Peru ngừng thử nghiệm vắc-xin của Trung Quốc, Mỹ vượt 16 triệu ca mắc COVID-19

13/12/2020 - 07:37

PNO - Peru đã tạm ngừng thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 do tập đoàn dược phẩm Trung Quốc Sinopharm sản xuất, sau khi phát hiện một trong những tình nguyện viên gặp vấn đề về thần kinh.

Peru đình chỉ thử nghiệm vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc

Viện Y tế Quốc gia Peru cho biết họ đã quyết định ngừng thử nghiệm vắc-xin COVID-19 của Sinopharm do một tình nguyện viên gặp khó khăn trong việc cử động cánh tay sau khi được tiêm chủng, theo truyền thông địa phương.

"Vài ngày trước, chúng tôi đã báo hiệu với các cơ quan quản lý rằng một trong những người tham gia thử nghiệm đã xuất hiện các triệu chứng thần kinh tương ứng với tình trạng gọi là hội chứng Guillain-Barre" - Trưởng nhóm nghiên cứu German Malaga cho biết.

Hội chứng Guillain-Barre là một chứng rối loạn hiếm gặp và không lây lan, ảnh hưởng đến cử động của cánh tay và chân. 

Peru ngừng tiêm vắc-xin COVID-19 của Sinopharm
Peru ngừng tiêm vắc-xin COVID-19 của Sinopharm

Không chỉ Peru, hơn 60.000 người trên toàn cầu đã sử dụng vắc-xin Sinopharm, bao gồm những người tình nguyện ở Argentina, Nga và Ả Rập Xê Út.

Tính đến nay, Peru là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tử vong bình quân đầu người cao nhất thế giới do COVID-19, báo cáo gần 37.000 người chết và hơn 970.000 ca nhiễm SARS-CoV-2.

Hoa Kỳ vượt mốc 16 triệu ca mắc COVID-19

Hoa Kỳ đã đạt kỷ lục 16 triệu ca nhiễm virus cùng số bệnh nhân tử vong lên tới 300.000, khi hàng triệu liều vắc-xin mới dự kiến sẽ bắt đầu được tung ra trên toàn quốc vào ngày 14/12.

Mỹ đã báo cáo số bệnh nhân nhiễm mới SARS-CoV-2 tăng đột biến, hơn 232.700 người trong ngày 11/12. Trung bình 7 ngày gần đây nhất, Hoa Kỳ ghi nhận 2.411 trường hợp tử vong mỗi ngày, mức trung bình cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Trước tình hình dịch bệnh diễn tiến khó lường, ngày 12/12, loại vắc-xin COVID-19 đầu tiên đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt. Chính phủ Mỹ sẽ khởi động một chiến dịch tiêm chủng hàng loạt có quy mô lớn, với mục tiêu chấm dứt đại dịch đã tàn phá cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế Hoa Kỳ.

“FDA phê duyệt vắc-xin của Pfizer để sử dụng khẩn cấp” - Tổng thống Donald Trump thông báo trên Twitter. Ông hứa với người dân rằng việc tiêm chủng sẽ bắt đầu trong vòng chưa đầy 24 giờ. 

Nhưng Tướng quân đội Hoa Kỳ Gustave Perna cho biết các chuyến hàng vắc-xin đầu tiên sẽ bắt đầu di chuyển vào ngày 13/12 và sẽ được chuyển đến 145 địa điểm trên khắp đất nước vào ngày 14/12. Phần còn lại trong số 636 địa điểm phân phối do các tiểu bang và vùng lãnh thổ Hoa Kỳ lựa chọn sẽ nhận được vắc-xin vào ngày 15-16/12.

Đợt tiêm đầu chủ yếu ưu tiên các nhân viên y tế, nhân viên của các cơ sở chăm sóc dài hạn và những đối tượng có nguy cơ mắc COVID-19 cao.

Hàn Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cảnh báo nếu số ca nhiễm mới virus tiếp tục gia tăng, thì việc nâng cao biện pháp giãn cách xã hội lên mức cao nhất là không thể tránh khỏi.

Việc tăng mức cảnh báo sẽ đồng nghĩa với việc cấm tụ tập hơn 10 người, yêu cầu các nhân viên không thiết yếu làm việc tại nhà, trường học và dịch vụ nhà thờ chuyển sang hình thức trực tuyến.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun trong cuộc họp ngày 12/12.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun trong cuộc họp ngày 12/12

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã ghi nhận hơn 950 trường hợp mắc COVID-19 trong ngày 12/12, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu lây lan tại đây. Khu vực thủ đô Seoul chiếm phần lớn trong tổng số, với 669 bệnh nhân dương tính virus.

“Một tình huống rất nghiêm trọng. Trên thực tế, chúng tôi không thể không nói rằng đây là một tình huống khẩn cấp” - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lo ngại về diễn tiến dịch bệnh hiện tại.

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI