng thức hoàn thiện của trí tuệ. 

Theo Sokrates, khi đạt đến nấc thang tri thức và trí tuệ, tình yêu sẽ vượt ra ngoài thực tại của không gian, thời gian để vươn đến một thực tại vĩnh cửu hoàn toàn tách biệt với thực-tại-vật-chất-đang-là.

Cái “thực tại vĩnh cửu” mà Sokrates nói đến có lẽ chính là phần sâu thẳm trong tâm thức và đức tin của con người mà chỉ qua sự màu nhiệm của tình yêu mới có thể chạm tới. 

Quan niệm của các triết gia Hy Lạp cổ đại khiến tôi nhận ra rằng, không còn khả năng yêu là điều đáng sợ nhất, bởi khi không thể yêu cũng có nghĩa là chúng ta không thể cảm nhận được vẻ đẹp của tri thức, không chạm được đến phần sâu thẳm trong tâm thức.

Charles Pogue viết rằng: “Được yêu, đó là hạnh phúc của con người. Yêu mà không cần được yêu lại, đó là hạnh phúc của thần tiên”. 

 

Milan Kundera cũng có một ý niệm tương tự về tình yêu. Trong cuốn Đời nhẹ khôn kham (The unbearable lightness of being), cuốn tiểu thuyết mang cảm thức lưu vong và tư duy triết học về tình yêu và thân phận con người, Kundera mô tả tình yêu của Teresa dành cho Tomas là một thứ tình yêu “không cần đến sự đáp lại, tự nó đã chứa cả trong mình tiếng gọi và lời đáp; tự nó đã chứa đầy nó”.

Đây chính là ý niệm yêu-không-cần-sở-hữu, chỉ cần sự hiện diện của người mình yêu trong cuộc đời này là đủ. Theo Kundera, “được yêu mà không cần đền đáp, đó là bằng chứng của tình yêu thực sự. Nếu một người phụ nữ nói với tôi: Tôi yêu bạn vì bạn thông minh, vì bạn tử tế, vì bạn mua quà cho tôi, vì bạn không theo đuổi phụ nữ khác, vì bạn biết làm các món ăn…  thì tôi thất vọng; tình yêu như vậy có vẻ là một công việc khá tư lợi. Thật tuyệt biết bao khi được nghe: Tôi phát điên vì bạn, dù bạn không thông minh hay tử tế, dù bạn là một kẻ dối trá, một gã cao ngạo, một tên khốn”. 

Yêu là một cuộc lột xác ngoạn mục, phá vỡ những giới hạn và định kiến trong bản thân mỗi chúng ta. Tình yêu có thể biến “tên khốn” thành một gã lịch lãm, kẻ dối trá bỗng trở nên chân thành, gã cao ngạo trở nên khiêm nhu… Trong cuốn Tình yêu điên dại (Mad Love), André Breton định nghĩa: “Yêu là khi bạn gặp một người nói cho bạn biết điều gì đó mới mẻ về chính bản thân bạn”.

Tình yêu xuất hiện trong cuộc đời chúng ta là để mở những cánh cửa, để vén lên cho chúng ta thấy những tầng sâu khác trong bản thân mình mà có khi ngay cả chính chúng ta cũng không biết. Tình yêu phải là điều gì đó lớn hơn cảm xúc mơ mộng hay buồn bã vẩn vơ. Tình yêu phải có khả năng làm trỗi lên trong chúng ta những ý chí bị vùi lấp bởi trăm ngàn lý do, những ý chí sống mà chính chúng ta cũng không biết chúng tồn tại, khiến chúng ta muốn sống cho hết ý chí đó, muốn khám phá, sáng tạo, muốn vươn tới... Trong bài thơ Về tình yêu (On Love), Kahlil Gibran mô tả tình yêu như một hành trình đầy thử thách giúp con người trưởng thành:

Tình yêu gom bạn vào lòng như bó lúa
Đập cho bạn tróc vảy trầy vi
Xay xát cho bạn sạch bong không còn vỏ trấu
Nghiền bạn đến trắng tinh
Nhào nặn cho đến khi bạn mềm dẻo…

Ảnh SHUTTERSTOCK
Ảnh SHUTTERSTOCK

 

Gibran đã đưa ra ý niệm sống và yêu đủ đầy, trong đó bên cạnh sự bình an và niềm hoan lạc còn là nỗi đau. Nỗi đau khiến chúng ta dạn dĩ, cứng cỏi và lớn lên, miễn là chúng ta đủ mạnh mẽ để không bị nó nhấn chìm. Thiếu nỗi đau, làm sao bạn có thể biết bạn mạnh mẽ hay yếu đuối, cố chấp hay bao dung, lạc quan hay yếm thế?

Ở góc độ nào đó, nỗi đau còn là hành trang, là tài sản như tên của bộ sách Bất hạnh là một tài sản của Phan Việt. Trong bộ sách này, tình yêu dường như luôn gắn với đau khổ, bất hạnh.

Thế nhưng thay vì chỉ ôm mối bất hạnh đó mà than khóc, nhân vật của Phan Việt đã có được một “tài sản” đáng giá sau những sợ hãi, hoang mang và rạn vỡ niềm tin. Tài sản đó gồm cả sự bao dung với chính mình, làm hòa với chính mình.

Cái triết lý đơn giản của sự bao dung là ở chỗ, khi học được cách tha thứ cho người khác và cho chính mình, người ta mới có thể sống hạnh phúc. Sự đổ vỡ hôn nhân đôi lúc khiến Phan Việt hoài nghi: “Tình yêu lớn đòi hỏi nhiều quá. Nó vắt kiệt người ta nên nó tự hủy diệt. Về lý thuyết nó khó tồn tại bởi vì nó lúc nào cũng ở trong tình trạng chiến đấu chống lại cái gì đó…”.

Tôi thì nghĩ rằng “tình trạng chiến đấu chống lại cái gì đó” mà Phan Việt nói đến chính là chống lại sự cũ nhàm trong chính con người mình.

Từ lúc nào đó, trong đời sống lo toan thường nhật, chúng ta dần mất đi thói quen biểu lộ tình yêu với người mình yêu. Mọi thứ trở nên cũ nhàm, từ ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ, cử chỉ, tri thức… Chúng ta tưởng mình khoanh vùng an toàn là có thể bảo vệ và che chắn cho tình yêu, nhưng hóa ra lại vô tình tạo ra sức ỳ của thói quen, “những thói quen khiến chúng ta có thể dễ dàng chịu đựng bất kỳ cuộc hôn nhân hay mối quan hệ nào”, khiến chúng ta trở nên dè dặt, cảnh giác trước những thách thức, đổi thay và đóng băng mọi cảm xúc và ý chí.

 

2. Tình yêu giống như cái cây, nếu không được chăm sóc, tưới tắm, nó sẽ héo tàn. Những mối quan hệ được nuôi dưỡng và tạo dựng trên nền tảng của trò chuyện, chia sẻ và mơ chung sẽ giúp những người đang yêu chạm được đến phần sâu thẳm trong tâm hồn của nhau.

Thiếu những cuộc trò chuyện, mỗi người sẽ tự rút về vỏ ốc, về thế giới riêng của mình. Nhưng để có thể trò chuyện, chúng ta phải tìm ra ngôn ngữ và cách biểu đạt tình yêu. Mỗi cuộc tình có một ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ đó gắn kết hay gây tổn thương tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng nó. Dùng ngôn ngữ của cuộc tình này để diễn đạt một cuộc tình khác chẳng khác gì làm theo… văn mẫu.

Trong phim Annie Hall của Woody Allen, anh chàng Alvy đã từ chối “văn mẫu” và cố gắng tìm cách biểu đạt ngôn ngữ mới để gắn kết mối quan hệ với cô nàng Annie. Alvy nói: “Yêu là một từ quá yếu ớt để diễn tả những gì tôi cảm thấy” và anh biến tấu từ “yêu” thành những từ mà anh cho rằng đủ mạnh để có thể diễn tả cảm nhận của mình: “Tôi yêuuu em!”, “Tôi yyêuu em!”, “Tôi yêêuu em!”… 

Chắc hẳn mỗi chúng ta, sau một cuộc tranh luận, đã từng có lúc nhận ra sự bất lực của ngôn từ khiến câu chuyện trở nên bế tắc. Khi đó chúng ta muốn có một thứ ngôn ngữ khác để thay thế cho cách biểu đạt bằng ngôn từ chật hẹp, một thứ ngôn ngữ có thể giúp chuyển tải trực tiếp những ý tưởng và xúc cảm mà không gây sát thương, không bị diễn giải sai lạc. Có những lúc chúng ta nhận ra ngôn từ chẳng giúp được gì, cố dùng sẽ thành sáo mòn, lặp lại.

Sự lười nhác sẽ khiến mọi mối quan hệ yêu đương trở nên tẻ nhạt và èo uột. Khi bạn coi ai đó là đặc biệt, là duy nhất, thì ngôn từ và cách thể hiện của bạn dành cho họ cũng phải “đặc biệt và duy nhất”. Đó là cách bạn bày tỏ sự tôn trọng với họ và với chính mình. Vốn từ ngữ nghèo nàn thì khả năng biểu đạt cũng nghèo nàn như thế. Nếu bạn lười nhác và bất lực trong việc diễn đạt chính mình thì mọi ý niệm của bạn về cuộc sống, tình yêu và về chính bạn sẽ không thể định hình. Chúng mãi chỉ là những ý nghĩ và xúc cảm rời rạc, trôi dạt, va đập vào nhau rồi tạo nên nỗi sợ hãi, bất an và nghi hoặc.  

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Sự bất an trong tình yêu thường do cảm xúc mang lại. Cảm xúc là một dạng ngôn ngữ tự biểu hiện của tình yêu, là chất xúc tác quan trọng, nhưng không phải là thứ có thể nuôi dưỡng tình yêu lâu bền, vì cảm xúc thường biến đổi thiên hình vạn trạng và nhạt phai theo thời gian, nhất là thứ cảm xúc không được bảo chứng. Điều khiến người ta có thể đi đến tận cùng con đường không phải là những cảm xúc được nhen lên mỗi ngày (dù nó cần thiết để chúng ta cảm thấy hân hoan, rạo rực) mà là ý chí, sự hứa nguyện và cam kết.

Ý chí là thứ giúp ta yêu một người bất chấp những xáo trộn của thời gian. Một người được coi là kiên định không phải vì anh ta đã đi hết con đường thẳng băng trước mặt, mà vì anh ta đã đi đến tận cùng con đường có nhiều ngã rẽ. Tình yêu là một con đường có nhiều ngã rẽ như thế, và trên con đường đó, nếu không có sự cam kết, dù chỉ là cam kết với chính mình, người ta sẽ dễ dàng bỏ cuộc. 

*

Trong mỗi chúng ta luôn có những hạt giống tình yêu chực nảy mầm. Có những hạt giống chưa kịp thành cây non đã khô héo, có những cây non chưa kịp vươn cao đã lụi dần… Nhưng chưa bao giờ những mầm cây ngừng vươn về phía ánh sáng. Trong hành trình vươn cao, tìm kiếm ánh mặt trời đó, không ai giúp được chúng ta. Tình yêu, khi nó tồn tại, là một thực thể riêng biệt: nó có ngôn ngữ riêng, tư duy riêng, ý chí riêng, xúc cảm riêng...

Chính vì điều đó mà tình yêu trở nên kỳ diệu: chúng ta tham gia một cuộc lữ hành trên một con đường chưa ai vạch ra. Mỗi cuộc tình là một hành trình riêng biệt, một vũ trụ riêng biệt, ở đó kinh nghiệm không giúp được gì, ký ức không giúp được gì, chỉ có mình thôi: hai kẻ đồng hành cô đơn. Điều quan trọng là trong hành trình riêng biệt đó, những kẻ đồng hành luôn tin vào ý chí vươn tới của mình và của người đi cùng... 

Lưu Hương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI