Phòng khám nhà mình: Địa chỉ hỗ trợ tin cậy của trẻ có 'H'

05/12/2018 - 23:01

PNO - Nơi đây không chỉ khám, tư vấn và chuyển gửi điều trị HIV mà còn san sẻ khó khăn với bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em.

Tháng 6/2017, một nhóm bác sĩ và nhân viên công tác xã hội có “duyên” với bệnh nhân nhiễm HIV đã thành lập Phòng khám Nhà Mình tại đường Ba Đình, P.10, Q.8, TP.HCM. 

Những cuộc gọi lúc nửa đêm

Gần 2g sáng một ngày tháng 8/2018, điện thoại đường dây khẩn 1800.00.19 của Phòng khám Nhà Mình reo vang, anh Nguyễn Anh Phong - đại diện phía Nam Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+) bật dậy. Đầu dây bên kia, một người mẹ nấc nghẹn: “Không có tiền, thôi để con tui chết, chú ơi”. Bé D. bị nhiễm lao - HIV, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) cho chuyển lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) điều trị.

Thế nhưng, người mẹ nông dân ấy đã khánh kiệt vì bệnh tật. Sau một hồi trấn an, anh Phong quyết định trích quỹ 3 triệu đồng giúp D. mong em sớm khỏe để về nhà làm việc nuôi mẹ như nguyện ước. Đây chỉ là một trong hàng trăm cuộc gọi cầu cứu lúc nửa đêm mà các bác sĩ và nhân viên công tác xã hội của phòng khám nhận được trong hơn một năm qua. 

Mồ côi cha mẹ, sống nhờ cửa chùa một thời gian, H. khăn gói từ Phú Quốc lên TP.HCM xin phụ việc trong một quán ăn. Chưa kịp quen đất, quen người, H. đã bị tống ra đường. Bữa đó, vì chỉ ghi món khách gọi trên một tờ hóa đơn thay vì hai như thông thường, bà chủ nghi H. gian lận nên đuổi việc, không trả lương cho em.

Đêm xuống, H. co người ngoài công viên Phú Lâm (Q.6), đói khát, không còn thuốc ARV uống, cũng không có tiền mua vé xe về Phú Quốc. Nhờ có số điện thoại, H. gọi cho anh Phong. Cũng như với nhiều bệnh nhân khác, lần này Phong không ngần ngại lo vé xe tàu, tiền ăn cho H. kịp về Phú Quốc nhận thuốc ARV uống. 

Phong kham nha minh: Dia chi ho tro tin cay cua tre co 'H'
Bác sĩ Phòng khám Nhà Mình khám, tư vấn điều trị trẻ nhiễm HIV.

Chữ "Thương" làm đầu

Phòng khám Nhà Mình có một nhóm nhân viên tư vấn, hỗ trợ tâm lý, tìm hiểu gia cảnh trẻ. Hằng tuần, các anh chị đều dành thời gian đến Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 gặp gỡ, chuyện trò cùng bệnh nhi và người nhà để nếu cần sẽ trợ giúp. Nhìn những vết cắt do lưỡi lam trên tay C. (quê Nha Trang), chị Thái Uyên bật khóc theo người mẹ trẻ. Biết vợ nhiễm HIV, chồng bỏ đi. C. một nách ba con, lại thêm đang mang thai 19 tuần.

Con trai thứ ba của chị C. - bé P., 11 tháng tuổi - chỉ nặng 5,8kg, đang điều trị ARV và bị suy dinh dưỡng. Không kham nổi cả bốn người con, C. tính bỏ P. lại một mái ấm ở TP.HCM, về Nha Trang nịt bụng giấu thai để đi làm tiếp viên quán karaoke. Song song với việc an ủi, hướng dẫn làm thủ tục điều trị và dự phòng lây nhiễm, chị Thái Uyên đã liên hệ với một mái ấm nhờ giúp đỡ và nơi đây đồng ý tiếp nhận chăm sóc cả mẹ con C. 

Phong kham nha minh: Dia chi ho tro tin cay cua tre co 'H'
Thành viên Phòng khám Nhà Mình đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp xúc, tìm hiểu gia cảnh, tâm lý trẻ nhiễm HIV để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

“Với bệnh nhân “H”, đặc biệt là trẻ em, bên cạnh thuốc men thì tình thương là chìa khóa mở ra hy vọng sống”, bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, người trực tại Phòng khám Nhà Mình từ thứ Bảy đến trưa Chủ nhật hằng tuần đã nói với chúng tôi như vậy. Bác sĩ Thủ vừa tư vấn cho em nam 15 tuổi, nhiễm HIV trong quá trình hành nghề mại dâm. “Em này không biết gì về HIV, thuốc ARV, không biết dự phòng lây nhiễm tiếp theo như thế nào. Ở tuổi này, các em rất dễ lung lay, nản lòng nên tỷ lệ mất dấu trong điều trị ARV cũng cao”, bác sĩ Thủ chia sẻ. 

Cũng theo bác sĩ Thủ, Phòng khám Nhà Mình đã đón nhận nhiều phụ nữ mang thai không biết cách dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Chuẩn bị đến ngày sinh đứa con thứ hai, đất trời trước mắt chị A. như sụp đổ vì kết quả dương tính với HIV. Chị lây nhiễm từ chồng, bởi anh hay ra ngoài tìm “của lạ”. Quá hoảng loạn, hai vợ chồng trốn khỏi TP.HCM về vùng quê sinh con vì sợ cha mẹ hai bên biết sẽ xa lánh.

Hướng dẫn vợ chồng chị A. làm các xét nghiệm HIV cho hai con, cả phòng khám vỡ òa hạnh phúc với kết quả âm tính. Tiếp đó, chị A. được trấn an tâm lý, chia sẻ các kiến thức dự phòng lây nhiễm, (không cho con bú sữa mẹ). Biết vợ chồng chị A. khó khăn, phòng khám có nhã ý hỗ trợ tiền sữa cho các bé, nhưng chị A. muốn nhường suất này cho các bé khó khăn hơn. 

Hơn một năm nay, ngoài đội ngũ nhân viên túc trực, phòng khám còn nhận được sự hỗ trợ chuyên môn, trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân của bác sĩ Phan Hồng Liêm, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo - nguyên Trưởng khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng Q.11, bác sĩ chuyên khoa sản Huỳnh Ngọc Khoe. Anh Nguyễn Anh Phong chia sẻ: “Phòng khám ra đời với mong muốn có nơi chia sẻ, tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị mà bệnh nhân HIV cảm thấy thoải mái, an tâm. Ngoài hoạt động chuyên môn, những buổi truyền thông phòng, chống HIV/AIDS ngay tại phòng khám, chúng tôi cũng cố gắng hỗ trợ sữa, mua bảo hiểm y tế cho các bé nhiễm, hy vọng san sẻ phần nào khó khăn với gia đình của trẻ”. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI