Phòng càng bừa bộn, bé càng thông minh

13/10/2015 - 06:45

PNO - Nhà nghiên cứu giáo dục sớm Nhật Bản Ibuka Masaru cho rằng, một căn phòng quá ngăn nắp sẽ cản trở sự phát triển của bé.

Khi chăm trẻ, các bà mẹ thường có thói quen dọn dẹp mọi thứ đồ chơi mà con trẻ bày bừa. Nhưng theo nhà nghiên cứu giáo dục sớm Nhật Bản Ibuka Masaru, căn phòng bừa bộn một chút có lợi cho trải nghiệm của trẻ, thậm chí, một căn phòng quá ngăn nắp sẽ cản trở sự phát triển của bé. 

Phong cang bua bon, be cang thong minh

Việc để trẻ chạm tay vào đồ vật là trải nghiệm xúc giác vô cùng quý giá đối với trẻ. Do vậy, các mẹ nên tạo điều kiện tối đa cho trẻ được tiếp xúc với sự phong phú của sự vật, từ gồ ghề, to nhỏ, nặng nhẹ để trẻ có thể tự mình khám phá, phát hiện. Đôi khi, việc làm đổ hay làm vỡ, hoặc có khi xé vụn… lại là những trải nghiệm góp phần giúp ích cho sự phát triển óc sáng tạo, khám phá của trẻ.

Bằng những trò chơi thủ công, trẻ sẽ cảm nhận xúc giác, niềm thích thú khi chạm vào cục đất nặn, hay mảnh giấy. Và từ những vật dụng này, trẻ có thể làm thay đổi hình thù của cục đất nặn từ tròn thành dẹt, hay thay đổi 1 tờ giấy bằng cách xé giấy thành 2 mẩu.

Việc chơi những món đồ đơn giản như đất nặn, cắt giấy, xếp hình từ khi còn nhỏ sẽ làm trẻ sáng tạo hơn, rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay. Hơn nữa, khi nhận được thành quả, sản phẩm do chính mình tạo ra, trẻ sẽ có được niềm vui, sự trân trọng và tin tưởng vào óc sáng tạo của bản thân chúng.

Phong cang bua bon, be cang thong minh

Hôm nay, cái ghế ở đây làm bàn phát biểu, ngày mai chiếc hộp đựng đồ chơi ở kia làm sân khấu... Tất cả sự thay đổi vị trí đồ vật trong phòng giúp kích thích óc sáng tạo và làm bé linh hoạt hơn trong vận động.

Căn phòng của bé có đầy vụn giấy, hay đổ đầy bút màu, hoặc trên tường loang lổ vệt sơn tróc, bé cũng có thể hình dung ra nhiều hình thù, giống như việc so sánh đám mây giống hình con voi, con ngựa...

 Do đó, nếu trẻ có những hành vi tự phát như làm bừa bộn căn phòng, hay có thể cầm bút màu và vẽ nguệch ngoạc lên tường, đó cũng là những "tác phẩm" đầy "tâm huyết" của chúng.

Có khi, đôi giày của bố có thể trở thành 2 chiếc ô tô, cái khăn tắm trở thành áo choàng... theo đúng như tưởng tượng của bé. Cha mẹ không nên phê bình, không nên quở trách vì như vậy là hạn chế, cản trở óc sáng tạo của trẻ. 

Phong cang bua bon, be cang thong minh

Phụ huynh đừng bao giờ nặng lời phê bình và trách mắng trẻ nhỏ. Việc dùng những từ ngữ trách mắng không bao giờ làm trẻ lớn lên mà khiến trẻ sợ bạn hơn. Chỉ có yêu thương và để trẻ tự phát triển theo đúng trí tưởng tượng, sáng tạo mới giúp bố mẹ phát hiện được những sở thích và thói quen của con trẻ. Qua đó cha mẹ có thể định hướng được lối đi sau này cho con.

Diệu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI