Qua thời hương lửa

24/03/2013 - 16:11

PNO - PNCN - Bà chỉ muốn ông nhận đứa trẻ là con, từ đó thể hiện trách nhiệm của người cha qua việc cấp dưỡng cho đến năm con tròn 18 tuổi. Ông kiên quyết chối từ, giữ vững lập trường đứa trẻ đó không phải con ông. Ngậm ngùi...

Hành trình tìm cha cho con

Là người đứng đơn kiện xác nhận cha cho con, bà N.T.L. (SN 1969, tạm trú P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: 14 năm trước, bà là giáo viên tại một trường mầm non Q.Bình Thạnh. Ông M.T.H. nhỏ hơn bà năm tuổi, lúc này đang còn là sinh viên. Do ông ở trọ gần trường, nhiều lần gặp gỡ, trao đổi cùng bà nên cả hai sớm nảy sinh tình cảm. Sau ba năm yêu đương, họ dọn về chung sống với nhau.

Rồi ông tốt nghiệp, về Đà Nẵng sống, bà cũng chuyển sang công tác tại một trường mầm non khác ở Q.Bình Tân. Không lâu sau đó, bà phát hiện mình có thai nên gọi báo nhưng bị ông H. tránh mặt. Dù vậy, ông vẫn khẳng định sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm trong chuyện này. Tìm về tận quê, nhưng ông H. vẫn không chịu gặp, khiến bà quyết định ở lại Đà Nẵng chờ ngày sinh con. Tháng 9/2006, một bé trai bụ bẫm chào đời.

Thời gian này, tuy không “xuất diện” song ông H. vẫn giữ đúng lời hứa, thường xuyên gọi điện hỏi han hai mẹ con và chuyển tiền vào tài khoản để bà ổn định cuộc sống, chăm lo cho con. Chuyện cứ thế tiếp diễn đến năm đứa trẻ lên bốn, đùng một cái ông “biệt tích”, cắt luôn nguồn viện trợ. Rơi vào tình cảnh khó khăn, bà đau khổ, chới với và lên kế hoạch truy tìm ông. Khi biết ông đã lập gia đình, có con và sống ở Q.Bình Thạnh, bà tìm đến để thỏa thuận việc nuôi con song ông thẳng thừng từ chối. Ông trước sau một mực: “Nó không phải con tôi!”.

Đắng lòng, bà gửi đơn đến ủy ban phường nhờ can thiệp. Trong buổi hòa giải tại đây, ông thừa nhận giữa họ từng có quan hệ tình cảm với nhau nhưng sau đó đã chấm dứt, không thể có sự xuất hiện của một đứa trẻ như bà nói. Ông thuận lòng để tòa xét xử và chấp nhận lời đề nghị sẽ cùng đứa trẻ tiến hành trưng cầu giám định ADN…

Qua thoi huong lua

Đơn xin xem xét theo trình tự giám đốc thẩm của ông H. (do luật sư đại diện quyền lợi của ông H. tại tòa phúc thẩm cung cấp)

Phán quyết nào cho phải?

Hơn nửa năm ròng, vụ án liên tục hoãn do bốn lần triệu tập của cấp sơ thẩm TAND Q.Bình Tân, ông H. đều vắng mặt không lý do. Hội đồng xét xử sau đó tiếp tục tống đạt quyết định yêu cầu ông cung cấp chứng cứ chứng minh mình không phải cha đứa trẻ và cuối cùng đề nghị ông đến tòa để lấy mẫu ADN (như thỏa thuận trong buổi hòa giải), ông vẫn bặt vô âm tín. Sự bất hợp tác này khiến tòa đi đến quyết định xét xử vắng mặt. Tại đây, tòa dựa trên các tình tiết: sự thừa nhận mối quan hệ của ông và bản sao tài khoản của bà, cho thấy trong thời gian mang thai đến năm con bốn tuổi, ông liên tục chuyển tiền với trị giá ít nhất một triệu đồng, cao nhất 12 triệu đồng/lần, tuyên ông chính là cha đứa trẻ.

Ông kháng cáo, cho rằng cấp sơ thẩm đã xét xử… suy diễn, không có căn cứ và áp đặt chứng cứ theo hướng bất lợi cho ông. Theo đó, trong phiên phúc thẩm ở TAND TP.HCM vừa qua, ông phủ nhận nội dung hòa giải tại phường và phản biện: “Tôi và bà ấy thực sự có quen biết vì là hàng xóm của nhau, không có chuyện chung sống. Sau này, chúng tôi có liên lạc qua điện thoại và thỉnh thoảng tôi có giúp đỡ bà vì thấy hoàn cảnh bà khó khăn”. Ông khẳng định sự giúp đỡ rất bình thường và đơn giản như những người quen biết cũ. Còn chuyện bất hợp tác nhiều lần với tòa sơ thẩm, là do ông không hề hay biết bởi bận công tác xa, các giấy triệu tập gửi đến đều bị vợ ông nhận và… giấu nhẹm.

Ông H. đồng thời trình bày nỗi khổ tâm khi chuyện đến tai vợ. Giấu giấy triệu tập đã đành, vợ ông còn khăng khăng không cho ông đến tòa hay cho lấy mẫu xét nghiệm ADN. Vợ ông tin rằng, nếu đứa trẻ không phải con ông - như lời ông thú nhận, thì những việc kia đều là vô nghĩa. “Từ ngày đó, cuộc sống gia đình tôi đã không còn yên ổn, thường xuyên xảy ra hục hặc. Vợ chì chiết, mất niềm tin khiến tôi khốn khổ, cuộc hôn nhân của chúng tôi đứng trên bờ đổ vỡ” - ông nói. Ông H. yêu cầu hủy bản án và tiến hành điều tra trở lại nhưng không có chứng cứ gì để trình bày. Vì thế, hội đồng xét xử tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên kết luận ông là cha đứa trẻ…

Phán quyết nào của tòa cũng mang đến một dư vị đắng chát, khi yêu thương nguội lạnh, mặn nồng đi qua, đứa trẻ kia những tưởng là kết quả tốt đẹp của một mối tình thì không dưng trở thành gánh nặng, là lầm lỗi của người lớn và rồi đây, sẽ còn sống trong chối bỏ, phủ nhận. Ông H. nói, vì không chấp nhận bản án của tòa phúc thẩm, mới đây ông đã gửi đơn đến TAND Tối cao và VKSND Tối cao, đề nghị xem xét hai bản án tuyên buộc ông phải nhận con theo trình tự giám đốc thẩm. Trong đơn, ông khẳng định đã sẵn sàng tham gia giám định ADN để có một kết quả chính xác đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mình…

Tuyết Dân 

Không thể tìm được người cha đúng nghĩa cho con

Tranh chấp truy nhận cha cho con phần lớn rất phức tạp, do thường có rất ít hoặc chưa đủ chứng cứ, bên bị kiện lại luôn tìm cách gây khó khăn, từ chối giám định ADN.

Kết quả giám định gen là yêu cầu cần thiết trong các vụ án loại này. Trong trường hợp đương sự kiên quyết từ chối giám định thì khi giải quyết, tòa có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: “Cấm hoặc buộc thực hiện một số hành vi nhất định” để buộc bị đơn làm giám định ADN. Một khi đã quá thời hạn để thực hiện việc giám định mà bị đơn vẫn cố tình không thực hiện, tức đã tự nguyện từ chối bảo vệ quyền lợi của mình, do không cung cấp được chứng cứ chứng minh mình không phải là cha của đứa bé.

Ngoài chứng cứ là kết quả giám định thì trong quá trình xét xử, tòa còn có thể tìm những chứng cứ gián tiếp khác để kết luận nguyên đơn có phải là cha của đứa bé hay không, như: quá trình sống chung, mối quan hệ tình cảm, thư từ, hình ảnh, lời khai của nhân chứng… Vụ việc nêu trên có rất nhiều căn cứ cho thấy ông H. có liên quan đến đứa bé, như thừa nhận mối quan hệ tình cảm với bà L. (trong biên bản hòa giải tại phường), thường xuyên liên lạc qua điện thoại với nhau trong giai đoạn đó, nhất là việc ông ta chuyển tiền một cách thường xuyên và liên tục cho bà L. nuôi con trong một thời gian dài, từ lúc mang thai đến năm con bốn tuổi, với con số không phải ít. Chính vì vậy, không phải vô lý khi tòa án cả hai cấp đều xác định ông là cha đứa bé.

Chấp nhận làm mẹ đơn thân, vất vả một mình nuôi con khôn lớn là một hy sinh lớn lao của bất cứ người phụ nữ nào. Ngoài gánh chịu điều tiếng, bị lên án và có khi không được gia đình, người thân chấp thuận thì họ còn mang cả gánh nặng vật chất để chăm sóc, dưỡng nuôi một đứa trẻ nên người... Người mẹ nào cũng muốn con mình có một người cha để thương yêu, chăm sóc, tuy nhiên, một khi bước vào hành trình đưa nhau đến tòa để xác định cha cho con bằng một phán quyết, dù kết quả thế nào, thắng hay thua thì thực tế, các bà mẹ trong hoàn cảnh này đều không tìm được cho con một người cha đúng nghĩa, biết quan tâm, chăm sóc, giáo dục và nuôi dạy con.

LS Lê Nguyễn Thuyền Quyên
(VPLS Sài Gòn Gia Định)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI