Phức tạp như... phụ nữ

01/11/2019 - 05:17

PNO - Các ông chồng yêu vợ thật sự chẳng bao giờ đặt câu hỏi tại sao, thế nào với vợ, vì họ biết phụ nữ luôn là một bí ẩn để họ phải khám phá suốt đời.

“Lăng quăng” bên ngoài mới phải nịnh vợ

Hội chơi bóng bàn có bốn chị cỡ tuổi trên dưới năm mươi, thuộc thành phần công chức, doanh nhân, nội trợ… Có chị đã có cháu ngoại do lập gia đình sớm, cuộc sống thong thả; có chị vẫn còn bận bịu, nhưng tranh thủ được từ một đến hai tiếng sau bữa ăn tối. Một lần, chị A. hãnh diện khoe, tập xong, về nhà tắm rửa, gội đầu có chồng sấy tóc cho. Các chị nhìn chị A. ngưỡng mộ lắm.

Công bằng mà nói, chị A. không thuộc loại sắc nước hương trời, nhưng chị có ông chồng trên cả tuyệt vời, đưa đi đón về mỗi tối. Đặc biệt, ông không chỉ ga-lăng với vợ, mà còn với cả bạn vợ. Thỉnh thoảng, ông lại rủ cả nhóm đi uống nước. Hôm nào đến sớm, ông ngồi lại góp chuyện rôm rả… 

Phuc tap nhu... phu nu
Ảnh minh họa

Chồng chị A. là giám đốc một công ty tư nhân ăn nên làm ra, đôi khi vợ chồng chị lại rủ mấy chị em đi dã ngoại cùng gia đình. Anh chị là nhà tài trợ chính, các thành viên chỉ đóng góp tượng trưng. Theo các chị, chồng chị A. vừa biết thương yêu chiều chuộng vợ, vừa chan hòa với bạn bè vợ. Người như vậy khá “quý hiếm”.

Chị B. về kể với chồng, rằng chị A. được chồng cưng, tối nào cũng ngồi sấy tóc cho vợ. Chị B. kể chuyện không đúng lúc. Ti vi đang phát trận bóng đá vào hồi gay cấn. Ông chồng mải xem, chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Nhưng chị B. cứ nhắc đi nhắc lại, chồng bực mình quá, quát: “Vậy cô muốn gì? Muốn tôi sấy tóc cho hả? Bộ tay ấy hết chuyện làm rồi hay sao mà tối nào cũng ngồi sấy tóc cho vợ? Rảnh quá há!”. 

Cuối cùng, chồng chị B. bỗng dưng ác cảm với chồng chị A.: “Đồ dở hơi cám lợn, già còn bày đặt”. Chị B. hậm hực lắm, nói vợ chồng càng già càng phải nồng ấm, chăm sóc cho nhau. Rồi chị than số chị khổ, cô đơn đến già vì chồng chẳng bao giờ biết vợ nghĩ gì, muốn gì, thích gì.

Chị C. đem câu chuyện về kể, chồng chị phán ngay: “Ngó vậy mà không phải vậy đâu. Do “lăng quăng” bên ngoài mới phải nịnh vợ. Như ta đây, đường ngay lối thẳng đi về mấy chục năm, ta cần gì nịnh vợ! Mà, quan trọng gì chuyện chồng sấy tóc cho? Ai rửa chén, lau nhà, trông cháu ngoại cho bà đi chơi bóng bàn? Già rồi còn bày đặt đem chuyện riêng tư ra khoe, làm như vợ chồng son”.

Phuc tap nhu... phu nu
Ảnh minh hoạ

Chị D. vừa kể chuyện sấy tóc, chồng chị liền nạt ngang: “Vớ vẩn, hết chuyện kể rồi hả, hay là hồi xuân?”.

Nói chung, cả ba chị B., C., D. đều ấm ức vì chồng mình không như chồng chị A. Vợ chiều chồng không sao, đòi hỏi chồng chiều là rách việc, vớ vẩn. 

Than thân trách phận đã đời, các chị bỗng nghĩ lại. Biết đâu đúng như chồng chị C. nói, “lăng quăng” bên ngoài mới phải nịnh vợ. Rửa chén, lau nhà cho vợ đi chơi bóng bàn, không chiều vợ là gì? Có ông chồng còn không cho vợ đi đâu. Ai khổ hơn? 

Vậy là các chị vui vẻ trở lại, thậm chí bóng gió sau lưng chị A. rằng có chuyện chồng sấy tóc mà cũng khoe rầm trời, mai mốt bật ngửa vì ông chồng có bồ, mới biết tay!

- Tâm lý phụ nữ quả phức tạp, khó hiểu, hiểu được chết liền!

- Ồ không, họ chẳng phức tạp đâu, có chăng là họ tự nghĩ ra thêm rắc rối cho cuộc đời họ, để rồi chính họ đôi khi cũng chẳng biết họ thích gì nữa!

Đời chẳng có gì trọn vẹn

Chị Y. về hưu mấy năm nay, con cái yên bề gia thất, nhà chỉ còn hai vợ chồng già, vậy mà theo ý chị vẫn chưa được gọi là hưởng. Nhiều lúc nhớ cháu, chị khăn gói đi thăm. Ở chơi với cháu vài hôm đã bồn chồn, không biết ổng ở nhà ra sao, tối có đóng cửa sổ không, gần sáng có tắt quạt không, già rồi gió máy... (dù ngày nào cũng điện thoại).

Phuc tap nhu... phu nu
Ảnh minh họa

Vậy là thắc thỏm hối con mua vé xe. Bỏ ba mày ở nhà một mình má không yên. Ổng ăn gì, ngủ nghê ra sao? Buồn tình lại theo mấy ông bạn ra quán sương sương vài chai, về nhà quên cửa nẻo, trộm vào khuân hết đồ đạc. Lên xe đò trở về thấy mọi thứ chỉn chu đâu ra đó. Ông chồng chẳng những không sút ký nào mà còn trông phổng phao. 

Lại nhớ đứa cháu ngoại ba tuổi suốt ngày bi bô, bà quay ra trách ông chồng: “Có ông tui chẳng đi đâu được. Sao mà số tui khổ vậy không biết!”. Ông chồng ngớ ra: “Tui có cản bà đâu. Sao không ở chơi với cháu vài tháng? Ba chân bốn cẳng về chi, rồi lại trách?”. Bà vợ nghe vậy thêm tức tối: “Thì kẹt ông ở nhà đó, bỏ mình ông sao yên tâm?”. “Ơ hay cái bà này. Bà về có thấy nhà cửa sứt mẻ miếng nào không? Tui vẫn sống ngon lành đấy thôi!”. Cuối cùng bà thấy đời chẳng có gì trọn vẹn. Ở với chồng thì nhớ con cháu, ở với con cháu thì lo ông chồng.

Chị X. nghe chuyện liền nói: “Ông nhà tôi mất mấy năm nay, ban đầu buồn khổ lắm, nghĩ phận mình sao bi kịch. Thời nghèo khổ, vợ chồng trần lưng làm lụng nuôi con, đến khi con cái thành đạt, ổng bỏ đi sớm, không được hưởng… Buồn rồi cũng nguôi, giờ đây một thân một mình lại thấy khỏe, muốn ăn, ngủ lúc nào tùy ý; thích thì xách ba-lô theo bạn bè du lịch. Hồi xưa tánh ổng gia trưởng, hầu ổng hụt hơi, chưa chắc ổng đã cho đi chơi”.

Chị lại chép miệng, vậy chớ nhiều khi cũng buồn, người ta vợ chồng già hủ hỉ sớm hôm, mình lủi thủi ra vô trong căn nhà rộng, con cái rảnh thì tạt qua, thậm chí điện thoại nó cũng quên. 

Bà mẹ trẻ nghe chuyện liền bảo: “Từ chuyện mấy người già, cánh phụ nữ trẻ giờ đây khôn ra nhiều lắm. Ngày nào hành ông chồng được thì cứ hành, đường dài mới biết ngựa hay, hành ổng một chứ mình gánh đến mười!”. Nói xong bà bỗng giật mình, ủa mình cũng có con trai, con gái, mong cho các con hạnh phúc, vợ chồng đầm ấm yêu thương nhau, tự dưng đi mong cho có đứa bị hành, có đứa được hành?

Phải chăng phụ nữ vẫn còn khổ dài dài vì biết đâu họ lại tiếp tục với đề tài: “Không lý để con trai mình là đứa bị hành và con gái mình là đứa cần phải lên mặt với chồng?”. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI